Trong năm 2019, đã có hơn 1.000 hộ dân trong chung cư cũ được di dời về nơi ở mới. Gặp chúng tôi ở khu tái định cư, nhiều người hồ hởi khoe: “Năm nay, mình sẽ đón tết trong căn nhà mới”.
Nỗi niềm trong những căn nhà chờ sập
Chiều xuống, bà Nguyễn Thị Hai - ở chung cư 137 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TPHCM - bắc chiếc ghế trước nhà, ngồi nhìn về nơi người ta đang bán những bó hoa cúc vàng. Hôm nay đã là ngày mùng Một tháng Chạp. Đưa mắt nhìn lên những mảng bê tông bong tróc, hoen ố ở trần nhà, bà Hai chợt thở dài: “Kiểu này cũng chẳng dám sửa lại nhà để ăn tết”.
|
Chung cư 155-157 Bùi Viện, Q.1 đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện vẫn còn 16 hộ dân ở lại |
Nhiều năm nay, cả gia đình bà Hai bám víu trong căn hộ chung cư chỉ rộng chừng 20m2. Mấy năm nay, chung cư xuống cấp nghiêm trọng, người dân nhiều lần nghe có chủ trương sẽ được dời về nơi ở mới nhưng đến nay, vẫn còn hơn 50 hộ chưa được di dời.
TPHCM hiện có hàng chục chung cư được đánh giá loại D (hư hỏng nặng, nguy hiểm), dù đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ nhưng hiện vẫn còn hơn 1.000 hộ đang sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Chung cư Trúc Giang 5 tầng ở 41/1 Lê Văn Linh, P.13, Q.4 được xây dựng từ trước năm 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện vẫn là nơi cư trú của 123 hộ. Bà Nguyễn Thị Dung - cư dân ở đây - nói: “Chúng tôi nhiều lần nghe thông tin mình được di dời ra khỏi chung cư này để xây chung cư mới nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy nhúc nhích”. Hiện chung cư này đã xuất hiện rất nhiều vết nứt, lối thoát hiểm không sử dụng được, hệ thống chữa cháy tạm bợ, dây điện chằng chịt. Một số hộ đã tự chuyển đi để bảo đảm an toàn cho gia đình.
Ngại đi vì chưa rõ thông tin
Những ngày cuối năm, sinh hoạt của các hộ dân ở chung cư bắt đầu hối hả hơn. Men theo lối cầu thang có phần tay vịn đã nứt nẻ, lộ cả khung sắt, chúng tôi tìm gặp các hộ dân đang sống ở chung cư đã hơn 80 tuổi này.
|
Khu tái định cư 243 Tân Hòa Đông, nhà mới của người có chung cư cũ |
Biết chúng tôi đến tìm hiểu về tiến độ di dời, một cụ ông sống tại chung cư 43 Bình Tây, Q.6 cho biết, cách đây vài hôm, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - cùng đoàn giám sát có đến thăm bà con ở đây. Làm việc với lãnh đạo Thành ủy, nhiều hộ dân cho rằng chung cư 80 tuổi này vẫn còn tốt, nên muốn kiểm định lại chất lượng. Nhiều hộ dân khác mong muốn được biết rõ ràng, minh bạch về giá đền bù, để họ an tâm dọn đi nơi khác. Sau buổi làm việc, bà Võ Thị Dung đã chỉ đạo rà soát, kiểm định lại chung cư này. Sở Xây dựng TPHCM cho biết, sẽ phối hợp kiểm định lại chất lượng chung cư này trong quý I/2020.
|
Quý 1 năm 2020, các hộ dân ở chung cư 119B Tân Hòa Đông sẽ được di dời đến nơi ở mới để xây trường học |
Tiến độ phá dỡ 15 chung cư cũ sẽ được giải quyết thế nào?
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đã có kế hoạch phá dỡ 15 chung cư cấp D trong năm 2020.
Cụ thể, chung cư 128 Hai Bà Trưng và 23 Lý Tự Trọng, Q.1 đã có chủ đầu tư, đã hoàn tất công tác di dời nhưng chưa phá dỡ, dự kiến sẽ hoàn tất phá dỡ trong quý II/2020. Chung cư 155-157 Bùi Viện, Q.1 đã di dời 84/100 hộ dân, hiện chưa chọn được chủ đầu tư xây mới; 16 hộ dân còn lại sẽ di dời trong quý I/2020, hoàn tất phá dỡ chung cư trong quý III/2020.
Chung cư 11 Võ Văn Tần, Q.3 đã di dời 18/19 hộ dân, đã lựa chọn được chủ đầu tư xây mới, sẽ hoàn tất phá dỡ trong quý III/2020.
Chung cư Vĩnh Hội (lô A, B, C), Q.4 sẽ tổ chức lựa chọn chủ đầu tư và hoàn tất phá dỡ trong quý IV/2020. Chung cư 6 bis Nguyễn Tất Thành, Q.4 đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chung cư Trúc Giang, Q.4 sẽ di dời 123 hộ trong quý I/2020 và hoàn tất phá dỡ trong quý III/2020.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo, Q.5 không xây dựng lại chung cư tại vị trí cũ, hiện chưa di dời 21 hộ, sẽ hoàn tất di dời và phá dỡ trong quý III/2020. Chung cư 43 Bình Tây, Q.6 chưa lựa chọn được nhà đầu tư, sẽ hoàn tất phá dỡ vào quý III/2020; chung cư 119B Tân Hòa Đông, Q.6 cũng không xây dựng lại tại vị trí cũ, sẽ hoàn thành tháo dỡ vào quý III/2020.
Chung cư 47 Long Hưng và 40/1 Tân Phước, Q.Tân Bình đã di dời, phá dỡ, lựa chọn được chủ đầu tư xây mới; chung cư 137 Lý Thường Kiệt và 149-151 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình không xây dựng lại tại vị trí cũ, sẽ di dời 55 hộ dân trong quý I/2020 và hoàn thành phá dỡ trong quý III/2020; chung cư 170-171 Tân Châu, Q.Tân Bình đã hoàn tất phá dỡ nhưng không xây dựng mới tại vị trí cũ.
|
Ông Vương Thạch Phát - ở căn hộ 43/22 - nói: “Chính quyền cần công khai về thời điểm di dời, chính sách hỗ trợ tạm cư và tái định cư tại chỗ, chúng tôi mới chấp thuận dời đi”.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5 gồm 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, sân thượng và mái bê tông cốt thép, được xây dựng trước năm 1975, hiện đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn là nơi cư trú của 32 gia đình. Theo đánh giá của Sở Xây dựng TPHCM, chung cư này trông có vẻ chắc chắn, nhưng có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người dân. Công trình thuộc diện nguy hiểm, phải phá dỡ khẩn cấp. Nhưng đến nay, các hộ dân vẫn sống và kinh doanh trong chung cư này.
Cụ Lương Thị Anh (70 tuổi) cho biết, bà đã sống ở chung cư 440 Trần Hưng Đạo hơn 40 năm qua. Bây giờ, mỗi lần có xe lớn chạy ngang qua, người ở trong nhà có thể cảm nhận được chung cư bị rung lắc rất rõ. Dù biết chung cư nguy hiểm, nhưng chưa được chính quyền thông báo rõ phương án đền bù và dời đi đâu nên chưa ai dám đi. Ngoài ra, nếu chuyển đi thì không đủ tiền để thuê căn hộ khác theo giá hiện tại nên các hộ đành sống chung với nguy hiểm.
“Không phải chúng tôi cố chấp, mà chúng tôi chờ thông tin chính thức từ chính quyền. Chúng tôi rất mong chính quyền sớm có phương án đền bù rõ ràng để dời đi ngay” - bà Trần Hiên Nhạn, hàng xóm cụ Anh, nói.
Đón tết ở nhà mới
Chúng tôi đến khu tái định cư của những người từng sống trong chung cư 243 Tân Hòa Đông, Q.6. Ở khoảng sân trước khu tái định cư, bà Tú Trinh (60 tuổi) cùng mấy người bạn đang ngồi hóng mát. Năm 30 tuổi, bà Tú Trinh lấy chồng, về sống tại chung cư 119B Tân Hòa Đông, Q.6, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2020, bà Tú Trinh được chính quyền vận động về khu chung cư 243 Tân Hòa Đông sinh sống. “Căn hộ nhỏ ở đây có diện tích hơn 50m2, hai phòng ngủ; căn lớn hơn 70m2, có ba phòng ngủ, rất thoáng mát. Ở đây thì không lo nhà sập hay rớt bê tông xuống đầu nữa”. Bà Tú Trinh cho biết, người Hoa rất kiêng kị dời bàn thờ tổ tiên. Do vậy, phải chọn ngày tốt: “Tôi còn xin để lại bàn thờ bên đó, đến 30 tháng Chạp sẽ dời về nhà mới”.
Người bạn bà Trinh kể, mùng Sáu tháng Giêng năm Mậu Tuất (2018), cả gia đình bà đang ngồi trong nhà ăn cơm thì một miếng bê tông rớt xuống trúng đầu, đứa con trai phải đi trạm y tế băng bó. Vậy là tết năm đó, gia đình bà mất vui. Khi được chính quyền vận động sang nơi ở mới, gia đình bà đã chấp nhận di dời khỏi chung cư 119B Tân Hòa Đông ngay.
Bà Bạch Lan - nhà ở khu đường Bãi Sập, Q.6 - cũng vừa dời về khu tái định cư 243 Tân Hòa Đông trong năm nay. Theo bà Lan, cuộc sống ở khu tái định cư này rất tốt, nhưng hơi tiếc là mấy đứa cháu đi học xa, buôn bán cũng không tiện. Tuy nhiên, đọc thấy thông tin chính quyền sẽ xây trường học ở vị trí chung cư 119B Tân Hòa Đông cũ, bà Lan lại thấy phấn khởi.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2020, sở sẽ di dời dân ở hai khu chung cư xuống cấp, nguy hiểm là chung cư 119B Tân Hòa Đông và 43 Bình Tây, Q.6 đến tái định cư ở khu chung cư 243 Tân Hòa Đông. 21 hộ ở chung cư 440 Trần Hưng Đạo sẽ được đến tạm cư, tái định cư ở chung cư An Phú, Q.6.
Sơn Vinh