Tây Ban Nha tái áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt, Liên Hợp Quốc kêu gọi tài trợ vắc-xin COVID-19

01/10/2020 - 07:05

PNO - Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres cho biết đã đến lúc các quốc gia bắt đầu sử dụng ngân sách từ những kế hoạch phục hồi và ứng phó COVID-19 của họ, để tài trợ cho kế hoạch vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tây Ban Nha tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt

Rạng sáng 1/10, chính phủ Tây Ban Nha đã công bố lệnh hạn chế mới, người dân Madird sẽ bị cấm rời khỏi thành phố ngoại trừ các chuyến đi thực sự cần thiết.

Thành phố cũng sẽ bị đóng cửa, không cho người dân ở các khu vực khác đến thăm viếng, sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng cao trong những ngày qua. Ngoài Madrid, 9 thành phố khác trong các khu đô thị cũng bị ảnh hưởng tương tự.

Mọi người sẽ được phép ra khỏi thành phố để đi làm hoặc đi học, đi khám bác sĩ hoặc mua sắm, nhưng phải ở trong thành phố cho các hoạt động vui chơi giải trí. Ngoài ra, quán bar và nhà hàng sẽ phải đóng cửa trước lúc 23 giờ, tạm ngưng hoạt động các công viên và sân chơi công cộng. Các cuộc tụ họp xã hội sẽ được giới hạn với quy mô 6 người.

Tây Ban Nha báo cáo số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng đột biến.
Tây Ban Nha báo cáo số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng đột biến.

"Sức khỏe của Madrid là sức khỏe của Tây Ban Nha, Madrid rất đặc biệt" - Bộ trưởng Bộ Y tế Salvador Illa phát biểu trong một cuộc họp báo để công bố các quy định mới sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới. 

Madrid hiện là điểm nóng về dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha, chiếm hơn một phần ba trong số 133.604 trường hợp nhiễm virus được chẩn đoán. Madrid trung bình ghi nhận 735 trường hợp mắc COVID-19 trên 100.000 dân, một trong những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở châu Âu.

Ấn Độ tái mở cửa trường học bất chấp số ca nhiễm tăng đột biến

Bộ Nội vụ Ấn Độ thông báo tất cả trường học, rạp chiếu phim và hồ bơi sẽ được phép mở cửa trở lại sau đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng, dù nước này vẫn đang đứng đầu toàn cầu về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19, kể từ đầu tháng 9.

Ấn Độ cho phép mở cử toàn bộ trường học trở lại.
Ấn Độ cho phép mở cửa toàn bộ trường học trở lại.

Lệnh mới ban hành cho phép toàn bộ học sinh các cấp bắt đầu đi học lại. Trước đó, chỉ có học sinh từ 14-17 tuổi được phép đến trường ở một số bang. Tuy nhiên, các lớp học trực tuyến và từ xa vẫn sẽ được khuyến khích.

Các rạp chiếu phim cũng được phép tái hoạt động với 50% công suất, trong khi các hồ bơi được sử dụng để tập luyện thể thao.

Bất chấp khuyên cáo bùng phát dịch mạnh mẽ, chính phủ Ấn Độ đã dần khởi động lại các hoạt động nhằm cứu vãn nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa đã đẩy hàng triệu người, đặc biệt là người nghèo, mất kế sinh nhai.

Ấn Độ, nơi sinh sống của hơn 1,3 tỷ người, đã ghi nhận 6,3 triệu ca mắc COVID-19 - chỉ đứng sau Hoa Kỳ - và hơn 97.000 trường hợp tử vong. 

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia tài trợ vắc-xin COVID-19

Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres cho biết đã đến lúc các quốc gia bắt đầu sử dụng ngân sách từ những kế hoạch phục hồi và ứng phó COVID-19 của họ, để tài trợ cho kế hoạch vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chương trình ACT-Accelerator và kế hoạch phân phối vắc-xin công bằng toàn cầu COVAX của WHO cho đến nay đã nhận được 3 tỷ USD, nhưng vẫn cần thêm 35 tỷ USD nữa. WHO đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm 2021, hỗ trợ điều trị cho 245 triệu người và 500 triệu bộ xét nghiệm.

"ACT-Accelerator cung cấp cách an toàn và chắc chắn duy nhất để mở cửa trở lại nền kinh tế toàn cầu nhanh nhất có thể. Nỗ lực vắc-xin của một quốc gia đơn lẻ không thể giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu và khôi phục sinh kế" - ông Guterres nói.

Tổng Thư ký cho biết thêm hiện chương trình cần được bơm ngay 15 tỷ USD nhằm "tránh mất cơ hội" cho việc mua và sản xuất trước vắc-xin, để xây dựng kho dự trữ song song với việc cấp phép, thúc đẩy nghiên cứu và giúp các nước chuẩn bị.

Ông lưu ý rằng các nước phát triển đã chi hàng nghìn tỷ USD giải quyết tác động kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng nên "chắc chắn, chúng ta có thể đầu tư một phần nhỏ trong số đó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan khắp nơi".

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI