Cuối năm, tôi nhận được nhiều chia sẻ kiểu chẳng giống ai.
Kim Tuyến bảo: “Chị biết không, gần nửa tháng nay chồng em bị tai nạn gãy chân nên phải nằm một chỗ, em thoải mái đến nỗi tăng cân luôn đó chị. Mong sao qua hẳn tết rồi cái chân mới lành”.
Ngân Hà lại nhắn: “Tết năm nay, chồng em chả có lương, thưởng gì cả. Tuy nhiên, em lại thích cái tình trạng tiền khô cháy túi của anh. Anh bớt đi hẳn, chiều nào cũng ở nhà phụ vợ con cơm nước, không khí gia đình những chiều cuối năm nhờ đó cũng ấm cúng hơn hẳn”.
Tâm sự của hai người bạn mới nghe qua thì có vẻ rất vô cảm, lạ lùng, thế nhưng, chỉ những ai thật sự sống trong cuộc mới hiểu và thông cảm cho những điều kỳ cục ấy. Đằng sau những câu nói tưởng chừng như vô lý ấy chứa đựng cả nỗi lòng.
|
Mặc các bà vợ tất bật, lo lắng, các ông chồng vẫn cứ "zô zô" |
Là phụ nữ, tôi thường xuyên để ý đến những nỗi niềm của giới chị em, bạn, dì. Nếu hỏi han trực tiếp được không đủ tế nhị, thì tôi lại lân la quan sát những động thái mà họ chia sẻ trên một vài địa chỉ hot.
Hôm kia, tôi thấy cô bạn thân bình luận vào một nhóm. Ở đó admin đưa câu hỏi “Người ta hay đồn như thế nào về bạn?”, Thúy tương tác: “ Người ta đồn tôi giàu, số hưởng, được chồng chiều nhưng sự thật thì...”.
Tôi biết vì sao bạn bỏ lửng dấu ba chấm, nội dung điền vào dấu ba chấm ấy là những gì? Bao năm nay, vì lấy phải một người chồng vô tâm, ích kỷ mà bạn tôi đã phải lăn lộn đến rạc người. Chồng bạn, một người đàn ông ham vui, luôn dành thời gian ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà nên mọi thứ, từ con cái trong nhà ra đến công việc ngoài xã hội đều một tay bạn tính liệu.
Tôi tự hỏi, ở ngoài kia, còn bao nhiêu người phụ nữ mỗi ngày đều phải vất vả, lao tâm khổ tứ như những cô bạn của mình. Cứ nhìn lên Facebook cũng đoán ra được ít nhiều. Thấy đâu đâu cũng có bóng dáng bươn chải của cánh chị em. Sát tết, chị này ngoài giờ chính, tranh thủ nhập hàng thực phẩm chất lượng về bán cho bạn bè, đồng nghiệp; chị khác thì đêm hôm lọ mọ livestream áo quần, đồ da dụng, mỹ phẩm… Mùa tết là mùa tăng thu nhập mà.
Những ai không bán hàng, không kinh doanh thì cũng đau đáu những tâm sự, lo lắng, những mong chuẩn bị được một cái tết đầy đủ, bình an. Ai cũng bảo, dù dịch dã, dù khách bạn hạn chế thì cả năm chỉ có ba ngày tết nên vẫn phải tươm tất. Sự tròn trịa của lễ nghĩa ngày tết nằm ở chu đáo lòng mình.
Vậy còn trang cá nhân của mấy anh trai thì thế nào? Ngày tết cũng như ngày thường, luôn bừng sáng những đường link vui vui, bức hình những cô em hon hót, những clip “típ tóp” hài hước độc lạ câu view…
Hết nhìn trên mạng, tôi rảo mắt nhìn ra đời thực, cũng y chang như vậy. Tầm 20 tháng Chạp trở đi, cứ chiều nào như chiều nấy, trong khi mấy bà vợ đầu tắt mặt tối ở nhà thì mấy ông chồng ở xóm tôi lại tụ tập thành từng nhóm nhỏ ngồi chén chú chén anh trước đường. Rồi karaoke, tất niên nhà, tất niên xóm…
Không biết mấy ông bàn bạc chuyện gì mà cuộc nào cũng nghe rôm rả, tiếng cười nói, tiếng nắp bia bật bóc bóc. So với sự bươn bả của mấy chị vợ, nhịp sống của mấy ông chồng dịp sát tết vẫn ổn định, thong dong vô cùng.
Tuyến tâm sự thêm: “Chồng em hầu như ngày nào cũng nhậu chị ạ. Không ở gần thì đi xa, em nói riết mà ảnh không thay đổi, nhậu miết đến nỗi sức chống chịu của cơ thể cũng yếu dần đi. Mối quan hệ trên bàn nhậu thì nhiều không ai bằng, đến nỗi đi họp phụ huynh cho con mà còn bắt mối thành lập được một nhóm Zalo ăn nhậu riêng thì em cũng đến chịu. Khi ảnh gãy chân, lúc đầu em cũng buồn nhưng tết nhất cận kề, thấy anh đau nằm nhà, bớt xách xe chạy rong, em lại thấy bớt đi bao nhiêu cảm giác nặng nề do lo lắng và chờ đợi”.
Chồng Hà còn tệ hơn chồng Tuyến, Hoàng không những siêng ăn nhậu mà còn dính tật hoang phí, không biết quản lý đồng tiền. Ỷ vợ lương cao, vững tài chính nên tiền kiếm được bao nhiêu, anh xài hết bấy nhiêu. Hoàng mua sắm cá nhân, bao nhóm bạn thân ăn xài…
“Hai vợ chồng cưới nhau gần ba năm nay, nhà thì bố mẹ cho sẵn, chưa bao giờ thấy anh lo lắng, bận tâm chi ra một đồng để chỉnh trang lại tổ ấm. Ảnh toàn tiêu xài cho bản thân. Giờ, anh hết tiền chỉ ở nhà, em lại thấy nhẹ lòng, hả dạ”, Ngân Hà kể thêm với tôi.
Bạn tôi người thì mừng vì chồng đau chân, người thì vui vì chồng cháy túi… Nghĩ đi thì nực cười cho các bạn nhưng nghĩ lại thì thoáng đượm những nỗi buồn. Và hẳn trong chúng tôi ai cũng đều biết đó chỉ là cách “chữa cháy” tạm thời cho căn bệnh vô tâm, ích kỷ của đàn ông. Nhưng mà, ngày cùng tháng tận rồi. Cứ dĩ hòa vi quý cho một cái tết bình an.
Qua tết, năm dài tháng rộng, chúng tôi sẽ sát vai nhau “bắt mạch” đến nơi đến chốn cho những ông chồng. Nếu “bệnh” đã rơi vào mãn tính, chúng tôi buộc phải dùng thuốc liều cao, lên phác đồ điều trị thích hợp. Biết sẽ rất khó nhưng phải gắng. Gia đình sẽ không còn là tổ ấm, khi chồng/ vợ chỉ biết tận hưởng, vui những niềm vui riêng.
Hải Ngân