Tết của ngoại, Tết của đoàn viên

02/02/2025 - 13:59

PNO - Khi cây mai cổ thụ trước nhà bắt đầu rụng hoa lả tả, khi khay mứt tết bắt đầu cạn dần, khi những chiếc máy phát nhạc không còn tấu lên những bài ca mừng xuân mới… và khi ngoại lại ngồi trong căn nhà trống trải, dõi mắt nhìn đàn con cháu tất tả chuẩn bị cho một chuyến tha hương. Khi ấy, tôi biết Tết đã sắp qua.

Năm nào cũng vậy, sáng Mùng 2 tết, mẹ tôi lại gọi ba con tôi dậy thật sớm để chuẩn bị về nhà ngoại. Sau một năm dài tất bật mưu sinh, gói trọn thời gian của mình cho công việc, những ngày xuân ngắn ngủi là cơ hội cực kỳ quý giá để mẹ về nhà, về nhà của mẹ. Mẹ hay nói, chẳng còn được mấy mùa xuân mà ngoại còn ở đây vui chơi cùng con cháu, nên ráng về “thiệt lẹ” để ngoại vui.

Nhà ngoại nằm bên con sông nhỏ, đường vào nhỏ, cong veo, lởm chởm đủ sỏi đá, dấu hiệu nhận biết nhà ngoại là một cây mai cổ thụ to tướng trổ hoa vàng rực. Mẹ chở tôi bằng xe gắn máy, ngay từ xa, đã thấy ngoại đứng ngóng mẹ về. Mẹ nói nhỏ với tôi, sao thấy ngoại “lọm khọm” hơn dữ vậy… Tôi không gật, cũng không lắc đầu, vì tôi vốn dĩ không nhận ra điều đó. Nhưng mẹ thì khác, về đến nhà, mẹ nhìn ngoại, nắm tay ngoại, và mẹ nói ngoại già đi nhiều quá…

Cây mai trước nhà ngoài đã đứng nguyên vẹn tư thế, vị trí đó suốt biết bao mùa xuân, cùng ngoại đón con cháu về
Cây mai trước nhà ngoài đã đứng nguyên vẹn tư thế, vị trí đó suốt biết bao mùa xuân, cùng ngoại đón con cháu về

Tôi nhìn mẹ, mẹ nhìn ngoại, những đứa con gái nhìn bà má của mình bằng cặp mắt mơ hồ và hoang mang. Tôi bỗng nhớ vài ngày trước, mẹ ngồi xõa tóc trước hiên nhà, bảo tôi giúp bà nhổ tóc bạc. Một năm trước, tôi ca thán vì tìm mãi không được sợi tóc bạc nào, một năm sau, tôi than thở vì nhổ mãi không hết tóc bạc trên mái đầu tưởng như vẫn còn xanh của mẹ. Thời gian chạy qua đời mỗi người thinh lặng như vết chim di, nhưng để lại những vệt trắng xót xa trên mái đầu. Tôi chỉ mới trải qua 2 lần 10 năm trong đời người, vậy mà đã tương kiến cái gọi là “trăm năm là hữu hạn”, đã biết sự khắc nghiệt của thời gian. Tôi tự hỏi, mỗi lần về thăm ngoại, nhìn mái đầu hoa râm ngày một thêm trắng xóa của ngoại tôi, mẹ đã nghĩ gì?

Phải chăng nó giống như lúc mẹ sắp xếp tiền mừng tuổi vào những phong bao lì xì đỏ thắm, chọn ra phong bao đẹp nhất để dành phần cho ngoại, mẹ nói bâng quơ, rằng có chút gì đó cho ngoại vui, còn mấy mùa xuân nhà mình còn được lì xì cho ngoại?

Còn mấy mùa xuân mẹ tôi còn mẹ? Còn mấy mùa xuân mà những người anh, người chị, người em của mẹ tôi còn có mẹ ở trên đời? Mẹ tôi, các dì, các cậu đều không biết, và cũng chẳng ai dám hình dung về một mùa xuân thiếu nắng đó trong tương lai. Nhưng mọi người nói với nhau về việc trân quý hiện tại. Cho nên việc đầu tiên mẹ làm sau khi về nhà, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, đó là gọi điện thoại cho dì Hai, cậu Ba, cậu Sáu… dẫn theo đám con cháu mới về mau mau thu xếp đồ đạc, tụ họp lại nhà ngoại ăn bữa cơm đoàn viên, đủ mặt con cháu trong nhà.

Người ta có muôn kiểu để chúc nhau chào năm mới, còn con cái chỉ chúc cha mẹ An khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi
Người ta có muôn kiểu để chúc nhau chào năm mới, còn con cái chỉ chúc cha mẹ "An khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi"

Nếu nói đủ được hết con cháu thì không đúng, gia đình chồng vợ, cuộc sống mưu sinh… có những hoàn cảnh buộc con người phải bất lực trước việc trở về nhà. Nhưng chí ít, nhà ngoại vẫn rộn rã tiếng cười hơn bao giờ hết, tươi vui hơn tất cả mọi thời khắc trong năm. Xe đậu kín khoảng sân nhỏ rợp nắng, trong nhà người qua kẻ lại rộn rã tiếng cười. Và đó cũng là thời điểm mà ngoại cười nhiều nhất.

Chẳng ai nói ra, nhưng chúng tôi đều ngấm ngầm thống nhất với nhau rằng đây là thời khắc vô cùng đáng quý. Sau bữa ăn, ba tôi, các cậu, các dượng không ngồi vào bàn nhâm nhi chung rượu đầu xuân; mẹ tôi, các dì, các mợ tranh thủ dọn dẹp, rửa chén bát với tốc độ nhanh nhất; tôi, và những đứa cháu khác lâu năm chưa về quê ngoại bị rầy khi dán mắt vào điện thoại, lật đật cất thú vui ảo vào một xó trong túi xách, túi quần. Cả nhà cùng tụ về phòng khách, cắn hạt dưa, ăn mứt gừng, mứt bí...

Bữa cơm đoàn viên, tuy giản đơn nhưng luôn là thời khắc quây quần đáng quý
Bữa cơm đoàn viên, tuy giản đơn nhưng luôn là thời khắc quây quần đáng quý

Chúng tôi trò truyện, chả có một chủ đề nhất định, nói về những chuyện từ lớn lao cho đến vụn vặt đã xảy ra với mỗi người trong một năm đã qua, đôi khi còn bị bẻ hướng qua những câu chuyện “tầm phào”, và mọi người cười rộ lên. Vốn tưởng không có gì để nói, nhưng năm nào cũng nói đến tối mịt, những ký ức về đại gia đình từ thời xa xưa nhất đều được mang ra qua lời kể của ngoại. Những khi ấy, mọi người mong ngoại thấy mình là một phần quan trọng, không thấy mình lạc lõng giữa những mùa xuân “tân thời” có quá nhiều thứ mới mẻ, khác lạ.

Có không ít người than rằng tết thật ra đã kết thúc từ sau thời khắc giao thừa, vì từ lúc đó, họ không còn cảm nhận được không khí nôn nao, rạo rực của những ngày tất bật cận tết nữa. Nhưng với ngoại, tết vẫn bắt đầu từ sáng Mùng 1, tươi vui nhất vào Mùng 2, và dần dần tàn đi khi Mùng 3 kết thúc.

Sáng Mùng 3, nhà ngoại đã bớt tiếng cười, mẹ tôi và mợ Út cùng nhau thu dọn tàn dư của cuộc vui hôm qua, tất bật trong bếp chuẩn bị mâm cơm tiễn ông bà theo phong tục. Những đứa cháu bắt đầu mở lại điện thoại được cất trong giỏ xách, túi quần để nhắn tin với bạn bè, giải quyết công việc, ríu rít thưa hỏi rồi về nhà, chuẩn bị đồ đạc để lại sẵn sàng cho một chuyến tha hương kế tiếp.

Cây mai cổ thụ trước nhà ngoại bắt đầu rụng hoa trước những đợt gió ngày xuân.

Cả nhà tôi đều có công việc ở thành phố vào sáng Mùng 4, nhưng mẹ vẫn nấn ná ở lại nhà ngoại đến tận khi trời tối mịt. Tôi có chút nôn nao, còn ba thì vẫn bình thản châm một điếu thuốc, bảo tôi đừng hối mẹ… Ông bà nội tôi đều đã mất, có một lần ba tôi cầm tay ngoại, nói con chỉ còn mình má là má ở trên đời.

Thời gian vẫn vùn vụt lướt qua, chúng tôi vẫn phải rời đi. Mẹ bảo tôi hôn ngoại một cái rồi lên xe về nhà, tôi nghe lời làm theo, ngoại cũng ôm hôn tôi, lay khẽ: “Ráng học nha con! Nào rảnh về chơi với ngoại!”.

Mai rụng, xuân tàn, ngoại lại ngóng một mùa xuận mới, khi con cháu lại tụ họp về ăn bữa ăn đoàn viên
Mai rụng, xuân tàn, ngoại lại ngóng một mùa xuận mới, khi con cháu lại tụ họp về ăn bữa cơm đoàn viên

Trước đây, tôi vẫn có suy nghĩ tết nào mà chẳng giống nhau, và dường như càng ngày càng chán và mất đi cái “chất” truyền thống vốn có mà tôi thường được nghe nhắc đến. Thậm chí, tôi đã từng lên kế hoạch để có những chuyến du lịch xa nhà xuyên tết, thử trải nghiệm những điều mới mẻ ở một vùng đất xa lạ, để thử xem không khí có đỡ chán hơn không.

Nhưng vào khoảnh khắc khi chiếc xe đưa gia đình tôi về lại thành phố bắt đầu lăn bánh, căn nhà im vắng của ngoại dần dần khuất xa, tôi mới ngộ ra một điều giống như chân lý: trong khi những người trẻ như tôi luôn thèm khát những điều mới mẻ vào dịp tết, thì ngoại tôi, mẹ tôi, những ai đang dần bước đến phía bên kia sườn dốc của cuộc đời, họ chỉ mong tết luôn vẹn nguyên như những mùa xuân năm cũ.

Mùa xuân mà ai cũng còn có cha, có mẹ, có một mái nhà để trở về…

Xe đã đi xa, ánh đèn đường hắt lên những bóng dài trên mặt kính cửa sổ. Căn nhà nhỏ bên bờ sông đã chìm vào tĩnh lặng, chỉ còn cây mai trước sân vẫn đứng lặng lẽ, chứng kiến bao mùa xuân đi qua. Hoa mai đang độ tàn, hẹn năm sau mai lại nở, vẫn rực rỡ và đầy sức sống. Và dù chúng tôi có đi bao xa, có trải qua bao nhiêu mùa xuân nữa, thì tết đẹp nhất vẫn chỉ là tết của đoàn viên, của những khoảnh khắc gia đình còn đủ đầy bên nhau.

T. Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI