App taxi truyền thống đủ sức cạnh tranh
Đang lái taxi truyền thống, năm 2018, anh H.T. chuyển sang chạy taxi “công nghệ” và có được thu nhập tốt hơn. Anh T. cho biết, ưu điểm lớn nhất của xe “công nghệ” là số chuyến (cuốc) đều và ổn định. Vào các ngày cuối tuần, lễ, tết, số cuốc nhiều đến mức tài xế chạy không kịp. Hơn nữa, khi đưa khách đi, tài xế cũng có khách về chứ không phải chạy xe không.
Trước đó, lúc chạy taxi truyền thống, sau khi đưa khách đi xa, anh T. thường phải lái xe không về, chịu tốn tiền xăng. Nhiều tài xế phải tự bắt khách, may thì gặp, không may thì chịu. Theo anh T., điểm trừ lớn nhất khi chạy taxi “công nghệ” là tài xế không có quyền lợi bảo hiểm hay một số chế độ như khi chạy cho các hãng taxi truyền thống.
Tuy nhiên, sau thời gian đầu thu chiết khấu của tài xế thấp, giá cước rẻ, các hãng taxi “công nghệ” liên tục tăng tỷ lệ chiết khấu, hiện trung bình là 30%. Những tháng gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao, các chi phí bảo dưỡng, bảo trì tăng khiến giới tài xế taxi “công nghệ” bị giảm thu nhập dù thời gian chạy xe nhiều hơn. Nhiều tài xế đã dừng chạy khiến việc đặt xe của khách hàng khó hơn, giá cước cũng cao hơn.
|
Taxi truyền thống đang lấy lại thế cân bằng trong cạnh tranh với taxi “công nghệ” - Ảnh: Q.Thái |
Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh đều đã có app gọi xe. Ngoài đội ngũ tài xế của riêng mình, các hãng còn thu nạp thêm đối tác (tài xế) như cách làm của các hãng xe “công nghệ”. Giá cước cũng ổn định, đồng nhất giữa đồng hồ gắn trên xe và trên app, không biến động nhiều khi kẹt xe, giờ cao điểm.
Theo một số tài xế taxi “công nghệ”, nhiều lúc, họ phải nhận khách bên ngoài (không qua ứng dụng), nhất là khách quen, khách có nhu cầu đi tỉnh để có thu nhập tốt hơn, khỏi phải chia phần trăm cho hãng. Anh M.D. - tài xế taxi “công nghệ” - cho biết, nếu chỉ chạy trong TPHCM với cuốc vài chục ngàn đồng cho 3 - 5km thì chạy hết công suất mỗi ngày cũng chỉ thu được 1 - 2 triệu đồng, chưa trừ chi phí xăng dầu, ăn uống và chiết khấu cho hãng. Do vậy, anh vừa chạy cho hãng, vừa nhận khách hợp đồng riêng đi tỉnh.
Anh Ngô Tùng - tài xế của một hãng taxi truyền thống - cho hay, hiện nay, giá cước của các hãng taxi “công nghệ” và truyền thống cũng tương đương nhau. Taxi truyền thống hiện nay vừa có ứng dụng đặt chuyến, vừa có tổng đài. Còn về mức ăn chia, mức chiết khấu của các hãng taxi truyền thống có lợi cho tài xế hơn. Nếu có xe riêng, mức chiết khấu cho hãng là 6 - 7%; nếu chạy xe của hãng thì mức chia là 50%, mọi chi phí đều do hãng chịu.
Cục diện thị trường thay đổi
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Tổng Giám đốc Vinasun - cho biết, cục diện thị trường đang dần thay đổi. Các hãng xe “công nghệ” gần như không còn đủ sức để vung tay khuyến mãi, thực hiện các chuyến xe 0 đồng, chuyến xe giá rẻ để hút khách hàng. Trước đây, có thời điểm, toàn bộ khách hàng, tài xế của các hãng taxi truyền thống gần như chuyển hết sang taxi “công nghệ”, nhưng nay, các hãng xe “công nghệ” phải tăng thu khiến giá cước ngày càng cao, xấp xỉ với taxi truyền thống.
Theo ông, hiện mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt khách tương tác, đặt xe qua ứng dụng của Vinasun. Các hãng taxi truyền thống cũng mua thêm xe mới để phục vụ khách tốt hơn. Riêng Vinasun đang có kế hoạch mua thêm 500 xe, nâng tổng số xe của hãng này lên 3.000 chiếc vào cuối năm nay.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách liên tỉnh và du lịch TPHCM - cho rằng, lúc mới hoạt động, các hãng xe “công nghệ” ra sức chăm sóc khách hàng với hàng loạt chương trình ưu đãi như giá cước rẻ, giảm giá, tặng thêm chuyến miễn phí. Thế nhưng khi có thị phần, họ quay lại áp đặt đủ thứ phí, tăng giá cước vô tội vạ. Gần đây, các hãng xe “công nghệ” còn phụ thu tiền nắng nóng gay gắt, khiến hành khách bất bình. Do đó, việc nhiều người chọn đi taxi truyền thống trở lại là điều dễ hiểu.
Chị Hạnh Nguyên (TP.Thủ Đức) kể, khi đưa người nhà đến một bệnh viện ở Q.10 khám bệnh và đi taxi về nhà (quãng đường khoảng 12km), chị bất ngờ khi thấy giá cước taxi truyền thống thấp hơn so với taxi “công nghệ”. Cụ thể, khi tham khảo giá xe 4 chỗ trên ứng dụng của hãng xe “công nghệ” G., giá đã giảm là 326.000 đồng, giá chưa giảm là 351.000 đồng, còn giá của một hãng taxi truyền thống là 320.000 đồng.
Anh Minh Quân - nhân viên văn phòng tại Q.3 - kể: “Nhiều lúc, có việc gấp hoặc lúc trời mưa, đặt taxi “công nghệ”, tôi phải chờ 3 - 5 phút, có khi chờ gần 10 phút rồi bị hủy cuốc. Do vậy, khi có việc cần đi gấp, tôi thường bắt taxi truyền thống cho tiện”. Theo anh Minh Quân, nếu các tài xế trung thực hơn trong việc di chuyển, khắc phục được tình trạng một số tài xế cố tình chạy lòng vòng để thu cước nhiều (đối với khách trả cước theo đồng hồ) thì các hãng taxi truyền thống có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng taxi “công nghệ”.
Theo một số hành khách, việc đặt xe qua ứng dụng của một số hãng taxi truyền thống vẫn còn một số trục trặc. Chẳng hạn, khách hàng mới không thể đặt xe có điểm đón ở xa; công nghệ nhận dạng, gợi ý điểm đón của các hãng taxi truyền thống còn kém so với các hãng taxi “công nghệ”.
Doanh số các hãng taxi truyền thống tăng trở lại Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (sở hữu thương hiệu taxi Vinasun), hãng đã có quý thứ hai liên tiếp lãi. Trong quý I/2022, Vinasun ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ hơn 30 tỷ đồng. Trong quý II/2022, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinasun đạt hơn 246 tỷ đồng, tăng khoảng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 56,8 tỷ đồng. Kết quả tăng trưởng như trên là nhờ dịch bệnh đã được khống chế, các hoạt động kinh doanh và giao thương phục hồi. Bên cạnh đó, ngoài doanh thu từ vận tải hành khách, Vinasun còn đẩy mạnh các hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi, chuyển mô hình từ trực tiếp đầu tư và quản lý tài xế sang kinh doanh dưới hình thức thanh lý và bán xe trả góp cho tài xế, phát triển số đầu xe hợp tác kinh doanh. Tương tự, hãng taxi Mai Linh cũng ghi nhận các tín hiệu tích cực. Nguồn xe của hãng luôn hoạt động hết công suất. Hãng có kế hoạch tăng cường thêm số đầu xe để phục vụ khách hàng tốt hơn. Taxi Mai Linh kỳ vọng năm nay, doanh thu đạt 1.673 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng. |
Quốc Thái