1.
Có lần Duy bảo Tuấn đã phí hoài tuổi trẻ của mình cho những tháng ngày vô định. Bảy năm nơi miền đất xa lạ này, Tuấn tìm được cho mình điều gì? Tuấn chẳng biết, cũng chẳng thể trả lời câu hỏi của Duy.
Thỉnh thoảng trong những chuyến dẫn tour, hai đứa lại hội ngộ khi cùng dẫn chung một đoàn. Duy vẫn thường nói, cái nghề này dẫn mình đi xa, qua bao miền lạ, thấy bao cảnh đẹp, học bao điều hay nhưng sau tất thảy những điều đó, Duy lại càng muốn quay về, càng thêm thương mái ấm gia đình mà mình đã dày công vun đắp.
Duy không như Tuấn, Duy sống vì những mục tiêu rõ ràng từ khi bắt đầu biết số phận trao cho mình trách nhiệm phải gánh vác gia đình. Đồng tiền kiếm được sau những tháng ngày bôn ba cùng các đoàn khách, Duy dành trọn để chăm lo cho cha mẹ, cho tương lai của cô em gái đang du học ở Nhật.
- Anh Hai đừng lấy vợ sớm nghen, lo cho em bốn năm nữa thôi!
Câu nói hồn nhiên ngày em gái lên đường tựa sợi dây trói đời Duy lại, gói gọn anh trong những chuyến rong ruổi. Nó như một sức mạnh tiềm ẩn, luôn thôi thúc anh phải bền bỉ cho cuộc mưu sinh.
Hai gã đàn ông trẻ vẫn thường làm vài lon bia cùng nhau sau những ngày dẫn khách rã rời. Một chút men say để tạm quên những nhọc nhằn. Để sớm mai, giữa một đất nước xa lạ, lại hì hụi khuân vác va-li, rỉ rả thông báo lịch trình, chạy từng bàn ăn xem khách ngon miệng không, lăn lê chụp từng tấm ảnh đẹp cho khách hỉ hả check-in vào trang cá nhân… Cuối hành trình vui chơi, lại thắc thỏm chờ đợi đánh giá của khách, mong mỏi tiền lương thưởng đủ đầy để còn tính cơm-áo-gạo-tiền tháng tiếp theo.
Ấy là chưa tính những trường hợp khách trốn đoàn, ở lại xứ đó, tìm kiếm một cuộc đổi đời. Chẳng biết có đổi đời được hay không nhưng cái hệ lụy gần nhất là hai gã hướng dẫn viên sẽ phải nháo nhào tìm kiếm, rồi lên đại sứ quán trình báo, viết tường trình. Lẽ dĩ nhiên, cái tên của gã hướng dẫn viên kém may mắn đó sẽ được ghim thật kỹ trong bộ nhớ của sếp, kèm theo là cắt thưởng, không công tác phí.
Vậy nên Tuấn hay cười nhẹ tênh sau mỗi chuyến dẫn đoàn, dù trúc trắc hay thuận lợi suốt hành trình. Tuấn bảo Duy nên nghĩ thoáng hơn, nhẹ nhàng hơn. Trong đời, mọi thứ dù nặng hay nhẹ thì cứ an nhiên sống.
Năm đó, khi Tuấn khoác vai Duy nói điều ấy, đỉnh Dương Minh phủ trắng xóa tuyết. Tuấn hai mươi sáu tuổi, là hướng dẫn viên địa phương, có bảy năm lang bạt ở Đài Loan.
2.
Tây Môn Đinh nằm ở phía Tây thành phố Đài Bắc. Khu phố tráng lệ này tọa lạc ở Vạn Hoa, là một trong những nơi nổi tiếng nhất Đài Loan, vì sự đa dạng các hoạt động giải trí, vui chơi dành cho giới trẻ. Với các cửa hàng quần áo thời trang cùng hệ thống nhà hàng, câu lạc bộ, quán bar, Tây Môn Đinh không chỉ là trung tâm văn hóa của thành phố mà còn là thiên đường mua sắm về đêm của dân Đài Bắc lẫn người lao động nước ngoài vào dịp cuối tuần hay khách du lịch ghé thăm Đài Bắc.
Lần đầu tiên từ Cao Hùng lên Đài Bắc, Nhàn đã ngẩn người trước Hồng Lâu, cái nhà hát hơn trăm tuổi. Cho đến tận bây giờ, với sự gìn giữ và bảo quản của biết bao thế hệ, Hồng Lâu vẫn một màu đỏ kiêu kỳ. Cái màu đỏ dường như không phôi phai theo thăng trầm của miền đất này mà như được bồi đắp thêm sương gió, khiến cho sự nguy nga, lộng lẫy xa xưa càng thêm thu hút ánh nhìn của biết bao người.
Những ngày tháng 12, Tây Môn Đinh sôi động, rực rỡ đèn màu, vang dậy các khúc ca Giáng sinh rộn ràng. Ngoài trời mười lăm độ. Từng dòng người điểm trang lên mình những chiếc áo ấm với đủ kiểu dáng, sắc màu. Những đôi bốt cao sải dài trên phố. Tất cả háo hức cho một đêm hồng ân ngập tràn hạnh phúc. Đúng thời khắc thiêng liêng này, tại Hồng Lâu sẽ réo rắt bài thánh ca chúc mừng điều tốt lành cho mọi người. Cũng thời khắc ấy, những đôi lứa yêu nhau sẽ nắm tay cùng nguyện ước cho một tình yêu bền chặt theo năm tháng.
Nhàn chẳng chờ đợi thời khắc ấy, vì suy cho cùng, đã từ lâu, khi đặt chân lên mảnh đất này, gá thân mình cho một mối lương duyên, cô hiểu rõ, con tim mình đã gởi lại bên dòng sông Vàm Cỏ. Nơi đó, mối tình xanh tươi một thuở thiếu thời cũng như đám lục bình, miên di theo dòng nước cuốn mà thôi. Cuộc đời này, có những người vì duyên mà gặp nhưng chẳng thể chung một chữ phận, để có thể đi cùng nhau đến chặng đường cuối.
Nhàn ngồi nơi ghế đá, dối diện Hồng Lâu, co vai lại trước cái lạnh xứ người. Không dưng bàn chân xui Nhàn đến con phố này, để rồi ngồi đây thẫn thờ, tự vỗ về bằng nụ cười khô khốc, ráo hoảnh.
Nhàn vẫn hay nhớ về người ta, những lúc côi cút mình ên. Ờ thì, chuyện cũ lắm rồi, người quên, kẻ nhớ. Trách gì trong một cuộc tình? Chỉ biết rằng, ngày Nhàn xa xứ, có một người đứng hoài bên triền sông, nhìn con nước đầy rồi lại vơi; nhìn một mùa so đũa rụng trắng triền sông; nhìn bấc về, lạnh cắt da thịt, lạnh thấu con tim.
3.
Duy dặn dò kỹ lưỡng đoàn khách giờ tham quan cũng như mua sắm tại khu phố đi bộ sầm uất này, cũng không quên chỉ cách đi theo đường xanh, đường vàng để có thể quay về đầu cổng đúng giờ. “Mà nếu mấy anh chị có đi lạc thì cứ bình tĩnh chụp hình góc đường mình đang đứng, gởi cho Duy rồi Duy sẽ đến đón. Hoặc cứ ngước nhìn lên cao, sẽ thấy cây cờ màu tím trắng, theo hướng cây cờ mà đi, là ra đến đầu cổng”, Duy ân cần dặn thêm.
Hướng dẫn viên vừa dứt lời, mọi người lại túm tụm thành từng nhóm háo hức khám phá Tây Môn Đinh. Gương mặt ai cũng hồ hởi khi nghĩ đến cảnh sẽ trải qua một đêm Giáng sinh tưng bừng nơi xứ lạ.
Khi tất cả đã tản mác, Tuấn và Duy rảo bước đến tiệm mì chỉ sợi nổi tiếng nhất nơi đây. Ghé ngang qua Coco, hai anh chàng gọi cho mình hai ly trà sữa bánh flan to ụ. Tuấn phá lên cười, đêm Giáng sinh của hai gã con trai là đây. Là đứng một góc xì xụp tô mì chỉ với mấy miếng lòng heo, ngắm thiên hạ rồng rắn xếp hàng rồi tìm cho mình một chiếc ghế đá ven đường hút lấy hút để vài ngụm trà sữa, bâng quơ chuyện đời, chuyện nghề.
Chốc chốc, cả hai lại ngó nghiêng đồng hồ canh giờ; thỉnh thoảng lại trả lời dăm ba tin nhắn chúc Giáng sinh từ quê nhà hoặc những người bạn cũng đang làm tour đâu đó ở Đài Loan như mình hay đang trùm măng-tô mà uống soju bên Hàn, hoặc thả hồn cùng những bông tuyết rơi tả tả đầy tay giữa xứ mặt trời mọc…
Duy quay sang hất nhẹ vai Tuấn:
- Vậy rốt cuộc mày tìm gì ở đây?
Câu hỏi cũ của một năm trước Tuấn chưa trả lời. Đầu óc vẫn cứ rỗng tuếch. Ngày ấy, đâu ai biết tại sao Tuấn bỏ tất cả để chọn Đài Loan du học. Mẹ ra vào thở dài, ba đăm chiêu theo từng vòng khói thuốc. Bốn năm theo học quản trị khách sạn nhà hàng, tới chừng cầm tấm bằng trên tay, Tuấn lại thấy mình đam mê cái nghề rong ruổi này.
Tuấn xin vào làm hướng dẫn viên địa phương cho một công ty du lịch, chuyên kết nối tour từ Việt Nam sang. Tuấn chẳng thể lý giải tại sao mình chọn mảnh đất này, gắn bó ngần ấy thời gian. Có lãng phí cái quãng đời thanh xuân căng tràn nhựa sống như lời Duy nói chăng?
Có những đêm, cuộn mình trong những niềm riêng da diết giữa căn phòng trọ nhỏ hẹp nơi xứ người, nhìn bốn bức tường lặng im, nhìn bóng mình hắt theo ánh đèn vàng leo lét, Tuấn thấy đời mình chênh vênh theo từng chuyến đi dọc ngang đất nước này. Tuấn tìm gì? Câu hỏi muôn lần vẫn không thể trả lời.
- Tao gặp Nhàn ở Huaxi, hồi tuần trước.
Tuấn ngẩn người nhìn Duy. Gương mặt thư sinh với đôi mắt to và hàng mi rợp bỗng chốc thoáng nét buồn man mác. Tuấn ngó lảng sang bên đường cố làm ra vẻ thờ ơ nhưng kỳ thực vẫn đang rất chú tâm vào lời Duy nói.
Nhàn giờ đang làm lễ tân cho một khách sạn ở khu phố Huaxi. Hồi Nhàn lấy chồng là ở Cao Hùng. Nhà chồng có quán bán gà viên nên Nhàn cũng cực lắm. Đâu chừng ba năm, Nhàn không có con, bên chồng cũng không ưng lòng. Họ ly hôn. Cũng may, hồi đó họ đồng ý cho Nhàn lấy quốc tịch.
Nhàn một mình khăn gói từ Cao Hùng lên đây tá túc nhờ mấy người quen cũ hồi còn ở Việt Nam rồi dần dà phụ bán chợ đêm. Cũng nhờ vốn tiếng Hoa khá cùng lượng du khách Việt Nam ngày càng tăng, Nhàn xin được chân lễ tân ở khách sạn. Mấy năm trôi qua mà Nhàn nhìn vẫn vậy, vẫn cứ mong manh và hiền lành như cô gái quê ngày trước.
- Có số điện thoại nè. Mày rảnh thì liên lạc.
Mà cuộc đời nghĩ ngộ quá trời, giữa xô bồ kẻ lạ người xa nơi đất khách, nếu còn có duyên, ắt sẽ lại tương phùng.
- À, Nhàn có hỏi về mày. Mà tao đâu trả lời. Tao cũng đưa số điện thoại của mày, rồi nói, bao năm trời hổng biết mày tìm gì ở Đài Loan này, mà cứ ở miết nơi đây kể từ hồi Nhàn bỏ quê mà đi. Hình như Nhàn khóc…
Bởi vậy, yêu thương một ai đó, đôi khi đâu cần phải nói. Có những nỗi niềm không thể thốt nên lời bởi nó lắng sâu tận đáy lòng. Nhân gian này, duyên còn thì trăm muôn vạn lối cũng có thể tìm về bên nhau. Có những thứ, mình giấu đời, giấu người mà chẳng thể giấu lòng…
Duy vỗ nhẹ vai Tuấn, rồi cầm cây cờ tím, kéo cao lên, len lỏi giữa dòng người nhắm thẳng cổng khu phố đêm mà bước. Tuấn nghe tiếng điện thoại reo, một dòng tin nhắn từ Duy, số điện thoại của Nhàn.
Tuấn nhìn theo dáng thằng bạn giữa đêm lạnh. Ngoài kia, thiên hạ vẫn nao nức đợi chờ một đêm tưng bừng cho nhiều nguyện ước đong đầy.
Tuấn nghe sống mũi mình cay xè. Hồi ấy, khi cả hai vừa nhận được tin báo đậu đại học, đang ôm thật nhiều mơ ước cho ngày chung đôi thì Nhàn rẽ lối theo mai mối của miệt quê rần rần cuộc đổi đời.
Nhàn là chị lớn, phía sau còn tới bốn đứa em nheo nhóc, căn nhà tuềnh toàng cùng bà mẹ sớm hôm tảo tần mà vẫn không thể nào lo đủ miếng ăn cho bầy con nheo nhóc. Ba Nhàn mất sớm. Vậy nên, mọi gánh nặng Nhàn đeo mang trên đôi vai gầy. Tuấn chẳng thể làm gì khi ấy bởi một lẽ đơn giản, thằng con trai mười tám tuổi lấy đâu ra ba trăm triệu như người ta mà giành lại tình yêu đầu đời.
Trước hôm Nhàn cưới, hai đứa ra triền sông. Nhàn khóc. Lời xin lỗi muộn mằn khi mọi chuyện người lớn đã an bài. Đến cả cái nắm tay cuối cùng Nhàn cũng lừng khừng. Níu kéo chi thêm để rồi lại nặng lòng kẻ ở người đi.
Đó là một buổi chiều mãi mãi chẳng thể quên trong cuộc đời Tuấn. Cho đến tận bây giờ, ngồi đây nhớ lại, Tuấn vẫn thấy lòng mình như ai cào ai xé, ruột gan cứ bừng bừng một nỗi lo âu đan lẫn thương xót.
Là xót cho quãng đời nhọc nhằn của người con gái mà mình trọn lòng nâng niu. Là thương cho phận đời long đong của người con gái đã từng là cả một thời thanh xuân của mình.
Bất giác, Tuấn lần mở điện thoại, nhìn đăm đăm vào dãy số vừa nhận.
4.
Tây Môn Đinh, giữa đêm Giáng sinh ồn ào náo nhiệt, dập dìu tấp nập, người ta thấy một chàng trai dáo dác cầm điện thoại, rẽ lối người qua kẻ lại, từ đầu cổng, chạy hướng về Hồng Lâu. Cứ thế, anh thẳng tiến tới băng ghế đá đối diện. Phút giây họ gặp nhau, chàng trai vội ôm chầm cô gái. Nước mắt chực trào.
Thời khắc ấy, Hồng Lâu rộn rã tiếng nhạc báo hiệu đêm hồng ân bắt đầu. Tiếng vỗ tay vang rền khắp con phố. Gió lạnh căm. Mười bốn độ ngoài trời nhưng trong tim hai kẻ yêu nhau đang tìm về bên nhau, ấm áp vô cùng. Lẫn trong tiếng người trên phố lao xao, lẫn trong cơn gió xào xạc của ngày cuối năm, lẫn trong nụ hôn dài tưởng chừng ngưng đọng thời gian là lời thầm thì: “Mình thương nhau đi!”.
Thời khắc ấy, họ biết mình sẽ chẳng bao giờ để lạc mất nhau lần nữa.
Đồng Bằng