PNO - Với mức gần 95 triệu đồng/người trong năm 2023, TP Cần Thơ là một trong những địa phương dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long về tổng thu nhập (GRDP) tính trên đầu người. Từng bước, Cần Thơ đang chuyển mình, khẳng định vai trò trung tâm và là động lực phát triển của vùng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (thứ hai từ trái sang) - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - thăm mô hình trồng nhãn hữu cơ ở huyện Cờ Đỏ
Cánh đồng thanh nhãn của Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Thái Thanh (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) rộng 140ha đang cho trái sai oằn. Ông Lê Văn Suốt - Giám đốc HTX - cho hay, thanh nhãn đang là loại trái cây hút hàng trên thị trường xuất khẩu, nên giá bán thường dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg trở lên. Nhờ được giá, cộng với năng suất cao, nên việc trồng thanh nhãn mang lại thu nhập tốt cho bà con xã viên. “Thanh nhãn có ưu điểm trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay nhãn da bò, mà chỉ ngọt thanh. Đây là loại trái cây đặc sản có sản lượng không nhiều, nên luôn có thương lái và doanh nghiệp đặt mua phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đi các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc…” - ông Suốt khoe.
Ông Trần Phú Sơn - thành viên HTX - kể: trước đây bà con vùng này trồng lúa và một số loại cây khác, nhưng thỉnh thoảng gặp cảnh tới mùa rớt giá khiến thu nhập bấp bênh. Sau thời gian tìm hiểu, bà con mạnh dạn chuyển sang trồng thanh nhãn. Thấy loại trái cây này có tiềm năng giúp nông dân làm giàu, mọi người hợp sức thành lập HTX nhằm thuận lợi trong áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ. Chính bước chuyển căn cơ này đã tạo sự đột phá trong sản xuất gắn liên kết xuất khẩu; nâng dần thu nhập cho người dân lên từ 500-600 triệu đồng/ha/năm.
Cũng ở huyện Cờ Đỏ, HTX nhãn thanh Hữu Tâm áp dụng trồng hữu cơ, an toàn trên diện tích 60ha với sản lượng trái đạt 500 tấn/năm. HTX đã xây dựng mã số vùng trồng và liên kết với các doanh nghiệp đưa trái thanh nhãn xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc…, giúp nông dân thu lời hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - đánh giá cao việc nông dân huyện Cờ Đỏ chủ động sản xuất cây ăn trái sạch, VietGAP, hữu cơ, sinh học… Với kết quả tích cực này, cần tiến tới xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm thanh nhãn rộng rãi hơn.
Theo UBND TP Cần Thơ, những năm qua, sản xuất nông nghiệp truyền thống của thành phố đã chuyển mạnh sang hình thái nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ khác; đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, phát triển vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn; đồng thời xây dựng các vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp du lịch sinh thái. Song song đó, mở rộng “cánh đồng mẫu lớn” và “cánh đồng lúa sạch” lên trên 35.000ha/vụ, tạo điều kiện phát huy hiệu quả “liên kết 4 nhà”, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Đầu tư đồng bộ
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho hay, cùng với nông nghiệp, Cần Thơ còn tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả khích lệ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; tăng dần tỉ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực. Cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư và ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, với thế mạnh sản phẩm du lịch là sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa… góp phần đưa hình ảnh vùng đất, con người Cần Thơ đến với bạn bè quốc tế.
Một trong những vấn đề quan trọng là thành phố đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2004-2023, thành phố đã cấp đăng ký doanh nghiệp mới cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký 153.012 tỉ đồng; cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,7 tỉ USD.
TP Cần Thơ rất chú trọng phát triển giao thông với nhiều tuyến đường được nâng cấp và xây mới. Đã hoàn thành đưa vào hoạt động cầu Cần Thơ, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu, đường Nam Sông Hậu, cầu Trần Hoàng Na; đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 923, 917, 918, 921; đường vành đai phía tây (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C)… Song song đó, thành phố đang ưu tiên cho việc xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…
Nâng cấp các trục đường nội ô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng tải trọng các cầu để đồng bộ với tải trọng đường; chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do trung ương đầu tư nhằm tăng kết nối vùng… Sự đầu tư đồng bộ đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ không ngừng phát triển, đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 95 triệu đồng, cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trần Việt Trường, từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Tỉ lệ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026-2030 từ 7,5 - 8%; năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 220 triệu đồng; về cơ bản không còn hộ nghèo. Đến năm 2050 phấn đấu xây dựng Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á…
Phát triển TP Cần Thơ tới đây dựa trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng; nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông, cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Chủ động hợp tác kinh tế với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm TPHCM, Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành trong cả nước…, Cần Thơ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ cấu lại theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo động lực mới để tăng tốc nhằm phát triển nhanh và bền vững…