Tết của ngoại

29/01/2017 - 06:30

PNO - Năm nay, ngoại tôi đã gần 90 tuổi, sức khỏe vẫn tốt, chỉ có điều ngoại bị đãng trí.

Con cháu đã quá quen với việc ngoại gọi nhầm tên đứa này sang đứa kia, chẳng nhớ thời gian ngày tháng gì cả.

Tet cua ngoai
 

Bởi vậy mỗi khi Tết đến, nếu không có hai dấu hiệu nhận biết Tết của riêng mình, ngoại chẳng bao giờ tin Tết sắp đến. Dấu hiệu thứ nhất là cây mai trước nhà nở hoa. Nghe đâu, cây mai này do ông trồng nên ngoại nhớ rất kỹ, năm nào cũng nở hoa đúng dịp Tết.

Dấu hiệu thứ hai là chú Sáu về thăm nhà. Vì ngoại có sáu người con, năm người ở quê, chỉ có chú Sáu định cư tại nước ngoài. Thỉnh thoảng vào dịp Tết, chú Sáu mới đưa gia đình về Việt Nam. Trước đây, dấu hiệu thứ nhất có tác dụng nhiều hơn vì năm nào cây mai cũng nở hoa còn chú Sáu thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Những năm gần đây, một phần do cây mai đã già phần nữa thời tiết khá thất thường nên có năm ra tận nửa tháng giêng mới bắt đầu có nụ. Năm nào, chú Sáu không về, ngoại không tin đã đến Tết rồi.

Năm ngoái, đến gần Tết, cây mai vẫn không ra hoa và chú Sáu không về nên ngoại thấy lạ lùng khi mọi người rục rịch đón Tết. Ngoại bắt đầu càm ràm khi thấy thím Năm sắm sửa. Cô Ba mua áo quần mới, ngoại không chịu mặc vì “đã đến Tết” đâu mà mặc. Con cháu nghỉ Tết về thăm, ngoại cứ mắng “Sao không lo học, lo làm mà đi chơi hoài, để Tết rồi chơi”.

Mọi người thương ngoại lắm nhưng giải thích thế nào ngoại cũng không chịu, ngoại còn bảo hay ngoại sắp phải đi gặp ông nên cho ăn Tết sớm. Không khí Tết tràn đến tận ngõ, ngoại vẫn như ngày thường. Chỉ khổ, khách đến chơi chúc Tết mừng tuổi, ngoại chối đây đẩy: “Mấy chú này hay, đã Tết đâu mà mừng tuổi”.

Mấy đứa cháu nhỏ nhìn ngoại cười nắc nẻ, ngoại im lặng chẳng nói nhưng chắc trong lòng tổn thương lắm. Vậy nên, cứ có khách khứa đến, ngoại lại rút lui vào phòng vì hình như ngoại bắt đầu cảm thấy “có gì sai sai” về việc này. Dù gì đi nữa, chính vì ngoại không thấy dấu hiệu đón Tết của mình nên đối với ngoại, Tết không có gì vui vì ngoại đâu tin là Tết đến.

Năm nay, chú Năm lo cây mai nở hoa muộn nên ra sức chăm chút nhưng đến tháng mười, cây tự dưng chết đứng. Mọi niềm hy vọng về dấu hiệu báo Tết của ngoại tắt ngấm. Cả nhà gọi điện báo chú Sáu về nước nhưng tình hình kinh tế khó khăn nên chú không thể về. Mọi người đang lo, Tết năm nay, ngoại lại không thấy vui như năm ngoái nhưng chẳng biết làm cách nào. Đến gần ba mươi Tết, thím Năm đi chợ về mang theo một bịch bông mai bằng vải, sai thằng Tèo lên gắn vài bông vào những cành cây đã sắp khô với sự hy vọng ngoại sẽ tưởng mai đã nở. Nào ngờ, ngoại tin thật, bởi mắt ngoại hơi mờ, đứng từ đằng xa chẳng thể phân biệt được hoa thật hoa giả.

Thế là, ngoại bắt đầu giục mọi người chuẩn bị Tết vì cây mai đã nở hoa. Thằng Tèo cứ thế, mỗi ngày lại leo lên gắn vài bông cho đến khi cây mai vàng rực thì gần hết Tết. Ngoại vui lắm, cứ trách chú Năm: “Mày nói mẹ không nhớ nhưng cây mai có bao giờ sai đâu, nó nở hoa mới đúng là Tết đến”. Mọi người nghe mà lòng thắt lại vì phải “lừa dối” ngoại.

Nhưng nghĩ đến, tuổi ngoại đã lớn, vui được Tết nào hay Tết ấy. Bởi thế, thím Năm vẫn giật thót và không biết trả lời sao khi ngoại hỏi bâng quơ: “Sao cây mai năm nay toàn hoa chứ không có lá nhỉ?”.

Không biết sang năm, những bông mai giả còn có tác dụng làm dấu hiệu đón Tết cho ngoại không. Nhưng lòng ai cũng nặng trĩu khi ngoại bảo: “Nếu cây mai chết đi chắc ngoại không biết lúc nào Tết nữa mấy đứa nhỉ”. Lúc đó thằng Tèo nhanh nhảu nói: “Thế thì chú Sáu về”. Mặt ngoại bỗng dưng sáng bừng lên nói: “Ừ nhỉ, ngoại quên mất” làm nó cười khúc khích thầm nghĩ “đã bao giờ ngoại nhớ đâu mà quên”.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI