Tây Nam Bộ và Tây Nguyên rất thiếu bác sĩ tâm thần

11/10/2023 - 06:34

PNO - Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt tỉ lệ 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7/100.000). Vùng thiếu nhất là Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

“Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” tổ chức ngày 10/10 ở Hà Nội.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trong đó, có khoảng hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần còn nhiều khó khăn. Các cơ sở y tế tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần. Việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế. Hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ còn các bệnh viện chuyên khoa như nhi, sản - nhi, lão khoa không có khoa tâm thần, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước… 

Ông Lê Minh Sang - chuyên viên y tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cũng đánh giá mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn thiếu. Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt tỉ lệ 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (1,7/100.000). Vùng thiếu nhất là Tây Nam Bộ và Tây Nguyên khi 37 tỉnh, thành phố không có nhân viên tâm lý lâm sàng. Trước thực trạng này, Bộ Y tế cho biết đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” trình Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn tới. 

M. Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI