Tây Bắc - 10 năm trở lại

15/09/2024 - 07:38

PNO - Gần 10 năm, tôi mới có dịp ngồi trên xe, ngắm những cung đường như khuỷu tay áo của vùng Tây Bắc nước ta. Vẫn như lần trước, núi rừng cây cỏ, đèo dốc lướt qua đến đâu là câu ca dao ngày ngồi trên ghế nhà trường cứ ngọ ngoạy trong đầu đòi bật thành tiếng đến đó.

Trẻ em Tây Bắc
Trẻ em Tây Bắc

“Núi cao chi lắm núi ơi

Núi che mặt trời không thấy người thương”

Nhìn vào bản đồ, bạn cười cười, nói đường đi hệt như nét vẽ của trẻ mầm non lần đầu cầm bút. Với tôi, mọi so sánh liên tưởng quy về trẻ con đều thú vị. Người lớn không cần lắm những triết lý cao xa, những đúc kết nặng nề, chỉ cần nhìn và học trẻ con, sửa mình để sống là đủ đầy lành lặn lắm rồi!

Cung đường từ Cao Bằng lên Hà Giang, Lào Cai không ít người đã viết, đã chụp lại; tất thảy đều rất hay, rất đẹp.

Đứng lưng chừng Mã Pí Lèng, tôi nhìn dòng Nho Quế trong màn mưa lất phất vẫn xanh một màu, lặng lẽ bình an chảy trong lòng trái núi cao sừng sững vững chãi. Cầm chặt ly cà phê giữa cơn gió thốc mạnh, tự nhiên tôi nghĩ đến những dịu dàng tin cậy xinh đẹp của những người đàn bà sống trong những bảo bọc yêu thương. Có thác ghềnh gầm gào xấu xí nào khi sông yên tâm chảy trong lòng những che chở, bình an?

Mã Pí Lèng
Mã Pí Lèng

Tôi đứng thật lâu trước một dòng nước nhỏ vô danh, không đủ lớn để được gọi một cái tên nhưng vẫn miệt mài chảy mãi một dòng trắng trong mát lành, về tưới tắm những bản làng phố thị. Tôi nghĩ về công việc, những nản lòng, những kỳ vọng, nghịch cảnh hiện tại…

Ngâm đôi bàn tay vào dòng nước mát, sờ phiến đá đanh cứng phẳng lì mòn vẹt, bài học về sự mềm mại, sự liên tục gắng sức, sự kiên trì ngỡ thuộc lòng từ ngày nảo ngày nao bỗng hiển hiện. Chợt ngỡ ngàng nhận ra, người ta ở tuổi nào cũng cần phải được nhắc nhở. Những lời nhắc nhở từ thiên nhiên rộng lớn, kỳ thú, tự hiển hiện bằng sự trải nghiệm sẽ bền lâu và có giá trị hơn cả.

Ngước nhìn những nương ngô vắt vẻo trên mỏm núi, xanh mướt trải dọc đường đi, tôi tự hỏi người ta gieo hạt thế nào, thu hoạch ra sao. Những đèo dốc thẳng đứng đôi chân con người vẫn đi ngày vài lượt. Lại nghĩ đến những giới hạn trên đời, sự kỳ diệu của con người. Không ai, không gì là có thể không thành hiện thực. Không có giới hạn nào, trừ phi chính ta tự giới hạn bản thân.

Những khuôn mặt đàn bà

Chợ phiên Đồng Văn
Chợ phiên Đồng Văn

10 năm trở lại, tôi vẫn muốn đi tìm những khuôn mặt đàn bà sống chênh vênh trên triền núi, mịt mờ sương gió lạnh lẽo. Những người đàn bà nhỏ thó, đôi chân thoăn thoắt, một mình trên con đường vắng lặng uốn lượn, cõng ngô, cõng nước, cõng củi, luôn cài một bó đay trên tay dù đang làm việc gì. Những khuôn mặt đàn bà có ánh mắt mênh mông sau hàng rào đá…

Không nhiều những khuôn mặt rười rượi như ngày trước. 10 năm đủ để một đứa trẻ con trở thành thanh niên xinh đẹp khỏe mạnh. 10 năm đủ khiến bờ bãi hóa nương dâu. 10 năm phiên chợ Đồng Văn sáng cuối tuần vẫn dập dìu áo khăn đủ màu sắc. Vẫn còn đó những đôi chân sình lầy vấy bẩn, vẫn những chiếc gùi to đeo trên tấm lưng nhỏ, đi bộ ra từ các bản làng tối hôm trước đến tinh sương hôm sau. Mớ trái mắc cọp, vài cái măng mới hái, đụn ớt hãy còn xanh, mớ hoa bí vàng rực rỡ xúm xít bày ra bất cứ chỗ nào trống giữa chợ. Tiếng meo meo của chú mèo ốm và tiếng chân chú chó con nhỏ xíu khều khều vào rọ đợi người mua lẫn vào tiếng sáo véo von của một người đàn ông đồng bào nơi góc chợ. Những người đàn bà, đàn ông chuyền nhau chén rượu ngô thơm nồng.

Vẫn là phiên chợ vùng cao trong ký ức mà tôi tự hứa với mình sẽ đi và còn đi nhiều lần nữa. Vẫn là những người đàn bà cài bó đay trên cánh tay miệt mài xe đay trong mọi tư thế, mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, những người đàn bà đã từng níu lòng thương cảm của tôi suốt nhiều năm trước dường như đã ít nhiều rời đi. Phụ nữ vùng cao bây giờ mặc đẹp hơn, ánh mắt dạn dĩ hơn, giao tiếp thuần thục hơn. Có cả những đôi môi được tô son, tay cầm điện thoại, ngồi sau xe máy, giày xanh giày hồng. Dõi mắt nhìn xuống thung lũng hay bên sườn núi, dõi theo những ngôi nhà kín kẽ hơn, tôi nghĩ đến những khuôn mặt đàn bà cười bên bếp lửa, những bộ đồ ấm, những bữa cơm có thịt, cả những chữ viết trang sách có lẽ cũng đã hiện diện nhiều trong đó. Nghe lòng vui lạ.

Phố núi

Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn khác quá sau 10 năm. Phố đi bộ được chăm chút hơn với nhiều quầy hàng lưu niệm, quán cà phê… Bát thắng dền vẫn ngon như lần đầu tôi nếm thử. Sân khấu nhỏ ban đêm có nhạc sôi động trong ánh lửa trại bập bùng. Nhiều bạn trẻ cùng nắm tay nhảy múa. Tiếng cười, âm nhạc đã phát huy hết tác dụng của nó. Trong ánh sáng nhập nhoạng đêm phố cổ, tôi có cảm giác mình đã nhìn thấy rất rõ niềm vui, sự yêu đời mọi người mang đến cho nhau tràn ra ngoài ánh mắt nét cười, xóa nhòa màu da, hoàn cảnh, tâm trạng, giới tính… Những chuyến đi trong đời và những trải nghiệm cảm xúc thế này quả là vô giá.

Tôi đặc biệt ấn tượng với đàn bồ câu ngày 2 lượt, sáng sớm và chiều muộn, sà xuống ăn ngô, thóc ngay sân phố cổ như có hẹn. Chưa nhiều chim lắm nhưng chúng rất dạn dĩ, lông mượt mà xinh đẹp. Ngồi nhìn chúng nhởn nhơ thưởng thức bữa ăn, tôi nghĩ rồi một ngày nào đó bầy chim sẽ đông đúc hơn như những nơi mình đã từng đi qua.

Phụ nữ vùng cao
Phụ nữ vùng cao

Tôi đến Sa Pa một chiều mưa lất phất. Đi bộ một đoạn phố, thấy lung linh đèn màu với đầy ắp những bảng hiệu tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Anh. Khí hậu vừa mát để đi bộ thong thả, uống ly cà phê hay thưởng thức món gà đen hấp nóng hổi dai ngọt thơm lừng hoặc mẹt thịt heo bản nhiều món, cùng cơm lam đủ màu sắc, măng rừng, đọt su xào, quyện với vị nồng cay của nước chấm chẩm chéo trứ danh. Nghe như cuộc sống thường nhật tạm thời đã rơi đâu đó.

Nhà thờ đá rêu phong, nâu sầm sừng sững uy nghiêm như nâng đỡ linh hồn của phố núi. Đôi lần trong vài ngày lưu trú, tôi chợt nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên thân thương, yên lành lạ lùng.

Tạm biệt Tây Bắc. Ánh mắt ngơ ngác buồn thiu của cô bé gầy phong phanh manh áo mỏng, tóc hoe vàng vì đội nắng cả ngày, đeo chiếc gùi hoa trình trịch nặng đợi khách chụp ảnh mà tôi đã gặp trên đỉnh đèo cao vút vẫn cứ quấn lấy tâm trí tôi mãi.

Tạm biệt Tây Bắc với chút bâng khuâng tựa cơn mưa mùa hè giăng mắc núi rừng. Mong một ngày không xa trở lại, tôi có thể thong dong đi bộ, không giật mình vì những tiếng bóp còi, kẹt xe nghẽn đường; những mời gọi ái ngại. Mong một ngày không xa trở lại sẽ không phải nhìn thấy những ánh mắt trẻ thơ không còn thơ trẻ.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI