Tết để vui, không phải để vùi

16/01/2020 - 05:23

PNO - Theo một thống kê vui, từ sau 15 tháng Chạp là khoảng thời gian phụ nữ bận rộn nhất trong năm. Họ thoăn thoắt như con thoi, dọn dẹp lau chùi, nấu nướng, mua sắm, quà cáp hiếu hỷ…

 

 Với rất nhiều người, bận rộn mới là tết. Có lẽ họ quên định nghĩa tết là gì.

Tết là để vui

Ngọc Tuyền - giám đốc vùng của một công ty bảo hiểm nhân thọ ngày nào cũng than trên trang cá nhân của mình điệp khúc dọn nhà. Dọn đến cùn hết móng tay, tóc tai rối bù, quay cuồng và ám ảnh với chuyện dọn dẹp mà đến tết cô mới nhớ ra chưa kịp dọn chính mình.

Tuyền bảo tết năm nay cả nhà quyết định đi nghỉ ở Bali. Lúc đầu mẹ cô phản đối, vì làm sao để nhà cửa lạnh lẽo mấy ngày tết được? Tuyền bảo mẹ: “Mình thử một lần đi, sẽ nhờ cậu em qua lại coi chừng, thắp cây nhang lên bàn thờ ông bà”. Mẹ cô cũng có chút xiêu lòng.

Tuyền quyết năm nay không mua sắm dọn dẹp gì nữa, chỉ quét tước nhà cửa ngăn nắp, cắm một bình hoa tươi lên bàn thờ cha. Cả nhà sẽ cùng đón giao thừa, rồi sáng mùng Một bay sớm, tận hưởng những ngày nghỉ ngơi thực sự để tiếp năng lượng cho một năm mới. 

Trước tết bao giờ mạng xã hội cũng xôn xao những luồng ý kiến trái chiều “đi hay về?”. Nhưng thực tế, đi hay về không quan trọng, miễn mọi người thấy tết vui và ý nghĩa với bản thân là được. 

Tết phải chăng là dịp để cùng nhau ăn bữa cơm chung, thăm viếng nhau, chúc nhau những điều tốt lành, tụ tập đông đủ trong một khung hình, cho phép mình tiêu xài quá tay một chút, ngủ muộn một chút, lê la cà phê, lang thang đường hoa, đu đưa đọc sách, thích ăn gì ăn, thích làm gì làm… Một năm thực sự chỉ có mấy ngày như thế thôi mà.

Tết không phải để vùi

Đầu tiên là vùi vào quà tặng. Theo Kantar Worldpanel, công ty toàn cầu về dữ liệu, nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp, thì “người Việt Nam ngày càng chi nhiều cho quà biếu”. 

Có tới 80% số người sống ở bốn thành phố lớn của Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, và 79% số người sống ở các vùng nông thôn được nhận quà biếu trong mùa tết âm lịch 2019. Giá trị trung bình của những món quà này cũng tăng đều qua các năm. Những con số thống kê quả thật rất ấn tượng, đủ để hình dung sự tất bật rộn ràng của những ngày tết. Sự tất bật nhấn chìm tất thảy mọi niềm vui, chỉ còn những tiếng than ngắn thở dài. 

Tiếp theo là vùi vào mua sắm, từ nước mắm đến kiệu chua, từ bánh tự làm đến mứt nhập khẩu, từ quần áo cho đến vật dụng trong nhà. Để khách có ghé nhà phải trầm trồ bộ bình trà đẹp, xuýt xoa khen bộ sofa mới đổi. Là tết nên mọi thứ phải mới, phải ngon, phải xịn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mọi thứ phải mới thì năm mới hanh thông. Số liệu của Kantar Worldpanel còn cho thấy, trong mùa tết 2019, sức mua cho tiêu dùng tại nhà của các gia đình Việt Nam ước tính đạt 46.000 tỷ đồng, cao gấp hai lần so với sức mua các tháng còn lại trong năm. Chỉ riêng bia rượu, dịp tết 2018 TP.HCM đã tiêu thụ 44 triệu lít bia. 

Rồi lại vùi vào khách khứa tiệc tùng. Trang là dân Sài Gòn chính hiệu, ba má sống đơn giản nên với cô, tết chỉ là những ngày đi hội chợ ngắm hoa xuân. Đùng một cái, cô lấy chồng. Tết đầu tiên phải về nhà chồng tận Quảng Nam, mà mới mùng Ba, Trang đã hốt hoảng tìm vé máy bay “tháo chạy” về Sài Gòn.

Trang nói: “Mọi thứ như một cơn ác mộng. Mới đặt chân về tới nhà là phải đối mặt với mổ heo, làm gà, gói bánh. Rồi chứng kiến những cơn say té lên té xuống của chồng và cả cha chồng, cảnh mẹ chồng tất tả ngược xuôi đi chợ dăm bảy bận đã phát hoảng. 30 tết, mới bốn giờ sáng, trời còn lạnh, đã phải dậy chuẩn bị mâm cúng. Họ hàng chú bác lục tục đến nhà chúc tết, có người đã say bí tỉ mà mẹ chồng cứ giục mang thức ăn lên tiếp khách.

Vừa rửa chén xong đã lại tiếp tục dọn mâm mới lên…”. Chưa khi nào trong đời Trang mong cái tết qua nhanh đến thế. Sau này nhắc tết nhà chồng, Trang lại bảo: “Khi nào về đó ăn tết, xác định là không có tết”.

Tết là để tiết kiệm

Những ngày này, báo chí lại rộn ràng viết về những cuộc di cư tiêu tốn những số tiền khổng lồ. Khảo sát của Công ty TNS trong ba năm trở lại đây cho thấy, mức chi tiêu trung bình của người Việt Nam trong dịp tết khoảng 15 triệu đồng, bằng ba tháng thu nhập trung bình của chúng ta. 

Vậy tết này, chúng ta cùng chọn cho mình một cái tết tiết kiệm. Giảm mua sắm quần áo, cả năm chúng ta đã mua sắm quá nhiều rồi. Thực sự áo mới đâu còn cần thiết cho tết nữa. Thời này, đâu còn cảnh phải chờ đến tết mới được mặc đồ đẹp. 

Thức ăn dự trữ có còn đúng nữa không, khi mới mùng Hai, siêu thị đã mở cửa? Chúng ta đã không còn mong chờ đến tết để được ăn ngon, quán xá cũng phục vụ xuyên tết. Nhiều nhà trữ thức ăn thừa mứa, qua tết hư hỏng lại phải bỏ, vô cùng hoang phí.

Quỳnh Anh - giám đốc dự án của một trường quốc tế nói rằng, ngày tết cô chỉ mua vài món cả nhà thích, một hộp mứt và hai chậu cúc nhỏ cho vui nhà. Tết chủ yếu là vui, tết đến từ trong tinh thần mỗi người mà không cần thiết phải ồn ào phô trương.

Và như thế, tết sẽ bình an. 

Lan Khôi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần Thị Thanh Mai 17-01-2020 13:07:15

    Đúng là như vậy. Nhưng có một cái chưa đúng là ngày nay cái gì cũng có, mùng 2 tết siêu thị đã mở cửa nhưng lúc đó chỉ là hàng tồn kho, hàng cũ ko bán hết, giá kệ chưa được dọn dẹp lại. Giá cả thì đắt đỏ nên việc mua trữ trong tết vẫn cần thiết nhưng chỉ giảm lượng đi một chút thôi. Đi chợ mấy ngày từ mùng 2 trở đi còn hơn là sắm tết xót tiền vô cùng luôn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI