Test nhanh truy vết COVID-19 và cơ hội chặn đứng dịch ở TP.HCM

06/07/2021 - 06:22

PNO - Sau hơn hai tuần ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng ở mức trung bình 500 - 600 người/24 giờ, TP.HCM đã quyết định thay đổi chiến thuật để dập dịch.

Phát hiện kịp thời ca nhiễm trong cộng đồng

Tại các ổ dịch trên địa bàn, lực lượng chống dịch thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty… Nếu kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính thì thực hiện ngay xét nghiệm RT-PCR từng người và tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca dương tính này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh cho người dân ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Tam Nguyên
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh cho người dân ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Tam Nguyên

Đây là bước ngoặt lớn về chiến thuật dập dịch của TP.HCM. Việc dùng test nhanh kháng nguyên vốn đã được áp dụng và rất quen thuộc tại các cơ sở y tế của TP.HCM. Nhờ đó, nhiều bệnh viện kịp thời phát hiện những bệnh nhân là F0 cần phải điều trị cách ly. Kể từ ngày 3/7, TP.HCM quyết định dùng các test nhanh kháng nguyên để kịp đuổi theo những dấu vết của những ca F0, điều này hứa hẹn sẽ giúp cho việc truy vết được nhanh hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), việc triển khai cho các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao áp dụng test nhanh COVID-19 cho người lao động là vô cùng cần thiết. HCDC đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện triển khai test nhanh COVID-19 cho người lao động. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về trình tự mặc và cởi bỏ trang phục phòng hộ cá nhân cho người trực tiếp thực hiện lấy mẫu test nhanh, kỹ thuật thực hiện test nhanh…

Theo kế hoạch triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh, TP.HCM có khả năng thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm/ngày (trung bình 6.000 - 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng TP.Thủ Đức có thể thực hiện trung bình 18.000 - 24.000 mẫu/ngày). Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng hy vọng. Bởi lẽ, chỉ với kết quả xét nghiệm gần như có ngay, chỉ sau 15-30 phút, hoàn toàn có thể kịp thời phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên lâm sàng cao cấp Đại học Sydney (Úc), còn kỳ vọng nhiều hơn nữa vào việc áp dụng test nhanh kháng nguyên. Theo bà, những nơi đang xảy ra ổ dịch, nhất là những nơi có đông công nhân, TP.HCM nên cho phép công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm. Điều này sẽ giúp cho việc truy vết nhanh hơn và cũng ít tốn lực lượng nhân sự. 

Về phương án tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên, một bác sĩ đang tham gia chống dịch tại TP.HCM cho biết, việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhất định phải được huấn luyện bài bản và ít nhất phải qua một tuần thì mới có thể đạt hiệu quả. Bởi lẽ, vi-rút SARS-CoV-2 nằm sâu ở vùng mũi họng, nếu lấy không đúng kỹ thuật, sẽ bỏ sót ca F0, cực kỳ nguy hiểm cho cộng đồng. Chính ông cũng thử tự lấy mẫu cho mình nhưng việc thực hiện rất khó khăn vì cảm giác sợ đau. 

Cách truy vết nhanh nhưng an toàn

TP.HCM đặt ra mục tiêu phải truy vết thần tốc, trong vòng 1 giờ phải có kết quả xét nghiệm các trường hợp F1 để tiến hành phong tỏa ngay. Đồng thời, mở rộng xét nghiệm COVID-19 trên những quận, huyện có nhiều nguy cơ. Số lượng người được lấy mẫu có thể lên đến 500.000 người/ngày. 

Ngày 4/7, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, đã lên tiếng cảnh báo: liệu việc phải lấy mẫu thần tốc để phát hiện ra một F0 có đổi lại là làm tăng thêm nhiều F0 do tập trung đông người hay không? Bà nhận định: “TP.HCM đang bước vào giai đoạn tăng cường xét nghiệm cho toàn dân. Việc xét nghiệm cho cộng đồng đã được nhắc đến nhiều như là một giải pháp cần thiết để phát hiện F0, F1, F2…”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu như nguồn lực chúng ta không đủ, thì liệu việc xét nghiệm sàng lọc đồng loạt trong một thời gian ngắn có thật sự có lợi không?

Theo phân tích của phó giáo sư Lê Thị Anh Thư, thông thường vi-rút SARS-CoV-2 chủ yếu chỉ lây qua giọt bắn và tiếp xúc nhưng việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm là một thao tác giúp cho vi-rút có thể phát tán trong không khí. Điều này sẽ tạo nguy hiểm cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi có đảm bảo khoảng cách 2m. Chưa kể, do áp lực số lượng lấy mẫu quá nhiều trong thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lấy mẫu và có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu. 

Vị chuyên gia về nhiễm khuẩn đưa ra khuyến nghị: “Theo tôi, việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, phải có lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông người, nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu không thực hiện được như vậy thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung đồng loạt. Một số các quốc gia có điều kiện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại nhà”. 

Để đảm bảo an toàn cho việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, ngày 1/7, Bộ Y tế đã có công văn khẩn hướng dẫn thực hiện việc này. Theo đó, những nơi lấy mẫu phải bố trí điểm lấy mẫu theo nguyên tắc một chiều, theo thứ tự: chờ lấy mẫu - lấy mẫu - chờ kết quả xét nghiệm - đọc và ghi nhận kết quả xét nghiệm. Những người đến lấy mẫu ngoài đảm bảo khoảng cách phù hợp, phải hạn chế tối đa trò chuyện. 

Dịch vùng Đông Nam bộ phức tạp, TP.HCM cần xét nghiệm nhanh hơn 

Sáng 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát về tổng thể. Tại Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát và bắt đầu ổn định. Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.Đà Nẵng và một số địa phương đã rất nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được tình hình.

Riêng tại TP.HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh… Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch đang gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn. TP.HCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận huyện và xã phường, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 trong cộng đồng và các nhà máy. Hiện nay, TP.HCM đã lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm, nhưng cần lập các tổ điều phối xét nghiệm tại cấp quận, huyện để xét nghiệm nhanh hơn nữa, bởi quy mô dân số thành phố rất lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán, khó lường tại khu vực TP.HCM và các tỉnh xung quanh, nếu không có biện pháp điều chỉnh nhanh, tích cực, hiệu quả hơn thì tình hình sẽ mất kiểm soát. Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, đồng thời việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý… 

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là với TP.HCM có hơn 10 triệu dân, là trung tâm giao thương rất lớn, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch luôn khó khăn hơn bất cứ địa phương nào trên cả nước. 

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI