Nhưng màu xanh của rau, của nước đã dậy lên ở vùng lũ miền trung, nứt chảy trong nghị lực phi thường của họ: “Tết mà…”.
Đã nắng. Lốp bốp bùn non vỡ dưới chân, giăng mắc tre pheo; rác, gạch ngói chưa kịp dọn hết, như họa vào cái nhấp nhô những vệt buồn mắc níu mặt người. Không còn giọng u sầm, khản đục của những ngày kinh hoàng chạy lũ, mà ngưng lại như nín thở chuẩn bị nhảy qua một hố sâu, để thong thả thở phía bên kia. Đó là điều chúng tôi đọc được trong mắt người thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh
Bình Định.
|
Vợ chồng anh Dương Tuấn Lễ gắng làm nhà cho kịp đón Tết. |
Anh Dương Tấn Lễ, 38 tuổi, vừa phụ vác gạch cho thợ, vừa kể: “Nhà tôi bắt đầu xây lại hơn 10 hôm nay rồi. Vay mượn được 30 triệu, vật tư đang nợ, vay đến đâu làm đến đó, công cán chủ yếu nhờ anh em trong nhà làm thôi. Cũng ráng cất lại ngôi nhà chứ tết tới rồi không lẽ cho vợ con ở lán tạm hoài sao coi được”.
Lũ đến, 24 căn nhà trong thôn sập cái ầm. Năm trận lũ nối nhau, hỏi thứ gì mà còn. Tôi ngồi xuống đống gạch vỡ, nghĩ đến những phận người tết đến không nhà, bàn thờ gia tiên cũng không có chỗ để thắp nhang, thê thiết biết chừng nào. Lại nhớ cái câu ông bà xưa “người còn của còn”.
Hình như ở dải đất này, người ta hàng ngày đối mặt với hiểm họa, nên của nải lận lưng không bao giờ thiếu một món, đó là niềm tin. “Giờ ai cũng khổ như ai, nhưng người còn, của còn, với lại vợ chồng tôi còn trẻ nên cứ mạnh dạn vay mượn làm nhà trước. Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu thì trả dần rồi vợ chồng làm lụng trả thêm”, chị Nguyễn Thị Bích Phượng, vợ anh Lễ nói.
Còn chị Phạm Thị Mỹ Lệ thì nói như mặc nhiên, bởi không thể khác: “Hoàn cảnh nhà tôi khó, thôi đành chờ hỗ trợ rồi tính chuyện cất nhà. Giờ gia đình ở tạm nhà ông bà nội để các con có chỗ sinh hoạt, học tập, trước mắt vợ chồng tôi lo sạ giống để có cái ăn cho mùa tới”.
Toan lo quánh đặc ở họ. Tết sát nách rồi. Hơn 10 gia đình ở xóm Xuyên Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tết này cũng không nhà, bởi dựng không kịp, dù Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Ông Phạm Ánh khoát tay: “Giờ có nói gì cũng trời hại thôi, biết kêu ai, sống nhờ bà con ráng cho qua cái tết rồi tính, không ai mất mạng là mừng, rồi sẽ dựng nhà, cầu trời sang năm đỡ hơn”.
Họ dựa vào mình, dựa vào cộng đồng, dựa vào nơi xa xôi để đi qua những ngày gian khó, để mong một ngày mai yên bình. Họ sống bằng niềm tin, bởi không thể khác, đánh cược số phận mình với may rủi, mong một chữ bình yên.
Khổ như chia đều cho nhà nông. Làng cúc Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn) đang vớt vát sau bao vùi dập. “Số nào bị thối ngọn thì bỏ, số nào còn sống sót thì ráng chăm sóc, dù không bán được cả chậu cũng ráng cứu hoa để bán bông bình”, ông Nguyễn Văn Lâm, một hộ trồng hoa ở Vĩnh Liêm nói.
Thêm một đồng bạc để gia đình mua sắm, là đỡ đi một tiếng thở dài. Chúng tôi buột miệng: “Tết tới nơi rồi…”. Nghe vậy, bà Nguyễn Thị Bích Liên (48 tuổi), người may mắn cứu được 100 chậu cúc, giờ đã bắt đầu bung nở, hy vọng tết này giá cúc cao để vớt lại vốn, nói liền: “Tết buồn, tết vui cũng là tết, mong sao năm tới mưa thuận, gió hòa để người dân bớt khổ”.
***
Tết mà! Giai điệu ấy, về vùng lũ miền Trung những ngày này, giữa ngổn ngang đổ nát, đìu hiu, giữa cái đói rình rập, những thiếu thốn như cuộn xoáy, nghe đi nghe lại như âm ba da diết buồn mà không ảo não, bởi… tết mà! Họ vịn vào tết để đứng dậy. Nghị lực can trường đã dìu những người bao năm đối mặt nắng mưa, buồn khổ thu kín ở họ, tết đến như mất đi, như tạm quên, như buông bỏ xui xẻo.
|
Du khách đi trên cây cầu mới vừa được bắt qua ốc đảo Bình Đông. |
Ông Nguyễn Đồng, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nhà nát tanh banh, ruộng tan hoang vì lũ, gút một câu sau một hồi than kể: “Một nải chuối xanh trên bàn thờ, cũng tết”. Không thể lấy thói quen lẫn suy nghĩ, là cứ lấy tết ra để lấp khỏa hiện thực đau buồn của người vùng lũ, khi ngày mai no ấm với họ là chuyện còn rất xa, nhưng điều có thực là họ không gục ngã. Lúa sạ đã xuống đồng.
Những chuyến xe thương lái mua hoa đã về làng. Đất rau màu đã nhú mầm xanh, cầu trời nắng là kịp bán tết. Tết mà, muốn cưỡng lại cũng không được, mà cưỡng làm gì, cứ thuận theo lẽ trời mà sống.Triết lý nhà nông sống theo mưa nắng là vậy.
Ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh cuối nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam, một ngày nắng, khách đạp xe qua cây cầu làm bằng bao cát, trong tiếng cười rổn rảng của cả làng. Hai tháng mưa lụt, trôi cầu, cả ốc đảo này chết cứng. Nước rút, cả làng đổ ra làm cầu.
Mười ngày ròng, Đông Bình được nối liền, thôi lụy những chuyến đò giang. Chiếu, lác, rau, có cầu mới chở đi bán được, mấy bà, mấy cô trong thôn cũng nhờ có cái đập mà qua được bên kia Hội An, làm thời vụ, kiếm ít tiền trang trải tết này… Người ở đó như thế như chưa hề nếm mùi lũ, bởi họ quen rồi, thói quen đến ngậm ngùi.
Bùn non dày đặc đầu làng cuối xóm. Dọc đường lộ, đu đủ, ớt, rau chết mục còn đó, như chồng chất lần nữa khổ cực nhà nông. Làng rau Bàu Tròn vùng Vu Gia ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, mầm xanh đã đội bùn nhô lên, lá bé tí như giọt nước mắt trong trẻo của hồi sinh khi đã đi qua mùa nước bạc.
“Cả năm không nghỉ ngơi, sau lụt tan hoang hết, trời làm khổ mình, mình làm khổ đất, không cho đất nghỉ, phải cuốc lên làm lại, gồng lên thôi”, ông Phan Văn Đùng ngồi bên ruộng rau, nói như phân trần với đất. Lụt trôi hết giống má, tiền bạc, bà con phải ra đại lý mua giống, phân, ký nợ, chờ tháng Ba thu hoạch thì trả.
Vụ rau tết coi như đi đứt rồi, kiếm đủ cơm ba bữa tết là mừng rồi, có dám mơ chi nữa. Giọng bà Vũ Thị Thanh ở xóm này, buồn như thân cây mục ngã trước hiên nhà chưa kịp dọn. Ngồi bền giàn khổ qua may mắn sót lại sau lũ, bà Thanh ao ước: “Còn sót chút ít, hy vọng tết ni giá cao, đủ trả nợ phân giống lần trước vay mượn. Tui còn may mắn hơn nhiều người”.
Một dải đất bạt ngàn ven sông, đã mơn man xanh. Lãnh đạo xã cho hay, bà con tìm mọi cách khôi phục sản xuất. Tết này khó khăn thật, nên huyện, xã cắt giảm nhiều hoạt động vui chơi, dành tiền hỗ trợ người nghèo, khó khăn, để bà con ai cũng được đón tết.
“Mà rồi anh để mà coi, tết mà, đâu có buồn được”. Lời của ai đó trên đường đi, vọng trong chúng tôi như là điều hẳn nhiên khiến người ta bứt ra những phức cảm bộn bề và mơ ngày mai sẽ khác. Nhìn những người ra đồng mót hoa dự trữ bán tết ở những cánh đồng hoa xuân vốn là vựa hoa của Huế ở cuối hạ lưu sông Hương (đoạn chảy qua xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), nghĩ hoa, dẫu người vô cảm mấy, cũng khiến họ để tâm tư mình dịu xuống khi gánh nặng áo cơm trì đè.
Mất mùa, hoa chưng tết thành hoa cúng. Người làm hoa khổ lắm. Dọc đường làng Lại Ân ở Phú Mậu, hoa từng nhánh nhỏ được người trồng nhặt nhạnh, như gom niềm hy vọng. Nghị lực, chính nghị lực chứ không là gì khác, giữ họ lại bên này bờ của buồn tủi.
|
Người làng hoa Phú Mậu gắng tìm những gì sót lại để ăn Tết. |
Mất trắng 80 triệu đầu tư hoa, nhưng ông Trần Chương nói cứng: “Biết là tết Đinh Dậu năm nay người trồng hoa trong làng sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng động viên nhau cùng vui xuân, đón tết. Người giàu có thì vui tết nhiều hơn. Riêng bà con mình ở vùng rốn lũ còn lại ít lon nếp, lon đậu xanh sót lại sau lũ cũng làm được đòn bánh tét, bánh chưng để cúng ông bà”.
Thua mùa hoa, họ chuyển nhanh qua trồng rau bán tết, rồi do xã Phú Mậu chỉ nằm cách phố cổ Bao Vinh nên nhiều bà con ở làng hoa cứ đến những ngày giáp tết lại đi đò sang Bao Vinh làm gia công bài chòi, bài tới cho các nghệ nhân ở đây. Cho dù để làm một quân bài tới phải trải qua nhiều công đoạn.
Cách làm thủ công năng suất không cao, tốn nhiều công sức nhưng nhiều chị em phụ nữ làng hoa Phú Mậu vẫn quyết tâm theo đuổi nghề phụ, với mong muốn có thêm tiền để sắm sửa tết cho con.
Đất vẫn thở không ngừng. Tết này, người vùng lũ vẫn là câu chuyện lũ, bởi sao xóa được những kinh hoàng dồn dập ập lên đầu họ. Nhưng tết là tết, như tết đã muôn đời vẫn thế. Họ gượng dậy dựng bàn thờ trên nền đất cũ, mà mới hôm qua tất cả đã bị vùi vạ đâu đó trong cơn thịnh nộ của trời đất. Hỏi về tết, khó tìm ở họ một nụ cười, khi nỗi buồn chưa tan đi, nhưng nắng xuân đã về, phai phôi dần những nếp nhăn khổ ải, bởi đất trời đã dậy men mùa và họ
phải sống…
Nhóm PV Miền Trung