|
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Huỳnh Tố Hương - Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - đang tư vấn cho một bệnh nhân về bệnh xơ cứng rải rác - Ảnh: Đỗ Trí |
Thường “tấn công” người trẻ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Huỳnh Tố Hương - Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết bệnh viện hiện đang theo dõi và điều trị cho khoảng 30 trường hợp mắc bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis - MS) - là bệnh tự miễn mất myelin của hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể tiến triển theo thời gian gây khuyết tật.
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị khỏi đặc hiệu. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị triệu chứng có thể làm giảm tiến triển của bệnh, giúp người bệnh trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường. Có một số lựa chọn điều trị giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thuốc men đóng vai trò làm giảm tỉ lệ tái phát, giảm xuất hiện tổn thương mới và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Trên thế giới có khoảng 2,8 triệu người bị xơ cứng rải rác, với tỉ lệ mắc bệnh trung bình 35,9/100.000 dân. Bệnh có phân bố địa lý không đều, gặp nhiều nhất ở châu Âu - khoảng 142,81/100.000 dân, ở châu Phi là 8,76/100.000 dân và ở Đông Nam Á là 8,62/100.000 dân, thấp nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương 4,79/100.000 dân. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi khoảng 30 (đa phần từ 20-40 tuổi). Dù vậy, bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người cao tuổi. Phụ nữ mắc bệnh này nhiều gấp 2 lần so với nam giới.
Mới đây, bác sĩ Tố Hương đã tiếp nhận 3 trường hợp điển hình của bệnh xơ cứng rải rác. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.T.T. (19 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM), hiện là sinh viên năm thứ hai. T. nhập viện vì bị tê yếu chân phải.
Bệnh nhân chia sẻ, vào tháng 4/2022, bệnh nhân bắt đầu thấy tê rần kèm đau vùng da từ ngực lan xuống bụng phía bên phải, không tê đau tay, chân và mặt, không sốt. Vài ngày sau, người bệnh bị tê đau lan xuống chân phải, yếu chân phải tăng dần nên đi khám tại phòng khám thần kinh. Sau khi được chụp cộng hưởng từ tủy sống và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm tủy ngực, chỉ định nhập viện. 4 tuần sau, người bệnh hồi phục hoàn toàn.
Đến tháng 1/2024, người bệnh than tê yếu tay chân phải, không sốt, không đau đầu nên đã nhập viện. Tại bệnh viện, chị T. được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả ghi nhận tổn thương rải rác ở chất trắng dưới vỏ và cạnh não thất bên, 2 bên vuông góc với thành não thất bên… Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng rải rác, chỉ định truyền Methylprednisolone. Đến nay, tình trạng sức khỏe chị T. đã ổn định. Hiện tại, người bệnh thỉnh thoảng còn tê nhẹ vùng bụng bên phải, đi lại, sinh hoạt bình thường.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L.V.L. (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM). Anh L. nhập viện vì đi lại mất thăng bằng. Trước đó, vào tháng 6/2022, người bệnh thấy yếu và run 2 tay nhưng vẫn đi lại được. Anh L. cố chịu đựng, không đi khám. Khoảng 1 tháng sau, không còn triệu chứng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, người bệnh cảm thấy yếu 2 chân, khó khăn khi bước lên cầu thang hoặc lúc chạy, kèm cảm giác đau 2 cẳng chân. Anh té ngã nhiều lần do chân yếu.
Tình trạng yếu 2 chân diễn tiến tăng dần, ngoài ra còn xuất hiện tình trạng yếu 2 tay ở mức độ nhẹ. Từ những biểu hiện trên, anh L. được chỉ định nhập viện. Sau khi chụp cộng hưởng từ sọ não, tủy và làm các xét nghiệm cần thiết, anh được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng rải rác. Bệnh nhân phải truyền Methylprednisolone, điều trị triệu chứng, tập vật lý trị liệu.
Sau đó 2 tuần, tình trạng yếu tay chân của bệnh nhân được cải thiện, anh đi lại tốt hơn. Anh L. vừa tái khám định kỳ tại Phòng khám chuyên gia Miễn dịch thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Bác sĩ ghi nhận hiện tại người bệnh đi lại tốt, làm việc và sinh hoạt bình thường.
Gây khuyết tật nếu không được can thiệp sớm
Thêm một trường hợp nữa là bệnh nhân tên N.N.T.L. (26 tuổi, ngụ Đồng Nai). Từ tháng 12/2018, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng yếu và tê chân trái, kèm theo cảm giác nóng ran. 2 tháng sau, tình trạng tê lan sang chân phải, có lúc thuyên giảm. Bệnh nhân còn gặp thêm các vấn đề như tiểu khó và nhìn mờ. Tháng 5/2022, bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Thần kinh, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM.
|
Rối loạn thị lực, tê bì và yếu cơ, mệt mỏi, rối loạn đi lại, rối loạn chức năng bàng quang và ruột… là các triệu chứng của bệnh xơ cứng rải rác thường khiến bệnh nhân chủ quan vì nhầm lẫn với các bệnh lý khác - Ảnh minh họa: Internet |
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng rải rác. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Methylprednisolone kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng. Sau 2 tuần điều trị, các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt; bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường. Tháng 5/2022, bệnh nhân đột ngột bị méo miệng sang trái và mắt phải nhìn mờ.
Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thần kinh thị giác phải do mất Myelin ở trước giao thoa thị giác. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng thuốc Methylprednisolone và sau điều trị, tình trạng bệnh nhân được cải thiện: giảm méo miệng, thị lực phục hồi tốt, không còn yếu liệt chi, có thể đi lại và làm việc bình thường. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân còn được khuyến cáo áp dụng các biện pháp điều trị phối hợp như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động xã hội... để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Qua các ca bệnh kể trên, bác sĩ Tố Hương nhận định rằng xơ cứng rải rác là bệnh lý mãn tính nhưng có thể kiểm soát tốt nếu kết hợp điều trị bằng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - xơ cứng rải rác là một bệnh hiếm gặp của hệ thần kinh, là bệnh lý mạn tính, có thể tiến triển gây khuyết tật như đi lại khó khăn, phải dùng dụng cụ hỗ trợ, giảm thị lực theo thời gian nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý. Hiện y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Thế nhưng, các yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch có liên quan đến căn nguyên của bệnh.
Rối loạn thị lực, tê bì và yếu cơ, mệt mỏi, rối loạn đi lại, rối loạn chức năng bàng quang và ruột… là các triệu chứng của bệnh xơ cứng rải rác thường khiến bệnh nhân chủ quan bỏ qua vì nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do các triệu chứng kể trên rất đa dạng nên bệnh khó được phát hiện sớm nếu bệnh nhân không có ý thức thường xuyên theo dõi sức khỏe. Vì vậy, khi thấy mình hoặc người thân có các dấu hiện trên, cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời. Bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng rải rác cần được theo dõi và điều trị suốt đời do đây là bệnh lý mạn tính.
Thanh Huyền