Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong là người thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh được bạn bè trong nước và giới chuyên môn nước ngoài đánh gia cao thông qua những giải thưởng, những triển lãm hút khách. Tuy vậy, với anh, kết nối được cảm xúc với người xem mới quan trọng hơn. Và đương nhiên, sáng tạo nghệ thuật phải khởi phát từ cảm xúc thật.
|
Bức ảnh được Trần Thế Phong chụp tại Bảo Lộc năm 2013 |
Thế Phong thừa nhận anh không thể chụp ảnh nếu không có cảm xúc, cũng không thể chụp những người đẹp, những nơi sang trọng mà phải là nhân vật tạo được sự đồng cảm. Anh lớn lên từ đường phố, bươn chải từ ngày ấu thơ, đến hôm nay, cái nghèo vẫn còn hiện rõ trong ảnh của anh. Chỉ khác ở chỗ, cái nghèo bây giờ đặt trong sự lạc quan, nghèo nhưng không hèn, mà phảng phất niềm hạnh phúc dung dị.
|
Những đứa trẻ vui đùa tại đồi cát Ninh Thuận - 2012. Công việc thường ngày của chúng là xuất hiện ở đồi cát, làm mẫu cho nhiếp ảnh gia chụp nếu họ cần, còn không, chúng vẫn chơi đùa cùng nhau. |
Từ những đồng cảm, mảnh đất được Thế Phong đặt chân đến phải là nơi còn khó khăn. Anh bị hấp lực từ Ninh Thuận, Bình Thuận, đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Lắk… Những vùng khó khăn nhất của các địa phương này là nơi anh thường xuyên lui tới. Thế Phong cho rằng mình hơi lạ khi không cảm được vùng núi cao Tây Bắc như nhiều nhiếp ảnh gia khác, mà cảm tình với những nơi gần gũi với Sài Gòn.
|
Ảnh Sài Gòn - 2015, cô bé bám vào đôi chân tật nguyền của người cha |
Đặc biệt đối với Thế Phong, trẻ em là đối tượng anh rất thích chụp.
Thế Phong kể, trong lần lang thang Sài Gòn, anh sang quận 7 và gặp một gia đình sống trên ghe. Người cha bị cụt một chân làm việc nuôi gia đình. Đứa con không được đến trường nhưng dường như, bé không cảm thấy sự nghèo khó, không nhận ra sự thiệt thòi của bản thân.
“Ngày hôm đó, tôi ở đây rất lâu, giữa một Sài Gòn hoa lệ không ai nghĩ có thể tồn tại hoàn cảnh khó khăn như vậy. Đứa bé không có bạn chơi cùng nên theo ba cả ngày. Nó rất thương ba dù ông bị cụt chân. Họ sống trong khó khăn nhưng vẫn vui cười. Nụ cười mà nhiều người không có được”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.
|
Bức ảnh chụp mẹ con trong giây phút nghỉ ngơi tại bãi rác thuộc TP.Nha Trang |
Nếu với những người già, việc chụp được khoảnh khắc vui vẻ, lạc quan của họ cần có thời điểm thì với trẻ em, chúng luôn hồn nhiên dù đang sống trong nghịch cảnh. Bức ảnh anh chụp hai mẹ con ở bãi rác thuộc TP. Nha Trang níu người xem nhìn lâu hơn. Người mẹ trong phút nghỉ ngơi, đứa con nằm ngoan uống bình sữa bên mẹ ngay giữa "cánh đồng" rác rưởi hôi thối. Trong khổ cực, dơ bẩn, người phụ nữ vẫn chấp nhận làm mọi công việc vì mưu sinh thì trong mắt đứa con, ở bên mẹ là nơi bình yên nhất.
|
Em bé sống tại Đà Lạt. Trong một buổi sớm năm 2017, em bé theo mẹ đi bán củi. Trong thời tiết lạnh lẽo, cô bé co ro nhưng vẫn bên mẹ để đợi những gánh củi vơi đi. |
Thế Phong nói có những hoàn cảnh anh nhớ rõ mồn một, có vài nhân vật lướt qua và ống kính bắt lại khoảnh khắc đó, nhưng anh luôn xem họ là những người bạn. Dù trẻ, dù già hay ở độ tuổi nào, họ đã tạo cảm xúc cho anh làm nghề. Anh mong gì hơn việc mình được gặp những nụ cười trong veo của trẻ em dù chúng sống trong khó khăn, để thấy chính mình ngày trước, lớn lên trong cơ cực mà vẫn lạc quan, yêu đời.
|
Hình ảnh được Thế Phong chụp trong một buổi sinh nhật. Phía trước là chủ nhân của bữa tiệc, phía sau là một cậu bé khác, sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn. |
|
Nụ cười rạng rỡ của cậu bé khi nhìn thấy máy ảnh. Ảnh chụp tại Ninh Thuận - 2017. |
|
Bức ảnh chụp tại Ninh Thuận năm 2012 |
|
Cô bé Nguyễn Hoài Thương sống tại Củ Chi, TP.HCM. Hoài Thương sinh ra không có tay, chân vì di chứng của chất độc da cam. Em được mọi người yêu quý vì tinh thần lạc quan. Họ đặt cho em biệt danh "chim cánh cụt". |
|
Bức ảnh chụp tại Bình Phước - 2017 |
|
Bức ảnh chụp tại Sài Gòn - 2014. Với Thế Phong, những bức ảnh về trẻ em luôn tạo được sự tươi mới, đáng yêu trong cảm xúc. |
|
Không nhiều nhân vật trẻ em được Thế Phong hỏi tên. Anh cho biết mình luôn bắt khoảnh khắc hồn nhiên của trẻ trước, sau đó mới vui đùa như những người bạn thật sự với bọn trẻ. |
Diễm Mi