TERMINAL, MIỄN PHÍ

22/04/2014 - 11:10

PNO - PNO - Tập truyện Terminal, miễn phí! (NXB Phụ Nữ) của Minh Thùy là một tác phẩm hay.

Trong đó, tác giả miêu tả hạnh phúc và thành công cũng như những đau khổ và thất bại trong cuộc đời của phụ nữ và con người trong nhiều tầng lớp của xã hội. Điều hấp dẫn của tập truyện này là tác giả có cách kể truyện thu hút người đọc.

TERMINAL, MIEN PHI

Qua Ảo thuật rắn, Minh Thùy giúp độc giả hình dung ra cuộc sống của những người diễn viên và khiến người đọc cảm động với mối tình thầm lặng của anh Lùn, ngậm ngùi với quá khứ của Ly Ly. Chúng ta có vào phi trường đáp phi cơ đi nơi này nơi kia nhưng có mấy ai nghĩ đến chuyện dùng phi trường như một nhà ngủ miễn phí. Trong Terminal, miễn phí! ta sẽ nhìn thấy một xã hội nho nhỏ của những người không nhà. Họ cũng tạo nên vây cánh, có tôn ti trật tự ngầm, nâng đỡ hay chèn ép lẫn nhau để dành chỗ tốt. Minh Thùy đưa độc giả từ khung cảnh lạ như phi trường, gánh xiếc đến xóm nghèo; từ những mối liên hệ của nhân vật làm việc trong văn phòng đến làm việc trong nhà hàng, từ ăn chơi ở vũ trường đến lao động ở hải ngoại như Tiệp Khắc và Đông Đức.

Ai cũng nghĩ cuộc sống ở hải ngoại là thiên đàng, Minh Thùy cho thấy nhiều nhân vật nữ phải trải qua “chín tầng địa ngục” để đi đến cái được mệnh danh là thiên đàng. Nếu những năm gần cuối thập niên bảy mươi người vượt biển gặp nạn hải tặc thì ở thập niên chín mươi nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp ở chặng đường vượt biên sang Tây Đức. Nhân vật nữ của Minh Thùy có cá tính mạnh, biết đương đầu với cuộc đời dù khi yêu họ cũng có lúc yếu mềm, khờ dại. Một điểm thú vị tôi nhận ra, yếu tố tác động đến diễn biến của cốt truyện cũng như phản ứng của nhân vật không phải vì chính trị mà vì kinh tế, nói nôm na, vì tiền. Petro bỏ Marian ra đi sau khi cuỗm tiền. Thoa ngoại tình với đại gia vì chồng ham tiền, hám việc. Quảng "còi" giết đại gia sau khi phát hiện hắn hứa cho mình mượn nhiều tiền chỉ vì muốn tạo có hội "tòm tem" vợ của Quảng.

Về sức mạnh của đồng tiền áp đặt lên quyết định cuộc sống của một số người tị nạn ở hải ngoại, trong truyện Tha Hương có đoạn: “Xa gia đình, xa quê hương, trẻ người bồng bột, một số công nhân đi lao động Đông Âu sống buông thả, ỷ vào mấy thứ thuốc ngừa thai phát không, sống ngủ với nhau thoải mái dù không có tình yêu, có khi chỉ là sự đổi chác để được giúp đỡ mua hàng, đóng thùng gửi về nhà. Đến khi biết dại thì đã muộn”; hay trong Terminal, miễn phí: “Bà nuôi tôi ngày nào mà đòi tiền tôi? Từ ngày bà bảo lãnh sang đây, tôi với Hải toàn chúi nhũi làm chui ở nhà hàng có được học hành gì, đứa làm bồi bàn, đứa làm tả chạp, tự lập mà sống, có ai chăm sóc. Người ta đi lao động xứ người, gửi tiền về nuôi con, còn bà đi Tiệp 6 năm, mấy lần gửi tiền về? Thế nên bên ngoại thì thù ghét, xem cháu như của nợ, cha đẻ thì từ con không nhìn, hai đứa tôi còn cha còn mẹ mà như mồ côi”.

Tôi thích truyện Em Hai ơi nhất vì qua truyện này Minh Thùy thể hiện rõ rệt sự chống đối định kiến đã và đang phong tỏa hạnh phúc của phụ nữ. Bà Hai, sau khi chồng chết mới bảy tuần đã bỏ nhà đến sống với ông Tư và bị con cái phản đối quyết liệt cho thấy cái đau xót của người đàn bà suốt đời sống bên chồng mà không nhận được những cử chỉ yêu thương: “Bộ quần áo này là thầy Tư sắm cho má đây. Má sống với cha con hơn 50 năm, một đời cực khổ không dám lên tiếng than, có khi dành dụm dư ra chút tiền mà chưa bao giờ ổng may cái áo dài nào cho má. Hồi theo ổng làm vợ, nhà nghèo quá, ổng chỉ mua cho má cái áo bà ba mới. Mấy chục năm sống bên nhau chưa bao giờ ổng kêu má bằng tiếng “em” cho dịu dàng, tình cảm như thầy Tư vậy. Cuộc đời của má với ông Tư đâu còn có bao lâu, mấy con ráng hiểu giùm cho má.

Mười một truyện trong Terminal, miễn phí! là mười một chuyện tình. Mỗi câu chuyện mang một sắc thái riêng biệt, không phải truyện nào cũng đưa đến kết quả hạnh phúc, nhưng mỗi truyện có bối cảnh, hoàn cảnh xã hội, giai cấp khác nhau.

NGUYỄN HẢI HÀ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI