Tay nắm không rời qua giông gió

27/07/2016 - 12:13

PNO - Trời chuyển mưa, ông tất bật ra sân gom mớ đậu đang phơi. Nhìn ông, bà mỉm cười: “Người ấy cứ… vậy đó! Lẳng lặng làm, lặng lẽ thương yêu, chẳng nói gì nhiều”.

Hơn bốn chục năm hôn nhân, giông gió đời người lùi về quá vãng; lắm khi bà còn giật mình: “Sao ông ấy chọn ở lại với mình?”.

Tôi mang câu hỏi ấy cho ông. Người đàn ông kiệm lời bật cười, lúng túng: “Thì… yêu rồi”. Và tình yêu thì cần chi nhiều lời, hơi ấm của đôi tay ông đưa bà qua bao quãng khó, đã nói lên nhiều điều…

Dẫu không còn nguyên vẹn

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM, cô gái nhỏ Biện Thị Mỹ sớm giác ngộ cùng cha anh tham gia cuộc kháng chiến. 16 tuổi, Mỹ chính thức gia nhập Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Thuở đất nước loạn lạc, quyết dốc lòng với quê hương thì nghĩ chi còn mất, khuyết lành. Nhưng, Mỹ ray rứt, mới ba năm tham gia cách mạng, bom đạn chưa dứt, cống hiến chưa nhiều mà sức trẻ sớm bị vùi chôn. Đó là năm 1972, trên đường tiếp lương thực cho bộ đội vùng căn cứ, Mỹ giẫm phải mìn. Cơn đau thấu trời đánh thức Mỹ trên chiếc giường của trạm quân y. Cố trở mình rồi nhanh chóng nhận ra khoảng thiêu thiếu tê dại vùng thân dưới, cô gái trẻ gào lên bấn loạn: chân phải của Mỹ đã gửi lại chiến trường.

Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh nào chấm dứt khi súng đạn không còn. Cô gái 19 tuổi chưa quen với nhân dạng khiếm khuyết, rơi vào cơn bất mãn triền miên của chính mình khi quẫy đạp di chuyển. Ý nghĩ tự tử nảy sinh trong mặc cảm, bất lực mường tượng về tương lai tối tăm. Không vực được con đứng lên từ tuyệt vọng, má của Mỹ - Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Gôm khổ sở mang giấu hết từng con dao cái rựa hay bất kể những gì có tính sát thương. Vậy mà, một chiều, ăn xong miếng mít, Mỹ lập “kế” quyên sinh: “Nhà mình sao dạo này nhiều ruồi quá! Sẵn miếng xơ mít còn, má mua giùm con ít thuốc trừ sâu, về con bôi lên đặng nhử ruồi nha má!”.

Mẹ Gôm tưởng thật, thực hiện lời con gái, quên bẵng ước muốn được chết chưa bao giờ rời bỏ con. Để rồi bất giác linh tính chẳng lành, đang trên đường lo công chuyện, mẹ sực nhớ, vội quay về. Bà điếng người thấy Mỹ đang nước mắt ngắn dài, cúi đầu vô lá thư viết dở. Giật tờ giấy trên tay con, đọc lướt lời tuyệt mệnh, mẹ bưng mặt ngồi thụp: “Mỹ ơi, chiến tranh đã cướp chồng, cướp bốn đứa con của má rồi. Má chỉ còn ba tụi con. Bây đi nữa bỏ má bỏ em, mất mát chồng mất mát con, má sống làm sao được”. Mỹ hốt hoảng, trờ người ôm má khóc.

Sau đận ấy, Mỹ nhủ mình cố gắng sống, tập quên bi kịch đời mình, tập quen với cơ thể không còn toàn vẹn. Nhưng, đối diện với tình yêu lại là dằn vặt khổ tâm khác. Hai tháng trước ngày gặp nạn, Mỹ đã cùng người thanh niên Nguyễn Văn Út (nguyên cán bộ Cục Hậu cần miền Nam) đính hôn. Chán chường ngồi viết cho người yêu vài dòng, cô gái trẻ khởi đầu: “Đời em tàn rồi…”. Trong lá thư gửi kèm đôi bông tai là quà đính ước, Mỹ phân tích mình chẳng còn tương lai cho một cuộc chung sống, khuyên người yêu nên quên mình.

Nhận thư, từ tiền tuyến, Út đau đớn vội vã quay về. Đáp lại sự dửng dưng cố tình của người yêu, Út… im lặng. Im lặng nhưng không chịu rời đi. Mặc Mỹ xua đuổi, Út nhẫn nại về thăm, cố ngồi lì bên Mỹ. Giờ nhớ lại quãng ấy, ông Út cười giòn: “Nói gì cũng thừa nên đâu biết nói gì. Thương rồi mà, sao bỏ được. Tôi cứ tới thăm đều đặn rồi cổ cũng hết đuổi thôi”. Rồi ông trần tình, trở về từ cuộc chiến, mọi hư hao đều là hy sinh cho đất nước huy hoàng, sao có thể vì chút toan tính ích kỷ mà nhìn nhận khác đi…

Ngày ấy, trong ứng xử lạnh lùng của người thân ông Út; cuối cùng, họ vẫn đến với nhau bằng đám cưới đơn sơ.

Hoa trên đất thép

Quyết lòng đến với nhau, nhưng cuộc chung sống giữa bà Mỹ - ông Út gặp vô vàn hờn tủi, khổ tâm. Ông là người con trai duy nhất, gánh dâu con sao cho tròn vẹn nặng trĩu trong lòng bà Mỹ. Cố tròn vai, nhưng sự ghẻ lạnh của các em chồng không buông tha bà. Một chiều, cuộc chịu đựng nỗi cay nghiệt bung vỡ trong tổn thương “con dâu tàn phế”, đang bụng mang dạ chửa, bà quyết đưa hai con rời đi. Khó xử với những quan hệ ruột thịt, nhưng không đành lòng nhìn vợ con khổ sở, ông Út lặng lẽ đi theo vợ. Mặc bà xua đuổi, ông lẳng lặng đồng hành, “phân chia” mình giữa tổ ấm riêng tư với trách nhiệm của người con hiếu thuận.

Thoát khỏi gia đình chồng, lại không muốn làm phiền má, bà Mỹ cùng chồng con đến ở nhờ nhà một người quen. Vài ngày sau, họ hỏi thuê được miếng đất rộng gần 1.000m2. Dựng một căn chòi tạm bợ, họ bắt tay canh tác hoa màu. Quãng ấy, cái nghèo bám riết, nhiều hôm không hạt cơm lót dạ, vợ chồng bà đi làm về thấy đứa con trai nằm gục. Giữa cơn cập rập đưa con đến trạm xá, được mách: “Hay thằng bé đói quá?”, bà cuống cuồng đi xin chén cơm độn cho con. Ngỡ ngàng nhìn con dần tỉnh, tươi tắn theo chén cơm vơi dần, vợ chồng bà xót xa, buồn tủi. “Nghèo lắm. Căn chòi tạm bợ đêm ngủ thấy sao trời, mưa xuống không cần tìm chỗ nấp, do có chỗ nào không dột nát nữa đâu” - bà Mỹ rưng rưng nhớ.

Hành trình vươn lên làm kinh tế của đôi vợ chồng thương binh đầy gian truân, khổ ải. Khó khăn, thành bại như trò đùa trêu ngươi, thử thách ý chí. Nhưng, tinh thần thép của người lính khiến họ chưa bao giờ bỏ cuộc. “Thua keo này, chúng tôi bày keo khác. Mạnh dùng sức, yếu dùng thế, cứ rị mọ cũng đi lên từ từ” - bà Mỹ tâm tình.

Chiếc nạng gỗ thay thế cho bên chân đã mất, bà Mỹ ra đồng cùng chồng cấy lúa, rồi chăn nuôi gà vịt. Ngày rỗi, bà nhận may vá thêu thùa cho người quen. Sau này được lắp chiếc chân giả, đi lại dễ dàng hơn, bà đào ao thả cá, nuôi heo. Khi nghề may cá nhân nhỏ lẻ nhường chỗ cho sự lên ngôi của quần áo gia công; “thất nghiệp”, bà bán cặp heo mua chiếc xe gắn máy rồi chạy khắp xóm làng, quận huyện xa mua nông sản về bán.

Tay nam khong roi qua giong gio
Vợ chồng bà Mỹ - ông Út chăm sóc đàn heo

Ông Út nhận công tác ở địa phương, làm bí thư ấp, lại “phân thân” vừa việc công vừa giúp vợ mưu sinh. Cuộc sống dần ổn định, họ dành dụm mua lại khoảnh đất bấy lâu đang thuê mướn. Cố “tân trang” ngôi nhà, bà vay tiền, mở rộng chuồng nuôi đàn heo lên tới 70 con. Chẳng ngờ, đận ấy, đàn heo vướng dịch. Đoàn cán bộ đến đưa đi tiêu hủy, xót của, thương mình, vợ chồng bà nhìn nhau chảy nước mắt. Khóc rồi lại đứng lên động viên nhau: “Thua không nản”.

Họ chuyển sang nuôi bò. Bò bán, bà lại dùng vốn xoay vần làm ăn, mua máy móc về xay xát đậu cho bà con lối xóm. Năm 2005, ngôi nhà khang trang thay cho căn nhà lá tạm bợ. Đêm đầu tiên trong ngôi nhà mới, bà rưng rưng: “Phải nhà mình không anh? Thực hay mộng mà sao lạ quá, cuối cùng mình cũng được vầy sao?”. Người bạn đời kiệm lời bật cười, đáp lại bà bằng cái ôm siết chặt. Cũng đôi tay ôm siết ấy của ông theo bà ngần ấy năm chung sống.

Bà Mỹ nhớ, nhiều đoạn đi với nhau, để ý từng cử động của vợ, biết vết thương trở mình khiến bà lên cơn đau; chẳng nói điều gì, ông bất chợt ngồi xuống, bảo “để anh cõng”. Rồi lần bà quê mùa đến chợ, có người dửng dưng dè bỉu đôi chân không lành lặn. Cơn tủi thân ùa về; cố giấu nhưng nỗi đau nơi bà không qua mắt người chồng nhạy cảm. Cũng chẳng nói điều gì, ông ôm bà, tay tìm tay siết nhẹ…

Nhìn lại mấy chục năm đồng hành, họ bảo, neo giữ mình trong tình cảm vợ chồng đến hôm nay, ngoài biết vì nhau, còn có lòng biết ơn, ngưỡng mộ khi mà tình yêu vốn dĩ được thắp từ tình đồng chí. “Giông gió” lùi xa, đi qua khó nghèo, ba người con của họ có gia đình riêng, mỗi cuối tuần, họ đưa các con về thăm ông bà. Hạnh phúc hiện tại của đôi vợ chồng thương binh là niềm vui quây quần bên con cháu, quẩn quanh bên mảnh vườn, góc ao. Mấy năm qua, ông Út mở rộng mảnh vườn trồng thêm các loại rau. Bữa cơm của họ là “cây nhà lá vườn”. Ông “bỏ nhỏ”: “Yếu dùng thế là đây. Mỗi cây mỗi con tôi chăm sóc, vì không muốn vợ đi xa vất vả. Bên chân còn lại của vợ tôi đã bươn bả nhiều rồi”…

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI