Tế bào gốc tạo máu được nuôi cấy thành công lần đầu tiên trong phòng thí nghiệm

04/09/2024 - 20:43

PNO - Bước đột phá của nhóm nghiên cứu ở Úc có thể mở ra cuộc cách mạng trong điều trị các bệnh nan y về máu, như ung thư máu và thiếu máu.

Quá trình nuôi cấy tế bào gốc tạo máu nhân tạo trong vòng 13 ngày — Ảnh: Viện nghiên cứu nhi khoa Murdoch
Quá trình nuôi cấy tế bào gốc tạo máu trong vòng 13 ngày — Ảnh: Viện nghiên cứu nhi khoa Murdoch

Nhóm chuyên gia từ Viện nghiên cứu nhi khoa Murdoch (MCRI), ở thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc, vừa công bố bước tiến mới trong lĩnh vực tế bào gốc: họ tạo ra tế bào gốc tạo máu trong phòng thí nghiệm tương tự như tế bào ở người, những tế bào này có thể tồn tại bên ngoài đĩa Petri, theo báo Daily Mail đưa tin ngày 4/9.

Các nhà khoa học từ Viện MCRI (được đặt theo tên của trùm truyền thông Rupert Murdoch, nhà tài trợ chính của viện) cho biết, tế bào gốc là loại tế bào chưa trưởng thành, có thể trở thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Riêng tế bào gốc tạo máu, do tủy xương tạo thành, có thể phát triển thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

Trước nghiên cứu của MCRI, chưa có tế bào gốc nào được phát triển trong phòng thí nghiệm có thể tồn tại bên ngoài dụng cụ nuôi tế bào (đĩa Petri).

Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology vào ngày 2/9, chứng minh rằng tế bào gốc tạo máu có thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và được cấy ghép thành công vào cơ thể sống.

Trong nghiên cứu, những con chuột bị suy giảm miễn dịch đã được tiêm tế bào gốc tạo máu từ người. Nghiên cứu còn phát hiện ra, tế bào gốc tạo máu trở thành tủy xương có chức năng ở mức tương tự như trong cấy ghép tế bào máu dây rốn.

Giáo sư Ed Stanley của MCRI cho biết: “Bằng cách hoàn thiện phương pháp tế bào gốc mô phỏng sự phát triển của tế bào gốc tạo máu bình thường có trong cơ thể người, chúng ta có thể hiểu và phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa cho nhiều bệnh về máu, bao gồm bệnh bạch cầu và suy tủy xương”.

Giáo sư Andrew Elefanty của MCRI cho biết: “Các tế bào miễn dịch không phù hợp từ người hiến tặng có thể tấn công các mô của chính người nhận, dẫn đến bệnh nặng hoặc tử vong. Việc phát triển các tế bào gốc tạo máu dành riêng cho từng bệnh nhân sẽ ngăn ngừa những biến chứng này, giải quyết tình trạng thiếu hụt người hiến tặng, và cùng với việc chỉnh sửa bộ gen, giúp điều chỉnh các nguyên nhân cơ bản gây ra các bệnh về máu”.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI