Temu vẫn chưa hoạt động, người đã mua hàng hóa sẽ được hoàn tiền 100%

08/02/2025 - 10:38

PNO - Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, đến sáng 8/2, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam.

Do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn TMĐT chưa đăng ký với Bộ Công Thương, nên hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam. Vì vậy, rất nhiều đơn hàng sau thời gian dài vẫn chưa được giao tới người mua.

Trước thực trạng này, Bộ Công thương đã yêu cầu sàn TMĐT này phải thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền cho khách hàng.

Thông báo khi đăng nhập vào trang Temu.com
Thông báo khi đăng nhập vào trang Temu.com

Theo đó, những người đã đặt mua mà vẫn chưa nhận hàng, sẽ được sàn Temu hoàn lại 2 khoản tiền: hoàn trả đủ 100% giá trị đơn hàng thông qua tài khoản ngân hàng của người mua; bồi thường vì đơn hàng không giao như kế hoạch, trả vào tài khoản Temu của người mua với tỷ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng (khoản tiền hoàn về tài khoản Temu không thể rút ra được, chỉ tương đương với một mã giảm giá mua hàng sau khi sàn hoạt động trở lại).

Theo lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho đến thời điểm này, nếu vẫn còn một số trường hợp khách hàng chưa nhận được tiền hoàn trả, đó có thể là do sai sót trong quá trình thao tác đặt và giao hàng trên sàn TMĐT Temu.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có thông báo, đến hết ngày 30/11/2024, nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tại Việt Nam thì sàn Temu phải dừng hoạt động. Vì thế, quá thời hạn 30/11/2024, Bộ đã yêu cầu Temu tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký.

Sau khi khóa bản tiếng Việt, Temu phát đi thông báo bằng tiếng Anh về việc sàn TMĐT này đang tiến hành các thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam, song cũng không nêu dự kiến thời điểm hoàn tất thủ tục.

Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký.

Nguy hiểm nhất là nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn. Bên cạnh đó, việc không có cơ chế bảo hành, đổi trả rõ ràng khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi sản phẩm phát sinh lỗi.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cá nhân và thanh toán quốc tế trên các nền tảng này tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin, gây ảnh hưởng đến tài chính. Cuối cùng, người tiêu dùng còn có thể phải đối mặt với các chi phí phát sinh không lường trước được như thuế, phí vận chuyển.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI