Tết chạm ngõ

31/01/2018 - 14:00

PNO - Có đứa trẻ nào không khấp khởi chờ tết, nhất là những đứa trẻ thời 1980 đầy thiếu thốn? Cái tết đã ẩn sâu trong tiềm thức mà thời gian có lẽ cũng phải bất lực.

Em gái hỏi qua điện thoại: “Chị, sắm đồ tết chưa?”. Lâu lắm rồi tôi không còn thói quen vừa chạy xe trên phố vừa mải mê ngắm những cửa hàng đủ màu sắc nữa. Những bất trắc ngoài phố đã tước đoạt chút vu vơ thú vị hiếm hoi ấy. Giờ ra đường là phải “vũ trang” từ đầu đến chân, để chống chọi với nắng nóng và bụi khói mịt mù, chống cướp giật và cả những trêu ghẹo khiếm nhã. Thế nên khi em gái nhắc, tôi mới giật mình, không biết ngoài phố người ta đã chộn rộn bán mua cho ngày tết chưa.

Tet cham ngo
 

Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, tuổi thơ là ký ức sâu đậm nhất với mỗi người. Tôi có thể quên những việc chừng 10 hay 5 năm, thậm chí vài tháng trở lại đây, nhưng kỳ lạ thay, 30 năm đã qua, không điều gì thuộc vùng ký ức ấy nhạt nhòa trong tôi. Thi thoảng có dịp về quê, không đợi đến khi những cánh mai vàng rập rờn sau hàng rào dâm bụt, chỉ cần hít căng lồng ngực luồng gió phả lên từ dòng sông thân thuộc, bỏ dép bỏ giày, nhẹ đặt chân trần xuống từng thớ đất là đã tràn ngập yêu thương. Nhớ tháng Chạp, mùa gió chướng ùa về, ngủ giấc đến sáng, thò chân xuống đất, nước xăm xắp, thoáng bên tai tiếng bà cố: “Tết rồi!”.

“Tết rồi!” không hẳn là một tiếng reo. Reo làm sao được với những phận đời sống bám chặt vào đất như đứa trẻ vùng cao bám trên lưng mẹ. Phải năm trời thương, mưa thuận gió hòa, mía, lúa, trái cây trúng mùa thì tết đến mới ít chơi vơi trong ánh mắt lắm nỗi niềm của mẹ.

Sau này có con, có một gia đình với trăm mối lo toan cho ngày tết, tôi mới hiểu lòng mẹ, chứ ngày nhỏ, dù có mơ hồ cảm nhận, niềm vui chờ đón tết đã lấn át chút nhạy cảm trẻ  thơ. Có đứa trẻ nào không khấp khởi chờ tết, nhất là những đứa trẻ thời 1980 đầy thiếu thốn? Cái tết đã ẩn sâu trong tiềm thức mà thời gian có lẽ cũng phải bất lực.

Tết chạm ngõ nhà quê. Khi một vài nhà í ới đi dọn cỏ mồ mả ông bà, khi bà nội ngồi tẩn mẩn cọ rửa cái cối đá chuẩn bị xay gạo tráng bánh tráng; mái tóc bạc phơ, tấm áo vá vai sau màn khói nghi ngút, tay thoăn thoắt tráng bánh… Và không gì hạnh phúc hơn lúc bà gọi đám cháu loi choi, cho mỗi đứa miếng bánh tươi bị rách. Chỉ là bánh tráng ướt thôi, nhưng lại ngon đến lạ kỳ đối với bọn nhỏ đói khát như chúng tôi. Cái mùi bột gạo, loại gạo nàng Thơm chợ Đào nức tiếng, quyện với nước cốt dừa bao nhiêu năm nhắc đến vẫn nghe như còn phảng phất nơi đầu lưỡi.

Tết tỏa hương bằng mùi của xửng mứt gừng, mứt bí ngoài hiên mà nội đã tỉ mỉ dùng đũa trở qua trở lại suốt cả tuần; bằng tiếng cười giòn như nắng sớm mai của mấy chị em khi cùng ba tuốt lá cây mai trước nhà; khi bà cố chống gậy ra, mắng: “Mồ tổ cha bây, tuốt lá mai mà cười nhắm mắt nhắm mũi, tết còn có cái bông nào ha”.

Tet cham ngo
Ảnh: Internet

Tết đến cùng với những con nước lớn sóng sánh thềm nhà. Chiều, ngồi thõng chân, hất mặt đón gió thổi về con mương nhỏ, thả giấc mơ về một vùng biển lớn...  Những vùng biển lớn cuốn mấy chị em tôi đi - đứa thì 20 năm, đứa 15 năm, đứa 10 năm không đón tết quê nhà. Năm nào cũng thế, tôi về nhà, thắp nhang lên bàn thờ, lầm rầm không thành tiếng: “Con đã về rồi đây” - như thuở nào con-bé-tôi, gầy nhom, tóc “Mai-ca” khét nắng, ôm rổ bông dừa rụng như ôm những ngôi sao nhỏ, hổn hển chạy về sau một trưa rong ruổi, giọng lảnh lót: “Con đã về rồi đây”.

Bao nhiêu năm, lúc còn con gái hay khi đã thành “con nhà người ta”, tôi vẫn giữ thói quen khệ nệ nào là hoa, là trái bày thật đẹp lên bàn thờ. Bao nhiêu năm nay, ngày tết vẫn bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo, khổ qua, thịt kho, lạp xưởng; vẫn háo hức diện bộ áo dài đi chùa ngày mùng Một.

Giờ tết khác xưa quá. Không chỉ ở Sài Gòn mà cả sau bờ tre ruộng lúa, nhiều gia đình đã không làm bánh tráng nữa; không còn tẩn mẩn với những xửng mứt gừng mứt bí; không còn rọc lá chuối, chuốt sợi lạt để gói bánh tét; bởi tất cả những thứ ấy giờ đều có thể mua được dễ dàng, giá cũng không quá đắt. Và ngày nay dường như cũng không còn câu “để dành tết” đầy nâng niu như ngày xưa. Nhiều người bây giờ xem tết như khoảng lặng của một chặng đường. Họ nghỉ ngơi hoàn toàn sau một năm làm việc. Không cần thức ăn nhiều món, không cần bày vẽ cúng bái nhiều lễ, không cần thăm nom chúc tết họ hàng... Chỉ nghỉ ngơi, đi chơi, thử giãn thôi.

Dù bao năm tháng, tôi vẫn luôn cười thật tươi trong ngày tết với niềm tin về một năm vui vẻ, hanh thông. Tôi không biết mình có còn hợp thời đại không. Tôi chỉ biết, với tôi, tết như ngôi nhà của mình - ngôi nhà ấu thơ có cha có mẹ, có một quãng đời trong veo. Ngôi nhà ấy, vẫn vậy, thậm chí cũ kỹ theo năm tháng, nhưng chưa bao giờ tôi thôi háo hức và nôn nao khi về lại, chưa bao giờ thấy thiếu thân thuộc yêu thương. Bất giác, tôi muốn thay đồ xuống phố, để nhìn ngắm người ta đi sắm tết, ai nấy mặt mũi rạng rỡ “tết đến nơi rồi!”. 

 Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI