'Tết của giáo viên vùng cao chúng tôi đơn giản lắm!'

18/01/2020 - 10:36

PNO - Nếu như ở miền xuôi, thành phố, tết đến thường học trò đến chúc tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại, thầy cô phải đi “chúc tết” học trò.

Đó là câu chuyện của những giáo viên gieo chữ vùng cao.  

Thầy giáo Hoàng Phúc Gọn (SN 1970), giáo viên thuộc điểm trường xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - người đã dành gần 30 năm để dạy chữ cho trẻ em vùng cao tâm sự: “Tết của giáo viên vùng cao như chúng tôi đơn giản lắm. Cả đời công tác gần 30 năm trong nghề, mỗi lần tết đế tôi nhận được một túi quà từ nhà trường trị giá khoảng hơn 200 nghìn gì đó, chặt thêm cành đào trên rừng về là thấy tết.

Nếu như ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, tết đến, học trò đến chúc tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại. Các thầy cô phải tổ chức đi “chúc tết” học trò”.

Những học trò vùng cao của thầy giáo Gọn
Những học trò vùng cao của thầy giáo Gọn

Thầy Hoàng Phúc Gọn kể: “Cứ mỗi dịp năm học mới đến là nhiều học sinh theo bố mẹ lên nương làm rẫy kiếm thêm thu nhập, bỏ bê việc học hành.

Vì thế, thầy giáo như tôi phải đến từng nhà thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa, động viên bố mẹ cho các cháu đến lớp.

Đó là việc làm thường niên của thầy cô ở vùng cao với mong muốn để các em có thêm động lực để học tập”.

Lớp học của thầy Gọn
Lớp học của thầy Gọn

Đường vào bản Thuôn xa xôi, hiểm trở cách trung tâm xã Đàm Thủy khoảng 16km. Mọi người phải đi qua con đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, nằm chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm.

Mỗi lần từ trong bản ra ngoài trung tâm xã tìm mua và chở sách vở về cho học sinh thầy Gọn phải vượt qua quãng đường mà xe chết máy liên tục, bụi tung mịt mù bốn phía, dưới là vực sâu hun hút.

Chiếc xe máy thầy Gọn dùng để chở sách vở từ ngoài vào bản cho học sinh
Chiếc xe máy thầy Gọn dùng để chở sách vở, đồ dùng từ ngoài vào bản cho học sinh

Có lẽ vì thế mà trăn trở lớn nhất của thầy Gọn là có được một con đường bê tông hóa để các học sinh tới trường đỡ vất vả.

“Ước mơ lớn nhất của tôi là làm thế nào bản Thuôn có con đường bê tông để việc đi lại của các học sinh bớt vất vả. Hiện nay, các cháu học mẫu giáo đi học tại trường Cốc Ry cách bản 7km. Học sinh đến trường THCS và THPT cũng cách bản 14km.

Với con đường vào bản hiện giờ hay đi qua động Ngườm Ngao, nếu trời mưa là các cháu xác định nghỉ học vì trơn trượt và nguy hiểm khủng khiếp”.

Người dân trong bản Thuôn 100% là dân tộc Tày, sống chủ yếu là nghề làm ruộng cộng với địa hình hiểm trở nên đời sống vô cùng khó khăn.

Thầy Gọn và
Thầy giáo Gọn - một trong "những viên ngọc xanh" giữa núi rừng. 

“Tôi cũng là một đứa trẻ được sinh ra trên vùng núi đá cằn cỗi và chứng kiến nhiều người bạn cùng trang lứa mù chữ, cuộc sống của họ thiệt thòi vô cùng. Tôi không đành lòng nhìn những đứa trẻ sinh ra ở đây rồi lại tiếp tục mù chữ và lặp lại cuộc sống khốn khó vì không hiểu biết nên quyết tâm ở lại bản và dạy học gần 30 năm nay.

Tôi hy vọng tương lai của các con - những đứa trẻ sinh ra trên cao nguyên đá chắc chắn sẽ xán lạn hơn vì được tiếp cận với những con chữ”, thầy Gọn cho hay.

Hy vọng, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, cái đói nghèo dần lùi xa để đồng bào có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình và “những viên ngọc xanh” như thầy Gọn sẽ còn sáng mãi nơi núi rừng heo hút.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI