Tên của đóa hồng (The Name of the Rose) với bản phim điện ảnh ra mắt trên toàn thế giới vào năm 1986, được đạo diễn với bàn tay bậc thầy Jean-Jacques Annaud người Pháp, đảm nhiệm vai chính là nam diễn viên tài danh Sean Connery người Scotland và được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay đầy tiếng vang của nhà văn Umberto Eco người Ý.
Cuộc tranh luận thần học đẫm máu thời Trung cổ
Bối cảnh câu chuyện Tên của đóa hồng diễn ra tại một tu viện thuộc dòng Benedict ở miền Bắc nước Ý vào năm 1327 của thế kỷ XIV. Ở đó, nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt về thần học giữa các dòng tu của Cơ đốc giáo với Giáo hội, xung quanh học thuyết khổ hạnh khó nghèo của dòng Dulcinian (Dolcinites) khi mâu thuẫn cực đại với sự giàu có xa hoa của giới tăng lữ đương thời.
Nhân vật chính trong Tên của đóa hồng là William xứ Baskerville (do Sean Connery thủ vai) - một giáo sĩ dòng Francis, cùng người học trò nhỏ của mình là Adso xứ Melk - một chủng sinh, cũng đồng thời hiện diện trong vai trò người kể chuyện thời bấy giờ và nhiều năm sau nữa.
Ban đầu đạo diễn Jean-Jacques Annaud từng từ chối đề nghị chọn Sean Connery, chỉ vì không muốn dự án của mình và công chúng khán giả bị “bóng đè” với thần tượng James Bond 007 đầu tiên trên màn bạc như thế. Và khi Jean-Jacques Annaud không tìm được diễn viên nào ưng ý, rồi bị thuyết phục trở lại đề xuất ban đầu, hãng Columbia Pictures lại rút lui khỏi dự án vì sự nghiệp của Sean Connery vào thời điểm ấy cũng đang có phần xuống dốc. Bởi trước đó, dù cực kỳ thành công về doanh thu phòng vé khi trở lại với vai diễn điệp viên James Bond 007 (trong tập phim Never Say Never Again, ra mắt năm 1983), Sean Connery đã gặp phải những trải nghiệm tiêu cực trong quá trình làm phim này và chán nản ngưng làm phim trong suốt hai năm kế tiếp. |
Chỉ trong bảy ngày viếng thăm tu viện, thầy trò William xứ Baskerville và Adso xứ Melk cũng đã kịp chứng kiến vô vàn trò sát nhân diệt khẩu với độc dược tẩm vào một cuốn sách viết bằng tiếng Hy Lạp - một cuốn sách ngợi ca hài kịch, thuộc bộ Poetics của triết gia Aristotle.
Hài kịch, với tiếng cười đặc trưng, khi cười vào mọi thứ sẽ hủy diệt nỗi sợ. Không có nỗi sợ thì không có đức tin. Và các con chiên sẽ không còn cần đến Chúa nữa. Vậy nên cuốn sách ấy phải được phong kín, không được phép tiết lộ mọi sự báng bổ vô thần. Đó là quan điểm của một vị giáo sĩ lâu đời nhất của tu viện thuộc dòng Benedict ở miền Bắc nước Ý này, đồng thời cũng chính là nguồn cơn của nhiều vụ mưu sát liên tiếp trong tu viện.
Sự hồi sinh của một hiệp sĩ thời đương đại
Sau khi bộ phim cùng tên ra mắt trên toàn thế giới vào năm 1986, nhà văn Umberto Eco đã xác nhận đây là một phim chuyển thể hay, từ đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Dẫu bản phim đã lược thuật khá nhiều dẫn luận liên quan việc tranh biện thần học của nhiều dòng tu Cơ đốc giáo thời Trung cổ, bao gồm chính trị cùng tôn giáo thời ấy nhưng câu chuyện điện ảnh vẫn giữ lại trọn vẹn từ tinh thần gốc của tác phẩm văn học.
Đạo diễn Jean-Jacques Annaud từng nói với nhà văn Umberto Eco trước khi làm phim, rằng ông tin cuốn sách này được viết cho duy nhất một người đạo diễn: chính ông! Cá nhân ông cảm thấy bị hấp dẫn toàn diện bởi dự án, vì niềm đam mê suốt đời với các nhà thờ thời Trung cổ và bản thân ông cũng rất quen thuộc với tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.
Jean-Jacques Annaud đã dành bốn năm để chuẩn bị cho bộ phim trong giai đoạn tiền dự án, đi khắp Mỹ và châu Âu, tìm kiếm dàn diễn viên đa sắc tộc hoàn hảo với những gương mặt thú vị và đặc biệt. Diễn vai Sean Connery vào vai chính trong dự án này hẳn nhiên đã thuộc về lựa chọn của lịch sử điện ảnh thế giới (chiến thắng giải Diễn viên nam chính xuất sắc tại giải BAFTA danh tiếng của điện ảnh Anh quốc, năm 1988).
Cuốn tiểu thuyết Tên của đóa hồng của tác gia chủ soái văn học hậu hiện đại Umberto Eco đã bán được hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất từng được xuất bản.
Tác phẩm này cũng đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu quốc tế, như giải thưởng Strega năm 1981 và giải Prix Médicis Étranger năm 1982, được xếp hạng 14 trong danh sách “100 cuốn sách của thế kỷ” của tờ Le Monde
|
Trong quá trình dựng cảnh cho Tên của đóa hồng, đoàn phim đã đầu tư xây dựng một tu viện với nội ngoại thất như bản sao của tu viện gốc, bên ngoài thành phố Rome (Ý). Bối cảnh quay này đã trở thành phim trường ngoại lớn nhất được thiết kế ở châu Âu, kể từ sau dự án phim lịch sử Cleopatra (đạo diễn Joseph L. Mankiewicz, ra mắt năm 1963, đoạt bốn giải Oscar cùng năm) - với sự tham gia diễn xuất của minh tinh màn bạc thuở ấy - kiều nữ Elizabeth Taylor, trong một câu chuyện sử thi hoành tráng về nữ hoàng Ai Cập cổ đại Cleopatra VII (năm 69 trước Công nguyên - 30 trước Công nguyên).
Tên của đóa hồng có doanh thu phòng vé không như mong đợi tại thị trường Mỹ khi chỉ đem về 7,2 triệu USD nhưng lại khá thành công trên toàn châu Âu và đạt doanh thu 77,2 triệu USD trên toàn thế giới (kinh phí sản xuất khoảng 17 triệu USD).
Song song đó, Tên của đóa hồng cũng đã được ghi nhận và vinh danh về chất lượng nghệ thuật, chiến thắng hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc tại giải thưởng César năm 1987 của điện ảnh Pháp. Điều này giúp cho bộ sưu tập giải thưởng của đạo diễn Jean-Jacques Annaud càng trở nên hoàn mỹ hơn, sau khi đoạt giải Oscar Phim nước ngoài xuất sắc với phim điện ảnh đầu tay Black and White in Color (ra mắt năm 1976); giải César Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc với Quest for Fire (năm 1981).
Đặc biệt, hẳn nhiên nhiều công chúng khán giả Việt từng ngưỡng mộ bộ phim Người tình (The Lover/ tên gốc tiếng Pháp: L’amant, ra mắt năm 1992) của Jean-Jacques Annaud, quay tại Việt Nam, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tự truyện lừng danh của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Phim Người tình đã nhận được một đề cử Oscar và sáu đề cử giải César, trong đó có đề cử giải Phim nước ngoài xuất sắc.
Sau thành công vang dội cả về doanh thu phòng vé cùng chất lượng nghệ thuật với Tên của đóa hồng vào năm 1986 ở châu Âu, Sean Connery cũng bắt đầu hồi sinh với nhiều dự án lớn ở Hollywood. Vào năm 1987, Sean Connery tiếp tục có một vai diễn để đời trong bộ phim The Untouchables của đạo diễn Brian De Palma, diễn xuất cùng Kevin Costner, Robert De Niro…
Năm 2004, Sean Connery được bầu chọn trên tờ Sunday Herald là “Người Scotland còn sống vĩ đại nhất”. Và trong một cuộc khảo sát của EuroMillions vào năm 2011, Sean Connery được xem là “Kho báu quốc gia còn sống vĩ đại nhất của Scotland”.
Ông cũng được tạp chí People bình chọn là “Người đàn ông quyến rũ nhất trong đời sống” năm 1989 và “Người đàn ông quyến rũ nhất thế kỷ” năm 1999.
|
Bộ phim là một thành công về doanh thu phòng vé cũng như về nghệ thuật, trong mắt giới phê bình phim quốc tế. Với màn trình diễn cực kỳ ấn tượng, Sean Connery đã được tưởng thưởng xứng đáng với giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Tình yêu nơi trần thế
Và khi Sean Connery nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời của Viện phim Mỹ vào năm 2006, ông đã xác nhận từ giã sự nghiệp diễn xuất. Sean Connery đã được nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh phong tước Hiệp sĩ (Sir) trong buổi lễ tấn phong tại cung điện Holyrood house ở Edinburgh, vào năm 2000. Sir Sean Connery qua đời trong giấc ngủ, vào ngày 31/10/2020, ở tuổi 90, tại nhà riêng.
Nhân vật chủng sinh Adso xứ Melk cũng đồng thời là người dẫn truyện Tên của đóa hồng, khi về già đã hồi nhớ, rằng cô gái nông dân đã dùng thân xác đổi lấy thức ăn nơi tu viện thuộc dòng Benedict ở miền Bắc nước Ý chính là tình yêu trần thế duy nhất của cuộc đời anh. Cho dẫu anh chưa bao giờ biết tên của cô ấy. Tên của đóa hồng.
Trailer phim Tên của đóa hồng:
Châu Quang Phước