|
Ảnh minh hoạ |
Hồi đó, hễ cứ gần tết là ngoại dẫn chị em tôi ra chợ dọc bờ kênh ở quận 8. Tụi tôi, đứa cặp rổ tre vào nách, đứa quảy tòng teng cái giỏ lát, hớn hở theo sau lưng bà để được bà dạy lựa nếp, lá chuối, đậu xanh, dưa hành, củ kiệu sao cho ngon nhất. Những món này được bán trên những chiếc ghe đậu san sát dưới bến sông.
Đến trưa, chị em tôi cùng bà ngồi trên xe ba gác cùng với các loại thực phẩm đã được mua để về nhà. Hồi xưa, được đi chợ với bà là niềm mơ ước của tôi, vì cứ mỗi lần sắm đồ đạc cần thiết xong xuôi, bà thường mua thêm cho đàn cháu những bịch siro đá bào đủ màu mát lạnh. Đây là loại quà vặt được bán bởi ông cụ gầy gò bên chiếc xe đạp cà tàng đậu cạnh bến sông.
Về đến nhà, tụi tôi chia việc cho nhau: đứa rửa lá, kẻ ngâm nếp, đãi vỏ đậu. Cháu trai có nhiệm vụ chẻ củi, kê gạch làm bếp, rửa nồi. Lúc này đã là 28 tết, cả nhà quây quần bên ngoại chuẩn bị gói bánh tét. Ngoại bày nguyên liệu, nào là nếp, thịt mỡ, đậu xanh, lá chuối, dây lạt… theo thứ tự, gọn gàng trên những chiếc chiếu giữa nhà.
Các dì và các chị lớn phụ ngoại xếp lá, đổ nếp, đổ đậu ra những tấm lá chuối đã được lau sạch và cắt xén gọn gàng. Ngoại tôi nhẹ nhàng đặt lên trên mặt lớp đậu xanh những miếng thịt ba rọi bà đã ướp sẵn với muối, tiêu, hành tím thơm lừng.
Sau đó, bà đổ lớp đậu rồi tới lớp nếp lên thịt rồi khẽ khàng cuốn các lớp lá chuối bao kín nếp. Tiếp theo bà cuộn 2 lớp lá ở phía 2 đầu, vỗ vỗ cho các lớp nếp được nén chặt, rồi bọc thêm lá chuối 2 đầu đòn bánh, để khi nấu nước không thể lọt vào, sẽ nhão bánh.
Cuối cùng, ngoại thoăn thoắt rút dây lạt để quấn buộc đòn bánh tét. Thật lạ là, dù không có khuôn, nhưng bánh ngoại gói đòn nào cũng tròn, dài đều như nhau. Lúc gói bánh, thỉnh thoảng ngoại cất giọng Huế nhắc nhở: “Mấy đứa mi phải nhớ cho kỹ cách ngoại gói bánh, để sau này còn gói cho chồng con ăn nghe không!”. Riêng tôi, khi mọi người gói gần xong, tôi hay xin ngoại chút nếp, đậu còn dư và tự gói những cái tét nhỏ xíu cỡ 3 ngón tay để “lấy le” với chúng bạn.
Bánh gói xong, ngoại đem xếp cẩn thận từng chiếc vào nồi. Nồi luộc bánh tét chính là cái thùng phuy cũ, ông ngoại đem gò lại, nên rất to. Lúc này củi đã nhóm, nhiệm vụ canh nồi bánh ngoại giao lại cho các anh chị lớn trong nhà. Để chống cơn buồn ngủ, anh chị tôi thay nhau đàn hát từ nhạc boléro cho đến cải lương, nhạc tiền chiến… Nhờ đó mà tôi thuộc và biết rất nhiều thể loại nhạc.
Đám nhóc chúng tôi vừa theo anh chị lớn trông bánh, vừa chơi oẳn tù tì, ai thua bị quẹt lọ nghẹ. Tiếng đàn ghi ta, tiếng gõ đế thêm trên mấy cái thau, hòa tiếng hát, lẫn tiếng cười của tụi tôi khi nhìn mấy cái mặt bị quẹt lọ nghẹ đen thùi, tèm lem của nhau. Những âm thanh, những hình ảnh đó đã trở thành những ký ức, không thể nào quên.
Đến sáng, sau khi kiểm tra thùng bánh, ngoại vớt và móc bánh thành hàng trên giàn ống tuýp sắt ông ngoại xếp ở chái bếp cho bánh ráo nước. Bánh tét của ngoại tôi rất to, 1 đòn nặng cỡ 1kg. Để đến rằm tháng Giêng mà lá còn xanh và bánh không bị mốc. Đến trưa 30, sau khi cúng tất niên xong, ngoại thường chia cho mỗi gia đình các dì, cậu 4 đòn để ăn tết. Kèm theo đó là các món dưa kiệu, dưa món, mứt dừa… ngoại đã làm từ trước.
Giờ đây ngoại đã đi xa, những ngày này, tôi lại nhớ đôi tay thoăn thoắt của ngoại khi gói bánh, cùng mắt nheo nheo trông chừng đám nhóc chúng tôi. Trong miền ký ức ấy luôn dậy mùi thơm của nếp cùng mùi thịt, mùi đậu đan quyện. Xen lẫn với tiếng cười, là tiếng đàn hát bên ánh lửa bập bùng, bừng sáng cả một trời tuổi thơ tôi…
Giao Thuỷ