Tên không sang nhưng đầu ra rộng

01/04/2013 - 11:03

PNO - PN - Những nhóm ngành như sư phạm, khoa học xã hội thường bị thí sinh “ngó lơ” vì tên không “sang”, tiền không nhiều…Thế nhưng, đây là những ngành rất cần nhân lực và có thể linh động làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhóm ngành sư phạm: không lo thất nghiệp

Nếu biết chọn đúng ngành như sư phạm mầm non (MN), sư phạm tiểu học (TH), tiếng Anh… thì không lo thất nghiệp bởi nhu cầu tuyển dụng giáo viên (GV) cho những bậc học này tại TP.HCM và các tỉnh rất lớn. Các nhà quản lý luôn đau đầu tìm người vào mỗi đầu năm học nhưng cung vẫn không đủ cầu. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, ngành sư phạm TH thu hút khá đông thí sinh dự thi. Hiện các trường đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên sinh viên sau khi ra trường thường có việc làm ngay. “Đã xưa rồi quan niệm chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, vì nghề này hiện nay không “bán cháo phổi” với điều kiện giảng dạy tốt hơn, từ sĩ số đến trang thiết bị điện tử hỗ trợ. Nếu không so sánh với những ngành thời thượng kiểu như kinh tế, y dược… thì thu nhập của GV ngày nay không hề thấp, đó là chưa kể thu nhập từ nguồn dạy thêm, cũng là việc làm chính đáng”, một hiệu trưởng trường TH cho biết. Tại ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn ngành sư phạm TH tăng dần qua các năm và có tỷ lệ chọi cao (năm 2011, điểm chuẩn là 15,5, đến năm 2012 là 17,5 điểm).

Ten khong sang nhung dau ra rong

Ảnh minh hoạ: Hướng dẫn viên Bảo tàng Nam Bộ đang thuyết trình với khách tham quan. (Ảnh: Ngọc Hồ/PNO)

Nhu cầu tuyển GV MN của các quận huyện càng cao hơn nhưng thường không đủ ứng viên dự tuyển. Nhiều năm liền, Sở

GD-ĐT phải tuyển đến hai-ba đợt vẫn không đủ GV. Theo bà Nguyễn Thị Mai Liên, Hiệu trưởng Trường MNTT Hoa Sen (Q.Gò Vấp) cho biết: Học sư phạm MN không lo thất nghiệp bởi nhu cầu tuyển GV rất lớn, từ trường MN công lập, tư thục, các nhóm lớp đến trường MN quốc tế đều cần nguồn GV có trình độ đúng chuyên ngành. Nhất là khi cả nước thực hiện chương trình phổ cập MN trẻ năm tuổi thì nhu cầu mở trường MN và tuyển dụng càng cao. Nếu không thích đi dạy thì người học cũng có thể mở trường nếu đủ điều kiện…

Hấp dẫn nhất phải kể đến ngành GV tiếng Anh, người học ngành này thường được các trường trải thảm đỏ. Chỉ tính riêng khu vực trường phổ thông, để đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa đội ngũ GV tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nhu cầu cần GV đạt chuẩn, có khả năng giao tiếp sẽ rất lớn. Ngành giáo dục dành nhiều ưu tiên cho GV tiếng Anh để giữ chân họ. Chẳng những được hưởng chế độ lương như GV bình thường, GV chương trình tiếng Anh tăng cường còn được hưởng thêm thu nhập vài chục ngàn/tiết.

Bên cạnh đó, nhu cầu phụ huynh cho con em học thêm ngoại ngữ ở các trung tâm rất lớn. TP.HCM hiện có gần 400 cơ sở có đào tạo ngoại ngữ nên học tiếng Anh không bao giờ lo thiếu việc. Thu nhập của những người tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh thường khá cao. Đặc biệt, với tấm bằng ngoại ngữ trên tay, bạn có thể đi làm trong các công ty, doanh nghiệp nước ngoài nếu không thích trở thành GV. Hiện nay, các trường sư phạm đang chuyển hướng dần đào tạo theo yêu cầu cao hơn, đầu ra phù hợp với khung tham chiếu châu Âu.

Ngoài ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm Huế đào tạo nhóm ngành sư phạm, khu vực phía Nam còn rất nhiều trường ĐH tuyển sinh nhóm ngành này: ĐH An Giang, ĐH Tiền Giang, CĐ Sư phạm TW TP.HCM… Tố chất cần thiết để trở thành GV tương lai phải là người yêu nghề, yêu trẻ, có đạo đức, có sự kiên nhẫn…

Nhóm ngành khoa học xã hội: Cơ hội rộng mở

Nhiều học sinh có tâm lý lo lắng khi chọn khối C và các ngành khoa học xã hội thường rất hạn chế trường thi và cơ hội việc làm sau ra trường thường không hấp dẫn. TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM tư vấn cho học sinh: Ngành học dễ có việc làm nhất chính là ngành bạn yêu thích và phù hợp với năng lực bản thân nhất. Hơn nữa, nhóm ngành này có cơ hội việc làm rất linh động. Như học ngành lịch sử, địa lý… có thể trở thành nhà nghiên cứu, hướng dẫn viên du lịch được đi đây đi đó nhiều.

Thực tế, cơ hội việc làm nhóm ngành khoa học xã hội không hẹp như nhiều người nhầm tưởng. Những ngành thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn có nhu cầu nhân lực cao như nhóm ngành pháp lý, truyền thông, nhóm ngành ngoại ngữ, quan hệ quốc tế… có thu nhập thuộc vào hàng khủng. Một nhân viên tư vấn luật, đại diện pháp lý cho các công ty, tập đoàn thì thu nhập phải trên 10 triệu đồng. Nhân viên PR, copywriter, báo chí… đều là những ngành thời thượng, mang tính sáng tạo và năng động nên có thu nhập khá cao. Nếu sở hữu tấm bằng ngoại ngữ thì cơ hội việc làm của bạn vô cùng rộng mở ở nhiều lĩnh vực.

Khi tư vấn cho học sinh các trường THPT, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: ngành công tác xã hội là một trong 20 ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn nhất trong những năm tới. Sắp tới, mỗi xã phường sẽ có một người chuyên trách công tác xã hội. Do vậy, cơ hội việc làm ngành này rất lớn.

Ten khong sang nhung dau ra rong

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI