Tây Ban Nha điều quân đội chống COVID-19, số ca nhiễm mới của Ấn Độ đứng đầu thế giới 18 ngày liên tiếp

26/08/2020 - 07:42

PNO - Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez cho biết sẽ điều 2.000 binh sĩ, giúp xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Tây Ban Nha sử dụng quân đội để kiềm chế sự lây lan dịch COVID-19

Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng cao nhiều ngày qua tại Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng cao nhiều ngày qua tại Tây Ban Nha.

Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong cuộc họp báo ngày 25/8, Tây Ban Nha sẽ kêu gọi quân đội giúp xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, như một phần của nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cụ thể, chính quyền trung ương sẽ điều 2.000 binh sĩ được đào tạo đến các khu vực, nơi chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, để hỗ trợ theo dõi các trường hợp và ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới.

"Chúng tôi thậm chí có thể tăng con số này (số binh sĩ-PV) theo yêu cầu, thông qua khóa đào tạo khẩn cấp mà chúng tôi đã lên kế hoạch" - ông Sanchez nói.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã đổ lỗi cho việc thiếu sự theo dõi các trường hợp F1, F2 đã làm gia tăng số ca mắc COVID-19, ở một số vùng của Tây Ban Nha như Madrid và Catalonia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Pedro Sanchez kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng điện thoại thông minh do chính phủ thiết kế có tên RadarCovid, ứng dụng này có thể xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus và thông báo cho họ đi xét nghiệm hoặc cách ly.

Ông cũng thông báo thêm chính quyền địa phương có thể yêu cầu chính quyền trung ương áp dụng tình trạng khẩn cấp, hạn chế việc di chuyển của người dân, trên một phần hoặc toàn bộ khu vực do mình quản lý.

Ấn Độ báo cáo số ca nhiễm mới đứng đầu thế giới 18 ngày liên tiếp

Theo thống kê của Reuters, ngày 25/8, Ấn Độ tiếp tục báo cáo số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 cao nhất toàn cầu trong ngày thứ 18 liên tiếp, vượt xa Hoa Kỳ và Brazil.

Kể từ trường hợp nhiễm virus đầu tiên được xác nhận vào cuối tháng 1, cho đến tháng 7 Ấn Độ đã ghi nhận 1,6 triệu ca nhiễm, thời kỳ chính phủ tái áp dụng các lệnh kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc mới COVID-19 không hề thuyên giảm mà tăng vọt thêm 1,5 triệu người kể từ đầu tháng 8, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên khoảng 3,1 triệu, chỉ sau Brazil và Hoa Kỳ.

Theo Bộ Y tế liên bang Ấn Độ, tỷ lệ bệnh nhân dương tính virus gia tăng nhanh chóng, tăng 60.975 ca trong 24 giờ qua. Nhưng tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức tương đối thấp 1,84% so với tỷ lệ tử vong toàn cầu là 3,4%.

“Nếu chúng tôi vượt qua số ca nhiễm ở Brazil và Hoa Kỳ, tôi cũng không ngạc nhiên.” Giridhar Babu, nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Công cộng phi lợi nhuận của Ấn Độ, nói với Reuters.

Ấn Độ đang trao đổi với Nga về vắc-xin COVID-19, Sputnik-V
Ấn Độ đang trao đổi với Nga về vắc-xin COVID-19, Sputnik-V

Bộ Y tế liên bang cũng cho biết thêm ngoại trừ một số loại vắc-xin Ấn Độ đang nghiên cứu và phát triển, chính phủ nước này cũng đang trao đổi với Nga về vắc-xin COVID-19, Sputnik-V.

WHO: Trừ Đông Nam Á và đông Địa Trung Hải, tốc độ lây lan COVID-19 chậm lại trên toàn thế giới

Đại dịch COVID-19 vẫn đang mở rộng, nhưng sự gia tăng số ca nhiễm mới và tử vong đã chậm lại trên toàn cầu, ngoại trừ Đông Nam Á và các khu vực phía đông Địa Trung Hải, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất, được phát hành ngày 25/8, WHO báo cáo châu Mỹ vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm một nửa số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận và 62% trong số 39.240 ca tử vong trên toàn thế giới trong tuần qua. Tính đến nay, toàn cầu xác nhận hơn 23,65 triệu ca nhiễm và gần 812.000 người chết.

"Hơn 1,7 triệu ca mắc mới COVID-19 và 39.000 ca tử vong được báo cáo cho WHO trong tuần qua, giảm 4% số ca nhiễm và 12% số người chết so với tuần trước."- WHO cho biết.

Tuy nhiên Đông Nam Á, báo cáo sự tăng vọt 28% số ca mắc mới và 15% trường hợp tử vong. Ấn Độ tiếp tục là quốc gia chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất châu Á, bên cạnh đó virus cũng đang lây lan nhanh chóng ở Nepal.

Trong khi đó, tại khu vực phía đông Địa Trung Hải, số ca nhiễm mới được báo cáo đã tăng 4%, nhưng số bệnh nhân tử vong đã liên tục giảm trong sáu tuần qua, WHO cho biết. Lebanon, Tunisia và Jordan là 3 nước có số trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng cao nhất so với tuần trước ở khu vực.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI