Lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Đầu tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chọn xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) là nơi thí điểm phát động “chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cùng các tổ chức nước ngoài…
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An) - cho hay: “Mấy năm nay, bà con vùng này mạnh dạn trồng lúa chất lượng cao nên lợi nhuận nâng lên từ 40-50 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ đó, HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn cánh đồng 50ha để thử nghiệm mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Tuy là lần đầu thực hiện, nhưng về cơ bản các xã viên đã từng làm lúa theo hướng sạch nên việc tiếp thu thêm kiến thức mới thuận lợi. Điều khiến bà con thích thú là mô hình sản xuất này áp dụng bán tín chỉ các bon nên ai cũng cố gắng thực hiện”.
|
Ông Nguyễn Văn Hiếu (thứ tư từ trái sang) - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - cùng các sản phẩm nông nghiệp của thành phố tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp 2024 ở TP Cần Thơ |
Ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), thời gian qua HTX Nông nghiệp Tiến Dũng luôn đi đầu trong phát triển cánh đồng lớn đạt năng suất cao. HTX áp dụng cơ giới hóa 100% trên các khâu sản xuất lúa như làm đất, gieo sạ, bơm tưới nước, thu hoạch… HTX được ngành nông nghiệp hỗ trợ gắn các thiết bị quan trắc tự động giúp nông dân kiểm tra mực nước từ xa thông qua điện thoại thông minh đồng thời quản lý về môi trường, sâu bệnh, dịch hại khá tốt.
Ông Nguyễn Danh Dũng - Giám đốc HTX - cho hay nhờ sản xuất hiện đại và hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp, thành viên HTX đã tiết kiệm vật tư đầu vào, được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Cũng nhờ cách làm này nên khi tham gia cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, HTX tiếp thu nhanh và hứa hẹn nâng cao thêm lợi nhuận… Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Thuận Thắng (huyện Thới Lai) cũng chia sẻ, các thành viên HTX đang canh tác hơn 80ha lúa, trong đó có 52ha đạt chứng nhận VietGAP; tới đây sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa sạch để tham gia đề án giảm phát thải…
|
Ông Trần Việt Trường (thứ ba từ trái sang) - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - tham quan các sản phẩm nông nghiệp của thành phố tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp 2024 ở TP Cần Thơ |
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết: mô hình thí điểm từ vụ hè thu 2024 ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh đã giúp giá thành sản xuất lúa giảm 250 đồng/kg, lợi nhuận của nông dân cao hơn từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha, giảm 2-12 tấn CO2/ha… Vì vậy, TP Cần Thơ quyết tâm xây dựng vùng lúa chất lượng cao, phát thải thấp hơn 48.000ha tại 3 huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai.
Đặc biệt, TP Cần Thơ được quy hoạch Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL rộng tới 250ha; 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 1.665ha; 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô 384ha; 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Nông trường sông Hậu và Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ…
Tăng tốc các công trình
Cùng với phát triển nông nghiệp bền vững, TP Cần Thơ đang tập trung thi công các công trình trọng điểm như cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ; nâng cấp các tuyến đường tỉnh như đường tỉnh 917, đường tỉnh 918, đường tỉnh 921; công trình đường vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến Quốc lộ 91B; đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ; xây dựng kè bờ sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu…
|
Một góc của TP Cần Thơ văn minh, hiện đại |
Cuối tháng 10/2024, khi kiểm tra tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, các sở ngành, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án đang gặp khó về nguồn vật liệu cát san lấp và vẫn còn một số trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng, chưa hoàn tất di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện ở một số vị trí. Trên tuyến có 1 trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn huyện Cờ Đỏ cần cập nhật bổ sung kế hoạch sử dụng đất và phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng…
Ông Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, các huyện có dự án đi qua tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng đối với phần diện tích còn lại. UBND huyện Cờ Đỏ sớm hoàn thành việc thu hồi đất xây trạm dừng nghỉ, đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án…
Trong khi đó, dự án khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) cũng hối hả thi công mặt bằng giai đoạn 1 rộng hơn 293ha, vốn đầu tư 3.717 tỉ đồng. Đây là mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, đồng thời xây dựng thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm hàng đầu khu vực phía Nam. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000-30.000 người.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phát triển giao thông đường thủy, trong đó có hệ thống cảng biển, cảng sông… Vì vậy, TP Cần Thơ kỳ vọng vào việc xây dựng các cảng để phục vụ cho vận chuyển hàng hóa. Thành phố đang hoàn thành quy hoạch hệ thống bến cảng, trong đó có việc nghiên cứu mở cảng biển Ô Môn với chức năng tổng hợp hàng hóa, container để tối ưu hóa lợi thế sông nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…
Theo quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL. Mục tiêu TP Cần Thơ sẽ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam… |
Huỳnh Lợi