Quá nhiều nỗi lo bủa vây khiến nhiều người không còn thời gian để nghĩ về tết hoặc không dám nghĩ nhiều về tết. Năm nay, nhiều người chọn ở lại thành phố ăn tết giản đơn vì nhiều nỗi lo, áp lực và cũng để đảm bảo an toàn cho gia đình và cho bản thân. Gia đình tôi và gia đình dì Hương chẳng hạn.
Dì Hương là người dân tộc Tày, kết duyên và theo chồng về Hà Nội bươn chải từ năm chưa đầy 18 tuổi. Năm trước, khi COVID-19 chưa gây xáo trộn nhiều, mỗi lần chị về quê lại khăn gói mang vào những thức quà mộc mạc chân chất từ mảnh đất Bắc Kạn.
Năm nay, dì không về Bắc Kạn mà ở lại Hà Nội ăn tết cùng gia đình con gái. Biết tôi cũng ở lại ăn tết thành phố, dì Hương mời tôi qua dùng bữa cơm tất niên ấm cúng cùng gia đình dì.
Bữa cơm cuối năm nhà dì toàn những món ngon của người Tày như: cơm lam, thịt treo gác bếp, lạp sườn, thịt ướp muối gừng... Mùi hong khói từ đôi đũa tre thô mộc được dì xếp ngay ngắn trên bàn ăn phảng phất gợi nhớ về gian bếp lửa ấm áp của nhà sàn.
“Đũa này của người đồng bào mình à Dì? Con thấy còn thoảng mùi khói gác bếp. Y như đợt con lên Tây Nguyên chơi, được ăn cá ăn khô thịt gác bếp ấy”, tôi nói như một người sành đặc sản núi rừng.
“Con cũng biết à. Đũa tre mấy cô mấy chú trên bản vót thủ công, hong khói trên gác bếp gửi xuống đấy. Tết này không về dì đem ra dùng cho đỡ nhớ bản”, dì nói và cầm đôi đũa đầy tự hào.
|
Phụ nữ dân tộc Tày gói bánh chưng ngày tết – Ảnh: Internet |
Dì cho biết đã hai năm ăn tết xa nhà. Cứ đến 29, 30 tết là cảm giác nhớ nhà trong lòng dì dâng trào. Dì thèm được ngồi bên bếp lửa rộn ràng những câu chuyện mới chuyện cũ, nhâm nhi men rượu nồng ấm.
Dì kể, dì sinh vào tháng Chạp, tháng của những ngày đông của miền núi lạnh se da se thịt. Ký ức tuổi thơ của dì vì thế mà gắn liền với bếp lửa và mùi khói. Bếp lửa là nơi đã lưu lại tiếng khóc đầu đời của dì, bao bọc và sưởi ấm dì lớn lên từng ngày. Ở đó, những hòn than bé nhỏ từ ngày qua đêm được ủ tro ủ củi, chỉ cần lấy cây cời ra là có thể thổi bùng.
“Mẹ kể làm con cũng nhớ bản làng mình quá. Mấy lần về bản rồi vào lại thành phố, đúng là nhớ nhất gian bếp lửa mẹ ạ. Con vẫn nghe đồng bào mình nói bếp lửa như trái tim của nhà sàn”, chị Hà, con gái lớn của dì choàng tay ôm dì.
“Con bé này sinh ra ở thành phố mà cũng “tương tư” bếp nhà sàn, nói như người sống ở bản làng vậy. Với người dân tộc mình, bếp lửa không chỉ diễn ra những sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi kết nối của các thế hệ. Hồi bà ngoại còn, mẹ chỉ trông tới lễ tết về ngay với bà. Để cùng bà chuẩn bị nhộn nhịp làm thịt lợn, gói bánh chưng ngày 27, 28 tháng Chạp. Những con lợn to nhất được chọn thịt trong ngày tết. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn, một phần để gói bánh chưng”. Dì kể say sưa cho tụi tôi về những ký ức tuổi thơ.
Dì nhớ những đêm giáp tết, khi gió lạnh tràn thung, mẹ dì trải chiếu ngay cạnh bếp, vừa gói bánh chưng vừa kể cho mấy anh chị em dì nghe về những truyền thuyết, truyện cổ của người Tày.
Bánh chưng của người Tày vùng dì không gói vuông như người miền xuôi mà gói dài. Những tàu lá dong xanh mướt được chọn lựa kỹ càng, gạo nếp phải là nếp chọn hái từng bông ngoài ruộng, cùng thịt lợn béo, đỗ xanh, lạt giang.
|
Một góc bếp của người Tày - Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Với dì Hương, bếp lửa là nơi cất giữ những hình ảnh tuổi thơ với những ống cơm lam nướng thơm dịu mùi nếp nương trong những ống tre non; là những chõ xôi bằng gỗ của mẹ dì đồ xôi nóng hổi; là miếng thịt treo gác bếp vùi tro mỗi mùa đông lạnh tràn về...
Gian bếp của người Tày rất ít khi tắt lửa. Lửa thường được giữ qua đêm bằng cách vùi tro cùng những thanh củi to. Kiềng bếp giản đơn bằng đá hay bằng sắt, đủ cao và vững chãi.
Phía trên bếp, người nhà thường làm giàn bếp bằng tre, nứa, gỗ; từ một đến 2-3 tầng. Ở đó, không chỉ rổ, rá, xoong nồi được kê gác, mà còn chính là nơi hong phơi con cá, miếng thịt, mớ rau... để dành cho mùa giáp hạt, hay những khi khách đến chơi nhà.
Ngoài đồ dùng bằng tre nứa, mây song, là các loại hạt giống để chống mọt, gác cũng là nơi phơi những quả men lá nấu rượu, phơi chuối làm bánh… Đám trẻ tụi tôi ngồi chìm đắm trong câu chuyện của dì quên cả mâm cỗ đầy ắp món ăn trước mặt.
Dì hào hứng nói về dự định ra tết: “Năm nay dịch bùng nên dì với hai đứa con ở lại ăn tết ở đây. Qua đợt tết đông đúc, dì về thăm bản sau. Ra Giêng, mấy đứa thu xếp được về chung với dì làm chuyến du lịch vùng cao luôn nhé! Nhiều khi về đấy lai bén duyên anh nào cô nào thoát ế đấy.”
“Nhất trí. Ra tết, tụi con sẽ làm một chuyến du xuân với dì”, cả đám nhất trí cười giòn tan ủng hộ kế hoạch của dì.
Chấp nhận sống chung với dịch trong điều kiện "bình thường mới", kế hoạch ăn tết sum vầy của nhiều gia đình như dì Hương hay tôi đứng trước nhiều điều lưỡng lự. Nghĩ thoáng một chút, ăn tết xa nhà dần là “chuyện bình thường”. Năm nay, tôi chọn cho mình một cái tết nhẹ nhàng và đơn giản: không ồn ào náo nhiệt, không tụ tập đông đúc, chỉ vui tết cùng người nhà hay bạn bè thân thiết. Bởi những giá trị vốn dĩ chỉ có trong tết đã được san sẻ sang những dịp lễ khác trong suốt một năm qua...
Minh Nguyên