PNO - Gần tết, ngồi lẩn thẩn sắp lại tủ sách lại tòi ra một tập album gia đình cũ mốc meo. Trời ơi, tôi không tin được là mình rất… đẹp trai từ hồi còn ba tháng tuổi.
Trong bức ảnh tôi nằm sấp, chổng mông, trần trùng trục, tay thọt vào miệng và mắt thì cười tít. Nầy là bà ngoại mặc áo dài đang ngồi trên ghế, nầy là mẹ cũng mặc áo dài đang bế đứa em gái, nầy là ba tôi đang ẵm thằng em, và anh em tôi trong những bộ quần áo mới… Tất cả tụi tôi, bây giờ đứa nhỏ nhất cũng thuộc loại “tri thiên mệnh”, bệnh hoạn tùm lum như cái hình đen trắng màu vàng úa nầy. Tôi lật ra phía bìa lưng tấm ảnh, thấy mẹ tôi ghi là “chụp vào mùng Ba tết Tân Sửu - 1961”. Té ra tấm ảnh nầy đã có 60 năm cuộc đời.
Còn nhớ có lần tôi chơi bầu cua cá cọp với tụi trẻ con trong xóm ở một sòng ngoài đầu ngõ, đang thua gần hết tiền lì xì thì con em kế chạy ra kêu tui về thay quần áo ra tiệm chụp hình cùng với cả nhà. Thế là dù thua, chưa gỡ được tiền, tôi cũng phải chạy về nhà, đóng bộ quần áo kẻng xà beng, leo lên taxi cùng bầy em, chạy thẳng ra tiệm chụp hình ở dưới dốc cầu Chợ Lớn.
Nhờ những ảnh viện thời kỳ đầu mà nhiều hình ảnh Sài Gòn và người Sài Gòn được lưu lại - ảnh: S.T.
Đó là một tiệm chụp hình nhỏ có tên là Nam Phương Ảnh Viện, oách càng cua(*). Dù chỉ là tiệm nhỏ với vài ba tấm ảnh chụp gia đình, vài ba tấm ảnh chân dung một người phụ nữ vô danh nào đó, chứ đâu có được ảnh của Thanh Nga, Thanh Lan, Diễm Thúy, nữ hoàng “twist” Túy Phượng ở tiệm của bác Viễn Kính - Đinh Tiến Mậu. Nam Phương Ảnh Viện - nơi tôi đến chụp ảnh gia đình thì bề ngang căn nhà cũng cỡ tiệm Viễn Kính là bốn mét và bề sâu khoảng chừng mười mét, nhưng khi thay phông thì hậu cảnh sẽ mở ra nhiều lâu đài, rừng thu cạnh bờ hồ, vườn thượng uyển bát ngát, những căn phòng cực kỳ sang trọng đáp ứng được ước mơ của những người muốn ghi lại tấm ảnh thiên thu.
Gia đình tôi thường chọn phông sau vẽ cảnh một phòng khách sang trọng. Những đôi lứa xứng đôi, yêu nhau ngày thơ mộng thường chọn phông cảnh rừng thu chưa thay lá, xanh mướt mặt hồ trăng. Những đôi bạn nam hoặc nữ thường chọn cảnh thác nước hùng vĩ để tưởng tượng cho một chuyến du lịch ảo kỳ thú… Các đối tượng đứng trước ống kính có thể ngồi yên, dựa vai nhau, bắt tay cùng ngó vào ống kính hay làm đủ tư thế, miễn là hợp với thuần phong mỹ tục.
Ảnh: tư liệu
Khi đứng trước cái máy ảnh to chàm quạp, với hai ngọn đèn chiếu đặt hai bên góc, người chụp ảnh bắt gia đình chúng tôi phải nhe răng cười hết cỡ, cười đến mỏi miệng mới đúng chuẩn tấm hình gia đình hạnh phúc trong ngày tết. Sau đó, người thợ chụp ảnh chui vào tấm vải đen để lấy hình chuẩn vào ống kính, đếm “một, hai, ba…” rồi bóp vào cái bóng nhựa vang lên một tiếng “click”. “Xong” - ông ta nói. Thế là cả nhà tôi đã được chụp ảnh đầu xuân.
Tấm ảnh nầy sẽ rất đẹp nhờ sự gia công của một thợ “tút” hình bằng mực tàu, làm đậm, rõ thêm những khoảng mờ nhạt, không nét. Còn gia chủ chơi “sộp”, trả tiền nhiều hơn một chút, thì từ chụp phim đen trắng, thợ “tút” hình sẽ tô màu để cả gia đình đều mặt hoa da phấn, miệng đỏ, má hồng với khung cảnh một căn phòng rực rỡ màu của hoa hồng, màn xanh lụa, ghế nhung đỏ thẫm... Thật là “téc níc cu lơ”(**) nha!
Xin lạm bàn một chút về bước tiến của các tiệm chụp ảnh kiểu như Nam Phương Ảnh Viện ở Chợ Lớn. Từ khi ông Khánh Ký mở tiệm nhiếp ảnh đầu tiên do người Việt làm chủ tại số 54 Charner (Nguyễn Huệ) vào năm 1924, dân Sài Gòn mới biết đến tiệm chụp hình để ghi lại kỷ niệm của gia đình. Trước ông Khánh Ký thì lịch sử nhiếp ảnh thành phố nầy cũng nhắc đến những cái tên như Émile Gsell, John Thomson và gần nhất là Tân Luân (Pun Lun). Nhờ những nhà nhiếp ảnh thời kỳ phôi thai nầy mà nhiều hình ảnh Sài Gòn và người
Ảnh viện: Huê Chân
Sài Gòn được lưu lại. Thoạt đầu thì các nhiếp ảnh gia nầy chỉ chụp ảnh ngoài trời, sau nầy cũng mở tiệm và chụp ảnh dàn dựng từng cá nhân có nhu cầu giữ lại ảnh của mình. Rồi sau đó là ông Khánh Ký và những người thợ chụp hình đã mở rộng phạm vi kinh doanh bằng cách “triển khai” những “ảnh viện” nhỏ khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để người dân tiếp cận được kỹ thuật văn minh tiên tiến của Tây phương.
Lớp trẻ tụi tôi hồi đó làm gì có máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh chụp hình nhoay nhoáy như bây giờ. Muốn có tấm ảnh coi được để tặng bạn gái, chúng tôi hăng hái lết thân đến các ảnh viện. Muốn làm hiệp sĩ thì tôi thuê cái nón, cái mặt nạ và áo choàng, hóa trang xong, mang cây kiếm chun vô tấm phông có vẽ hình con ngựa. Còn nếu muốn làm nhạc sĩ thì lấy cây đàn, để mấy tờ nhạc, tôi ngồi với gương mặt sầu thảm, đờ đẫn trước tấm phông có hình trăng treo đầu súng.
Nhắc đến súng mới nhớ. Hồi nhỏ thằng nào chẳng mơ làm một anh hùng hai tay hai súng, cỡi ngựa phi như phim cao bồi, nên các “ảnh viện” cũng đáp ứng tuốt luốt nếu tụi tôi chịu trả thêm phí tổn “khấu hao”. Bởi vậy, lục đống hình cũ ra, tôi thấy mình hồi xưa oai hùng như siêu nhân, hiệp sĩ bịt mặt zorro, cao bồi viễn tây…
Ảnh: Đinh Tiến Mậu
Chắc chắn một trong những tấm ảnh nầy đã được dán vào nhũng quyển lưu bút ngày xanh các lớp thời trung học: “Nhớ nhau tặng tấm ảnh nầy, để dành thương nhớ những ngày xa nhau. Dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ mà đau lòng nầy”. Không biết có cô bé nào ngày xưa còn giữ ảnh của tôi không? Chứ cô láng giềng ơi, tôi vẫn còn nhớ ngày cô đến thăm tặng tôi một bức hình chụp trong tiệm từ khi hai tuổi!
Tuổi trẻ nào chẳng đi qua các “ảnh viện” - tiếng gọi cao sang của tiệm chụp hình. Mỗi khi thi cử cần ảnh 4x6cm dán vào hồ sơ dự thi thì ai chụp cho mình. À, bây giờ thì cũng vậy, đó là những tiệm chụp ảnh làm hộ chiếu, hồ sơ xin việc. Nhưng để có những tấm ảnh gia đình ngày xuân thì không còn cần đến các “ảnh viện” của tụi tôi ngày xưa nữa. Cả gia đình cứ ngồi dàn hàng ngang, người đứng người ngồi, nhớ cười cho tươi trước khoảng vài cái điện thoại thông minh là lưu giữ ngàn thu.
Tuy nhiên, các cô gái, các người mẫu muốn giữ mãi nét thanh xuân, muốn thi các thể loại người mẫu thì vẫn cần đến các studio - mà ngày xưa được gọi là “ảnh viện” đấy!