Tết Chôl Chnăm Thmây đầm ấm giữa Sài Gòn

17/04/2019 - 09:36

PNO - 150 hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc Kh’mer đã có một buổi họp mặt vui vầy, đầm ấm tại chùa Candaransi (P.7, Q.3) ngày 12/4 vừa qua nhân dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 (tết năm mới).

Buổi họp mặt do Hội LHPN TP.HCM tổ chức. Nhưng niềm vui không chỉ có bấy nhiêu.

Vui đón Tết trong căn nhà mới

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay là một cái tết đặc biệt đối với gia đình chị Thạch Thị Xà Lụm - gia đình chị được đón tết trong căn nhà mới do Hội LHPN TP.HCM vận động trao tặng. Căn nhà chỉ rộng 20m2, có thêm gác lửng, tường gạch, mái tôn, cột bê tông, nền gạch bông, nhưng được thiết kế hài hòa, ấm cúng…

Trị giá căn nhà khoảng 50 triệu đồng, nhưng nếu không được giúp đỡ thì không biết bao giờ chị mới làm được. Bằng chứng là biết bao năm tiện tặn, dành dụm, vợ chồng chị mới mua được mảnh đất khoảng 20m2 có căn nhà cũ ở cuối con hẻm sâu thuộc khu phố 2, P.14, Q.8. Chị cũng không nhớ chính xác đã bao năm gia đình mình sống trong căn nhà nhỏ hẹp, xập xệ ấy. 

Tet Chol Chnam Thmay dam am giua Sai Gon
Lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Sơn Thị Kỷ nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019

Hằng ngày, chị Lụm đi phụ việc ở xưởng may gia công, còn chồng đi giúp việc quán ăn để kiếm tiền chăm lo cho mẹ già và nuôi con gái đang học lớp Năm. Do học vấn thấp, tay nghề không khéo, nên thu nhập của chị bấp bênh. Bù lại, chị chăm chỉ hơn người. Mỗi khi nguồn hàng gia công về nhiều, chị cố gắng tăng ca để có thêm hộp sữa cho con, có thêm vỉ thuốc cho mẹ già.

Dù siêng năng, nhưng gia đình luôn thuộc diện xóa đói giảm nghèo, kinh tế thiếu trước hụt sau. Căn nhà dù nhỏ nhưng trống huơ trống hoác, vì bao năm gia đình chị không có khả năng sửa chữa cũng như sắm sửa đồ đạc.

Tiếp nhận căn nhà mới, chị Lụm cười tươi: “Tết này là tết đầm ấm nhất của gia đình tôi. Trước đây, cứ mỗi mùa tết là mỗi mùa lo. Quanh năm làm lụng nhưng không lúc nào tôi không lo nghĩ, ước mơ về một nơi ở tử tế để không còn lo sợ nắng mưa. Giờ được ở trong căn nhà mới tinh tươm thì mãn nguyện lắm rồi”.

Gia đình chị Thạch Thị Xà Lụm chỉ là một trong rất nhiều gia đình người dân tộc Kh’mer tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác được các cấp Hội Phụ nữ tại TP.HCM trao tặng mái ấm tình thương, hỗ trợ phương tiện sinh kế, cấp kinh phí làm ăn, phát triển kinh tế gia đình… 

Vươn lên để có cuộc sống tốt hơn

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, hiện tại TP.HCM có 52 dân tộc trong nước đang sinh sống và làm việc, trong đó có 51 dân tộc thiểu số với trên 450.000 nhân khẩu (chiếm 5,7% dân số toàn thành phố). Trong đó, đồng bào dân tộc Kh’mer có khoảng 25.000 người.

Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều chính sách ưu tiên về giáo dục, y tế, dân số dành cho đồng bào. Đã miễn học phí cho hàng ngàn học sinh; hỗ trợ học phí bậc đại học, cao đẳng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ 30% chi phí mua bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thuộc diện hộ cận nghèo, tổ chức các đợt khám, phát thuốc và tặng quà cho đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn…

Báo cáo của Hội LHPN TP.HCM cho biết, với gần 1.100 cán bộ, hội viên phụ nữ, chị em đồng bào Kh’mer trong những năm qua đã tham gia thiết thực vào các hoạt động hội diễn, hội thi, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững, các chương trình an sinh xã hội, giúp cho phụ nữ và trẻ em có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Cho đến nay, các chị em vẫn thường bảo ban con cháu về tấm gương vượt khó vươn lên của người phụ nữ Kh’mer Trịnh Thị Mỹ Lệ, giảng viên Học viện Kỹ thuật mật mã. Dù gia đình khó khăn nhưng chị Lệ vẫn nỗ lực vượt khó trên con đường học vấn để có hai tấm bằng cử nhân và bằng thạc sĩ. Hiện nay, vào những ngày cuối tuần, chị Lệ thường đến các trung tâm ngoại ngữ, chùa chiền để giảng dạy miễn phí tiếng Kh’mer cho những người có nhu cầu.
 

Tet Chol Chnam Thmay dam am giua Sai Gon
Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Trần Thị Phương Hoa (thứ hai từ phải qua) tặng quà và chúc mừng chị Thạch Thị Xà Lụm có căn nhà mới

Tại P.2, Q.8, nhờ được chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ quan tâm hỗ trợ nên gia đình chị Thạch Thị Cúc, làm nghề dệt thảm, có cuộc sống ngày càng khấm khá. Chị Cúc đã đứng ra thành lập nhóm dệt thảm trong khu phố để vừa dạy nghề vừa tạo cho một số chị em trong xóm có việc làm ngay tại nhà và có nguồn thu nhập khá ổn định. 

“Hội LHPN TP.HCM đã có nhiều sáng kiến, nhiều chương trình, nhiều việc làm vô cùng thiết thực và hiệu quả” - đại đức Châu Hoài Thái, Phó trưởng ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trụ trì chùa Candaransi, đánh giá. 

Từ Nhân

Nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây, Hội LHPN TP.HCM cũng đã tổ chức đoàn đến thăm các vị chức sắc tôn giáo, chư tăng và Phật tử chùa Candaransi (Q.3), chùa Pothivong (Q.Tân Bình). Đồng thời, Hội cũng đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Sơn Thị Kỷ, người Kh’mer, 89 tuổi, ngụ tại P.3, Q.Bình Thạnh. 
Cũng trong dịp tết cổ truyền của nhân dân Campuchia, tết Bunpimay của nhân dân Lào, tết Trut Songkran của nhân dân Thái Lan, những ngày qua, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia, Tổng lãnh sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI