|
Một quầy bán bánh kẹo tết ở chợ An Đông, quận 5, TPHCM ẢNH: THANH HOA |
Nhan nhản hàng không nhãn mác, nhái thương hiệu
Từ những sạp hàng nhỏ lẻ nơi góc chợ đến các khu chợ đầu mối sầm uất, đâu đâu cũng có những sản phẩm không nhãn mác, khiến người mua không thể biết được xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng.
Tại chợ Bình Tây, quận 6 - nơi chủ yếu bán sỉ - các loại bánh, kẹo, mứt, hạt không nhãn mác được bày bán công khai. Cũng có những sản phẩm có nhãn mác nhưng thông tin rất chung chung, như có ghi tên cơ sở sản xuất nhưng lại không ghi địa chỉ cụ thể, hoặc in ngày sản xuất nhưng không có hạn dùng, thậm chí ngày sản xuất bị nhòe, lem luốc, có dấu hiệu bị sửa đổi.
Ông Nguyễn Quốc An - Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Ánh Dương - cho rằng, sự chênh lệch về giá thành khiến hàng nhái, hàng kém chất lượng có giá bán rẻ hơn nên dễ tiêu thụ. Ông chỉ ra nhiều loại bánh quy nhái thương hiệu, như bánh Damisa nhái Danisa, Cozy nhái Cosy. Giá bán hộp bánh quy nhái thương hiệu có khi rẻ gấp 4 lần bánh quy chính hãng.
Ở các vựa gạo hoặc chợ lẻ, gạo ST25 có giá bán phổ biến từ 27.000-30.000 đồng/kg, nhưng gạo ST25 do các doanh nghiệp niêm yết là 50.000 đồng/kg.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay, do chất lượng gạo ST25 mỗi nơi mỗi khác, cách phối trộn cũng khác nhau nên giá khác nhau. Nếu sản xuất đúng chuẩn hữu cơ, có chứng nhận của tổ chức quốc tế thì gạo ST25 không thể có giá thấp hơn 50.000 đồng/kg.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội ngày 5/12, ông Nguyễn Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TPHCM - cho hay, dịp cận tết, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các đối tượng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Để ngăn chặn hàng lậu tràn vào thị trường, Cục Quản lý Thị trường TPHCM đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau tết Ất Tỵ 2025.
Tính đến ngày 5/12, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 294 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 100.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 4,2 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm của những tổ chức, cá nhân liên quan đã bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
|
Một quầy bán bánh kẹo tết ở chợ An Đông, quận 5, TPHCM - ẢNH: THANH HOA |
Cần chế tài mạnh hơn
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay, trong cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra đầu tháng 1/2025, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là chất lượng hàng hóa. Những vụ phát hiện hàng kém chất lượng ở một số địa phương cho thấy số lượng sản phẩm vi phạm tương đối lớn.
Ông cho rằng, cơ quan quản lý chất lượng ở các địa phương cần làm việc với tất cả nhà bán lẻ để đưa ra quy chuẩn chung từ sản xuất đến phân phối. Thực tế, đã có đơn vị bán lẻ dùng xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động để kiểm tra hàng hóa trong tất cả các khâu nhằm kịp thời ngăn chặn hàng không đảm bảo chất lượng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm: một bộ phận người sản xuất chỉ quan tâm lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, sẵn sàng sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại để làm ra sản phẩm; sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong việc quản lý thị trường nói chung, hóa chất nói riêng; khó áp dụng các tiêu chuẩn an toàn hiện đại đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất tại nhà; khó phân biệt thực phẩm “bẩn” với thực phẩm an toàn.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Cụ thể, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các hộ sản xuất truyền thống nâng cao điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm; nhà sản xuất cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển công nghệ VINA (Vina CHG) - so sánh, ở các nước tiên tiến, hiếm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm bởi cơ quan quản lý đưa ra bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng cho quá trình làm ra sản phẩm và xử phạt nghiêm nếu không tuân thủ.
Một số nước xem hành vi vi phạm về thực phẩm là hành vi lừa đảo người tiêu dùng, từ đó xử lý hình sự. Còn ở Việt Nam, cơ quan chức năng cũng kiểm tra, giám sát nhưng chưa làm thay đổi được ý thức của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo ông, cách xử lý những cơ sở vi phạm ở Việt Nam cũng thiếu nhất quán. Chẳng hạn, khi phát hiện cơ sở sản xuất 20,3 tấn giá ngâm đậu trong hóa chất độc hại 6-benzylaminopurine và 135 lít chất cấm, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 bị can nhưng với vụ tương tự, ngành chức năng TP Huế chỉ xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở. Ông đề xuất, để hạn chế tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn, cần có mức phạt nặng.
Gần đây, khi áp dụng mức phạt nặng hơn đối với hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, tình trạng xe máy vượt đèn đỏ, leo vỉa hè giảm hẳn. Do đó, việc tăng mức phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm cũng sẽ có tác dụng tương tự.
Ông cũng đề nghị các nhà phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ) lựa chọn nhà cung cấp có chung tầm nhìn, chung mục tiêu vì sức khỏe của cộng đồng.
|
Cán bộ Sở An toàn thực phẩm lấy mẫu bánh, kẹo tại một chợ truyền thống để kiểm tra - ẢNH: QUỐC THÁI |
“Khi phát hiện thực phẩm nghi không an toàn, người tiêu dùng cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Ý thức và sự chủ động của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để tạo áp lực, thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng môi trường thực phẩm an toàn”. Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN DUY THỊNH |
Chợ tự phát “bao vây” chợ chính Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM) đang bị chợ tự phát “bao vây” khiến tiểu thương rất bức xúc. Trong khi tiểu thương trong chợ phải oằn mình gánh đủ loại phí - từ tiền điện, thuế đến phí tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm - thì những người bán bên ngoài chợ không phải tốn phí gì. Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chỉ tập trung bên trong chợ. Sự bất bình đẳng này đã đẩy tiểu thương vào thế khó, không thể cạnh tranh về giá. Vì sự tiện lợi (không cần gửi xe), khách hàng cũng chọn mua hàng ở các quầy, xe bên ngoài chợ. Một số tiểu thương nghi ngờ có sự bảo kê khiến những người bán hàng rong bên ngoài chợ lộng hành và mong các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Thanh Hoa |
Nội dung đầy đủ!!! Khó kiểm soát thực phẩm trôi nổi Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - cho hay, sở đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Ất Tỵ 2025. Cụ thể, các đoàn tập trung kiểm tra các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp tết như thịt, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát, rau củ đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở giết mổ… Theo bà, thực phẩm vào siêu thị, chợ sỉ đều được kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống nội bộ của các đơn vị kinh doanh và các đội an toàn thực phẩm trực thuộc sở phối hợp với UBND các quận, huyện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là kiểm soát thực phẩm trôi nổi ở các chợ tự phát và các cơ sở nhỏ lẻ xung quanh các chợ đầu mối. Bà nói: “Với số lượng nhân sự hiện có, chúng tôi cố gắng giám sát tốt nhất có thể đối với các cơ sở kinh doanh, chợ và siêu thị. Tuy nhiên, việc kiểm nghiệm của cơ quan quản lý vẫn kém hiệu quả hơn so với hệ thống kiểm soát của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Các đơn vị này có nguồn kinh phí lớn và đề ra tiêu chuẩn đầu vào nghiêm ngặt. Thực phẩm muốn vào được siêu thị phải qua nhiều bước kiểm nghiệm khắt khe, nhưng điều này cũng khiến chi phí và giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với thực phẩm kém chất lượng”. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay, sở không chỉ kiểm tra khi có sự cố xảy ra mà còn kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất trong cả năm. Từ năm 2025, Chính phủ sẽ bãi bỏ quy định chỉ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mỗi năm 1 lần mà cho phép kiểm tra thường xuyên. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc giám sát nguồn thực phẩm. “Trở ngại lớn nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là sự thờ ơ của một bộ phận người dân. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng, không qua kiểm soát đang được bán tràn lan ở vỉa hè, chợ tạm. Có cầu thì mới có cung. Người dân nên có ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn, ưu tiên mua thực phẩm ở các cửa hàng, siêu thị và chợ truyền thống có kiểm soát để đảm bảo sức khỏe” - bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ. Quốc Thái |
Mai Ca - Thanh Hoa