Té nhẹ nhưng gãy xương nặng

22/10/2024 - 05:55

PNO - Các bác sĩ ghi nhận có đến phân nửa phụ nữ từ tuổi mãn kinh trở lên bị té, gặp tai nạn bị gãy xương mà không hề biết mình loãng xương. Bệnh lý này có thể gây nhiều biến chứng nặng nề, tăng nguy cơ tử vong.

Va chạm nhẹ đã gãy xương

Trong tháng 9/2024, Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất ghi nhận 14 trường hợp bị gãy xương có chỉ định điều trị bảo tồn do loãng xương. 25% trong số này bị gãy xương lần hai, lần ba. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Nam - Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện - nói: “Điều đáng báo động là không chỉ ở vùng quê mà ngay tại các thành phố lớn, nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh vẫn chủ quan với bệnh lý này”.

Bà N.T.Q. - 60 tuổi, sống tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - đã trải qua một cú sốc khi chỉ bị va nhẹ trên xe buýt do xe thắng gấp nhưng đã khiến bà Q. bị gãy xẹp đốt sống, nhập viện trên băng ca. Kiểm tra phim chụp, bác sĩ còn phát hiện bà Q. từng bị gãy xẹp đốt sống tại vị trí khác nhưng không hay biết, cứ tưởng mình đau do căng cơ nên chịu đựng suốt 1 năm qua. Kết quả đo mật độ xương cho thấy bệnh nhân loãng xương rất nặng.

Bác sĩ Hoàng Quốc Nam - Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất - khám cho trường hợp bị loãng xương nặng phải nhập viện
Bác sĩ Hoàng Quốc Nam - Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất - khám cho trường hợp bị loãng xương nặng phải nhập viện

Cũng giống như trường hợp của bà Q., cú ngã khi bước lên bậc thềm nhà đã khiến bà N.T.D. - 76 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh - phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn và thời gian hồi phục kéo dài. Bà D. với thể trạng yếu và nhiều bệnh nền vào Bệnh viện Thống Nhất vì gãy cổ xương đùi trái do loãng xương nặng.

Thật không may, chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất viện, bà lại tiếp tục bị gãy xương đùi bên phải do một lần mất thăng bằng khi chống gậy tập đi trong nhà.

Còn bà T.T.X. - 63 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - vốn có nhiều bệnh nền. Chỉ một cú vấp nhẹ khi đi vệ sinh vào ban đêm đã khiến bà bị gãy cổ xương đùi, phải vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bác sĩ Đỗ Tuấn Kiệt (Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Lê Văn Thịnh) ghi nhận, có tới 50% phụ nữ từ tuổi mãn kinh trở lên gặp tai nạn bị gãy xương khi tới khám không hề biết mình loãng xương cũng như cần phải tầm soát loãng xương.

Xây dựng hệ xương chắc khỏe từ lúc trẻ

Theo bác sĩ Hoàng Quốc Nam, loãng xương ở phụ nữ - đặc biệt sau mãn kinh - là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sự suy giảm hoóc môn estrogen khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Điều đáng lo ngại là quá trình này diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.

Thống kê cho thấy, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh loãng xương tăng đáng kể theo tuổi tác. Đến tuổi 70, con số này có thể tăng từ 40% đến 50%. Chính vì không có dấu hiệu báo trước rõ ràng, nhiều người chỉ nhận ra vấn đề khi đã quá muộn, tức là khi đã xảy ra gãy xương.

Gãy xương do loãng xương - nhất là ở vùng cột sống và cổ xương đùi - gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn khiến bệnh nhân mất khả năng vận động, phải nằm một chỗ. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, huyết khối, viêm phổi và các biến chứng khác, đặc biệt là ở người có bệnh nền như tim mạch, thận.

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, bệnh còn gây hậu quả về tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy chán nản, cô đơn và trầm cảm.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Kiệt cho biết, tùy vào vị trí gãy xương mà việc điều trị có thể rất phức tạp. Với những xương nhỏ, việc điều trị nội khoa có thể được áp dụng, nhưng đối với các trường hợp gãy xương lớn, phẫu thuật là cần thiết. Nếu được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế lớn thì bệnh nhân sẽ hồi phục, qua được giai đoạn đau đớn nhưng sinh hoạt bình thường cũng gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân có thể phải phụ thuộc vào xe lăn, tàn phế…

Để có một hệ xương chắc khỏe, mọi người cần xây dựng mật độ xương đỉnh cao từ khi còn trẻ. Lúc này, xương phát triển mạnh mẽ và hấp thu canxi hiệu quả nhất. Chúng ta nên tận dụng khoảng thời gian này để xây dựng nền tảng xương chắc chắn bằng cách bổ sung đầy đủ canxi từ thực phẩm như sữa, hải sản, rau xanh đậm và vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, việc tập thể dục đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe xương khớp.

Tuy nhiên, việc xây dựng mật độ xương đỉnh cao chỉ là một phần trong quá trình phòng ngừa loãng xương. Khi bước vào tuổi trung niên và cao tuổi, nguy cơ loãng xương tăng cao. Do đó, việc khám sàng lọc định kỳ rất cần thiết để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

“Nếu đã được chẩn đoán mắc loãng xương, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý bổ sung thực phẩm chức năng, đặc biệt là canxi. Việc tự ý bổ sung canxi quá mức không chỉ lãng phí mà còn có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như tăng nguy cơ sỏi thận, thậm chí gây lắng đọng canxi ở các cơ quan khác” - bác sĩ Đỗ Tuấn Kiệt khuyến cáo.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI