Nhiều bệnh truyền nhiễm "bủa vây"
Liên tục sốt cao trên 380C, bé N.V.K. - 2 tuổi, ở Phú La, Hà Đông - xuất hiện nhiều mụn nước ở tay, chân và trong miệng. Tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng độ I. Sau thời gian điều trị, trẻ đã hết sốt, các mụn nước bắt đầu lặn. Mẹ của K. cho hay, bé bị bệnh do lây từ trẻ nhà hàng xóm.
 |
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông |
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Hà Đông - thông tin, 3 tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp nhận 30 ca tay chân miệng phải điều trị nội trú, tăng so với cùng kỳ và các tháng cuối năm 2024. Trong đó, một số trường hợp sốt cao, biến chứng hô hấp, phải thở ô xy.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho thấy, trong tuần qua (từ ngày 28/3 - 4/4), thành phố ghi nhận thêm 203 ca mắc tay chân miệng, tăng 17 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố có 785 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Đáng lưu ý, trong số này có 4 ổ dịch trong trường học.
CDC Hà Nội nhận định, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo chu kỳ dịch hằng năm. Với sự xuất hiện của một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng.
Cùng với tay chân miệng, nhiều bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội cũng đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là sởi. CDC Hà Nội thông tin, tuần qua, có thêm 206 ca mắc sởi. Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 1.453 ca mắc sởi và 1 ca tử vong.
Tại BV Nhi Trung ương, tình hình sởi diễn biến căng thẳng. Từ đầu năm tới nay, đơn vị này tiếp nhận khoảng 2.000 ca mắc sởi từ Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận, tăng gấp 2 lần so với tổng ca mắc của cả năm trước. Riêng trong tháng Ba, BV đã tiếp nhận gần 1.000 ca.
Bệnh nhi mắc sởi năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, sốc nhiễm trùng, thậm chí suy đa tạng phải thở máy, lọc máu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương - cảnh báo, với số ca mắc cao, tỉ lệ biến chứng sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, cúm A, B cũng vẫn đang trong mùa cao điểm. Ghi nhận tại BV Đa khoa Hà Đông, 3 tháng đầu năm, đã có gần 450 ca cúm A và cúm B nhập viện điều trị. Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm, thành phố có 4.267 ca mắc cúm, tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Phân luồng điều trị tránh lây nhiễm chéo
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Cao Cương đề nghị, bên cạnh sởi, ngành y tế cần tăng cường phòng, chống các dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm mùa. Lưu ý công tác phòng, chống dịch trong trường học. Khi phát hiện ổ dịch, các trường phải thông báo tới trạm y tế phường để được hướng dẫn các biện pháp xử lý. Tuyên truyền cho các gia đình có biện pháp cách ly khi trẻ mắc bệnh, phòng ngừa lây lan.
Liên quan tới điều trị bệnh sởi, ông Nguyễn Văn Lâm lưu ý việc phân luồng điều trị, không để bệnh lây lan: “Chúng tôi đã khuyến cáo BV tuyến dưới cố gắng điều trị đúng tuyến, tránh quá tải. Nếu để quá tải ở 1 BV sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, gây ra bội nhiễm, khiến bệnh nặng hơn”. Các ca sởi có biến chứng nhẹ như viêm phổi nhưng không suy hô hấp, BV tuyến dưới hoàn toàn có thể chủ động điều trị.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cũng nhấn mạnh, trước tình hình dịch sởi có xu hướng tăng, các đơn vị y tế cần đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch sởi. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết, tính tới hết tháng 3/2025, chiến dịch tiêm chủng phòng sởi cho trẻ 6-9 tháng tuổi và tiêm bù mũi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã được các địa phương hoàn thành với tỉ lệ cao, trung bình trên 95%. Tại Hà Nội, tiêm vắc xin cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi đạt tỉ lệ tới 97%. Đồng thời, thành phố thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho hơn 6.200 trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi.
Dù vậy, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, vẫn chưa thể chủ quan. Bởi, đây là các con số “quản được” trên sổ sách, hệ thống tiêm chủng của địa phương. Những trẻ thuộc các gia đình từ tỉnh lên thành phố làm việc dễ bị bỏ sót. Ngành y tế Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị phải tiếp tục rà soát kỹ đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi, không bỏ sót trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1-10 tuổi.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh: trong bối cảnh chuyển mùa, nhu cầu giao lưu, đi lại trong dịp lễ tăng, người dân cần tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin như cúm, sởi... để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, tránh nguy cơ “bệnh chồng bệnh”.
Huyền Anh