Tại buổi họp mặt, Bà Lê Huyền Ái Mỹ đã phát biểu những suy nghĩ, trăn trở của mình về báo chí hiện đại. Từ đó, bà khẳng định những người làm báo cần phải tỉnh táo để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đó là 1 thái độ làm nghề - rất cần thiết – nhất là trong thời buổi hiện nay.
|
Bà Lê Huyền Ái Mỹ - TBT báo Phụ nữ |
“1/ Báo chí đang thay đổi khá căn bản - một sự thay đổi về thao tác, kỹ thuật, về cách tư duy đề tài, về hướng khai thác và cách thức xử lý thông tin.
Công chúng thay đổi, báo chí thay đổi. Ngay cả công chúng báo giấy – với thói quen, sở thích đọc báo giấy – cũng đã thay đổi. Họ không chờ đến buổi sáng hằng ngày hay cách nhật, hay tuần báo…để đọc lại một thông tin mà họ đã nghe, đã đọc, đã lướt qua từ mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình điện tử. Cái họ cần, ấy là khi mở báo, trên dòng sự kiện ấy, cái nối tiếp, cái chắc lọc, cái tiếp cận – đến thời điểm gần nhất, là gì. Nó mang tính chuyên sâu, nó thể hiện điểm nhìn, chính kiến rõ ràng, mạch lạc.
Phóng viên báo giấy buộc phải thay đổi
Phóng viên báo giấy không thể mặc định là phóng viên của online. Đào tạo và tái đào tạo, sàng lọc và tiếp tục sàng lọc, phải đủ tiêu chí, đủ sức đáp ứng cho cách thức và độ cập nhật của báo online.
Một thế hệ phóng viên, biên tập viên, bộ máy tòa soạn mới, họ được sinh ra, được đào tạo để thích ứng và gây dựng một đời sống báo chí điện tử. Nó là sự kết nối – tận dụng – tương tác - phát triển lẫn nhau giữa các nguồn thông tin, các kỹ thuật truyền hình – truyền thanh, các liên kết thông tin siêu văn bản cùng những phân tích, nhận định, giải mã tầm chuyên gia cùng các mô hình offline, online, hội thảo…
Khi doanh số quảng cáo trên báo giấy sụt giảm nghiêm trọng, đi kèm trước, sau và cùng nó là lượng phát hành giảm. Nguồn thu giảm một cách không phanh.
Khi doanh số quảng cáo trên báo điện tử chưa thể mang lại lợi nhuận thì bài toán đầu tư công nghệ - phát triển kỹ thuật và đội ngũ con người cho báo điện tử tiếp tục là một “ bổ đề” chưa có lời giải.
Từ đây, sức ép về doanh thu, về lợi nhuận, về tiền – đồng nghĩa với sự tồn tại của một tờ báo - đã ít nhiều càn quét và lệch lạc một môi trường cạnh tranh, một không gian hoạt động của đời sống báo chí.
Với nhiều tờ báo có thương hiệu, cuộc giao thời và quá độ của thời kỳ báo chí truyền thống – báo chí điện tử đã đặt Ban Biên tập luôn trong một cảm giác – làm gì, làm như thế nào để trước cái di sản 41 năm để lại ấy, mình không là người có tội – chứ không hẳn chỉ là có lỗi. Thay đổi, nhưng thay đổi theo cách nào, thay đổi như thế nào để vẫn giữ lại những giá trị cốt lõi mà đủ năng lượng, năng lực để đón nhận, vận hành theo quy luật mới.
Công chúng thay đổi. Báo chí thay đổi. Nền quản trị báo chí cũng ít nhiều thay đổi, nó đã bước đầu gắn sự quản lý cùng hoạch định phát triển của một nền báo chí phát triển – hội nhập.
Từ góc độ quản lý nhà nước, những vấn đề, những nội dung góp ý cho hoạt động báo chí luôn được đặt dưới khía cạnh pháp luật, phân tích và qua phân tích, cung cấp thông tin về Luật, các văn bản dưới Luật để theo đó, hoạt động báo chí luôn đảm bảo luật định, chuyên nghiệp.
Từ góc độ quản lý về tư tưởng, góc nhìn, phương pháp định hướng đã thật sự được đặt trong tâm thế chuyển biến và không thể không có những chuyển biến vì tình hình chung, yêu cầu chung và tất nhiên, lợi ích chung. Trước những sự kiện nóng, nhạy cảm, những diễn biến phức tạp, rõ ràng, đã có một sự ngồi lại nhiều hơn, lâu hơn, sâu hơn. Từ đó, là một tâm thế mở, một cách tiếp nhận đa chiều, một kiểu tiếp cận theo chiều “ khúc xạ” mà mục đích cuối cùng bao giờ cũng hướng theo chiều thẳng đứng – không mơ hồ, khoan nhượng, thỏa hiệp với những tư tưởng lệch lạc, dao động, chủ quan.
Báo chí, từ tuân thủ, chấp hành đến hợp tác, hợp đồng sức mạnh trên tinh thần ấy.
Một câu chuyện nhỏ: Tiếp nhận thông tin chỉ đạo từ các cơ quan chức năng, thay vì một phản xạ có điều kiện là tuân thủ - chấp hành, chúng tôi sẽ xác định nội dung nào là chấp hành, nội dung nào cần có một độ lùi – độ mở nhất định, để trên cơ sở sau khi có cái nhìn và sự đánh giá toàn diện, điểm nào cần cận cảnh, điểm nào tiệm cận – không đi vào trực diện mà kiếm con đường vòng, hay tạo một đường dẫn để đạt được hiệu quả thông tin đến bạn đọc cao nhất, mang ý nghĩa tích cực nhất.
Sự thích ứng khiến chúng ta dần thay đổi, sự thay đổi tạo nên thói quen thích nghi và chúng ta đã thật sự tiến đến cuộc thay đổi. Thay đổi để Bản lĩnh hơn - Cách mạng hơn.
2/ Vậy, trong cuộc thay đổi tơi bời ấy, chúng ta giữ lại điều gì, mà theo tôi, không phải giữ để không mất đi mà là xác lập như một giá trị cốt lõi, một nguyên lý tồn tại: Đó là những chuẩn mực làm nghề không bao giờ thay đổi – Vai trò của báo chí trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, là sự đảm bảo tính chính xác và tính công bằng trong thông tin và xử lý thông tin, là sự tử tế và chuyên nghiệp của chữ nghĩa và kỹ năng làm nghề.
Tôi lại xin phép nói câu chuyện của riêng mình
Trong lễ trao giải Báo chí TP, Báo Phụ nữ vinh dự được nhận 3 giải Nhì, trong đó, có giải Nhì của phóng sự điều tra – với đề tài Về đường dây mua bán viên chức ở Hà Nội. Phóng sự này do phóng viên nữ Nguyễn Thu Trang của báo Phụ nữ thực hiện. Như hầu hết các phóng sự điều tra, phóng sự này, phóng viên nằm vùng mất 3 tháng, 1 tháng chính thức lộ diện và đối đầu trực diện. Một trong những đối tượng bị vạch mặt – 1 thiếu tá quân đội – sau này – khi Thu Trang tiếp tục thực hiện phóng sự Về những lò gạch thổ phỉ trên địa bàn Sóc Sơn, chính đối tượng này điện thoại dọa mua tặng 3 cỗ quan tài.
|
Nhà báo Nguyễn Thu Trang của báo Phụ nữ đã thực hiện nhiều loạt phóng sự điều tra. |
Đôi khi, giữa dòng thông tin hối hả, sự càn quét về mặt thông tin, dữ liệu thông tin, sự chạy đua mà cái đích không thấy điểm cuối cứ cuốn chúng ta vào, tương thích, tương tác, comment chồng comment, share to share…Và cái thể loại phóng sự điều tra – với độ dài thời gian, với mức độ thâm nhập và nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào và đặc biệt là tính nguy hiểm, thậm chí là nguy hại cho bản thân phóng viên, cho tòa soạn, lại trở thành một thứ xa xỉ trong đời sống báo chí hiện nay. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì đeo bám. Chúng tôi duy trì và đảm bảo định mức cho các thể loại tốn kém, phiêu lưu nhưng lại chính là “bản sắc” của nghề. Nó là cuộc thử sức, thử lửa cho bút lực của phóng viên, cho cái gọi là “ nguồn cảm hứng” tạo nên sự sáng tạo – sự sống còn của mỗi thương hiệu báo chí - trong dòng chảy thông tin khốc liệt hiện nay.
Nếu các phóng viên là những chiến binh dũng cảm thì tôi xin gọi bộ máy tòa soạn và Ban Biên tập là những tấm khiên, những lá chắn quả cảm, với tinh thần liêm chính, tỉnh táo, hiểu biết.
Liêm chính để thông tin được sạch. Tỉnh táo để xử lý thông tin chính xác, công bằng. Hiểu biết để đưa ra giải pháp thông tin có nền tảng, có chiều sâu, có tính dự cảm và dự báo đúng.
Xin nói thêm, sự tỉnh táo là một phần trách nhiệm xã hội của những người làm báo, giúp chúng ta tạo một độ lùi cần thiết, một khoảng lặng tích cực để nhìn nhận thấu đáo các sự kiện nóng, kiểm chứng và minh định thông tin để không đẩy sự việc đến điểm đen tiêu cực, làm nhiễu sóng trong bạn đọc.
Đó là 1 thái độ làm nghề - rất cần thiết – nhất là trong thời buổi hiện nay.
Bởi nói cho cùng, chữ mang theo nghĩa, sự tử tế của chữ nghĩa không phải ở cái vỏ mỹ từ mà là cách chúng ta đánh vần, viết đúng chính tả, hành văn – trên hết – chúng ta hành động có trách nhiệm với bạn đọc, chúng ta tranh luận, phản biện cũng như dẫn dắt xã hội bằng tinh thần khoa học, khách quan và đạo đức.
3/ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà báo cách mạng, trong Thư gửi lớp học viên Huỳnh Thúc Kháng năm 1959, Người viết: “Tuy có cùng mục đích chung nhưng mỗi tờ báo như báo nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ thì nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn, rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán”.
Trong thời buổi toàn cầu hóa – thế giới phẳng thì những dị biệt, nhất là dị biệt về kinh tế - xã hội hầu như đã xóa nhòa đi. Nhưng, theo quy luật biện chứng, khi mọi sự đang mang màu sắc phẳng đại đồng thì tính khác biệt – tính đặc thù của mỗi tờ báo lại là sự tồn tại cần thiết.
TP HCM, vốn là mảnh đất trù phú của báo chí, truyền thông và sự tồn tại – phát triển nhiều sắc màu, thương hiệu báo chí tại đây cho thấy điều đó – như 1 sức mạnh nội sinh của báo chí Việt Nam nói chung, báo chí thành phố nói riêng, đồng thời cũng cho thấy tinh thần tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng của những người có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của thành phố, trong đó có lĩnh vực báo chí xuất bản – truyền thông. Điều này, tôi nghĩ, nó phản ánh một nội lực mạnh mẽ và bản lĩnh của thành phố, nó tạo ra một nguồn xung lực và năng lượng mới mẻ, nhập cuộc, tích cực, đa chiều kích và tràn đầy cảm hứng.
Lực lượng báo chí thành phố, những đồng nghiệp của chúng tôi, chưa bao giờ là người đứng ngoài cuộc, trái lại, họ luôn đầy trách nhiệm và nhận lấy trách nhiệm – cùng với lãnh đạo và chính quyền thành phố, cùng với nhân dân thành phố, kết nối chặt chẽ thông tin, khách quan trong nhìn nhận, công bằng trong đánh giá để làm sao tạo nên một khối thống nhất hành động vì mục tiêu cao cả nhất: vì chất lượng sống tốt của người dân.
Đây là một cam kết, nó được viết ra từ ngày 21/6 và nó không dành riêng cho ngày 21/6”.
Quỳnh Mai (Ghi)