Tàu thăm dò của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực Nam của mặt trăng

24/08/2023 - 01:02

PNO - Tàu thăm dò không người lái của Ấn Độ vừa hạ cánh xuống gần cực Nam chưa được khám phá của mặt trăng. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của đất nước Nam Á nhằm trở thành cường quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

 

Các nhà báo quay chương trình truyền hình trực tiếp về tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh trên mặt trăng tại cơ sở Mạng lưới chỉ huy, theo dõi và đo từ xa của ISRO ở Bengaluru, Ấn Độ,
Các phóng viên theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp về tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh trên mặt trăng tại cơ sở mạng lưới chỉ huy, theo dõi và đo đạc từ xa của ISRO ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 23/8 - Ảnh: AP

Tối 23/8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 trị giá 75 triệu USD đáp xuống mặt trăng, giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 - sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô - đặt chân lên hành tinh này, đồng thời là quốc gia đầu tiên đến được cực Nam mặt trăng.

Sứ mệnh cấp cao diễn ra vài ngày sau khi nỗ lực hạ cánh xuống cực Nam của Nga - sứ mệnh mặt trăng đầu tiên do Moscow thực hiện kể từ năm 1976 - kết thúc trong thất bại. Tàu vũ trụ Luna-25 đã mất kiểm soát và lao xuống bề mặt mặt trăng vào ngày 20/8.

Nga và Ấn Độ đang chạy đua để trở thành quốc gia đầu tiên khám phá cực Nam của mặt trăng. Các nhà khoa học cho biết khu vực này được đặc biệt quan tâm vì nó có thể chứa nước, điều này đóng vai trò rất quan trọng đối với bất kỳ tham vọng nào về việc sinh sống trên mặt trăng.

Sứ mệnh là nỗ lực thứ 2 của Ấn Độ sau khi các nhà khoa học mất liên lạc với tàu thăm dò Chandrayaan-2 trong lần hạ cánh vào năm 2019. Một tàu thám hiểm nhỏ hơn từ tàu thăm dò Chandrayaan-3 dự kiến sẽ tiến hành một loạt thí nghiệm trên bề mặt mặt trăng.

Cuộc đổ bộ không chỉ là thành tựu khoa học mà còn là sự thúc đẩy địa chính trị đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông luôn tìm cách miêu tả Ấn Độ - hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới - như một siêu cường quốc vũ trụ đang nổi lên trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.

“Đây là buổi bình minh của một Ấn Độ mới” - ông Modi nói trong một chương trình phát sóng từ Nam Phi, nơi ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS hàng năm - sau khi tàu thăm dò hạ cánh.

Ông cũng nói rằng đây là thời điểm lịch sử của nhân loại và nói thêm: “Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia ở phía Nam bán cầu, đều có khả năng đạt được những kỳ tích tương tự”.

 

Học sinh  tại một trường học ở Guwahati, Ấn Độ ăn mừng việc tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công trên mặt trăng, tại một trường học ở Guwahati, Ấn Độ, - Ảnh AP / Anupam Nath
Học sinh tại một trường học ở Guwahati, Ấn Độ ăn mừng việc tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công trên mặt trăng - Ảnh AP/Anupam Nath

Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) được thành lập vào năm 1969 và tạo dựng được danh tiếng nhờ thực hiện các chương trình chi phí thấp nhưng hiệu quả, giúp xây dựng năng lực dự báo khí tượng và viễn thông của đất nước cũng như cung cấp các công cụ phát triển hữu ích.

Ấn Độ cũng là đất nước mà lĩnh vực khám phá không gian do tư nhân thực hiện phát triển nhanh chóng và thu hút được nhiều nguồn đầu tư.

Nambi Narayanan - cựu nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu v trụ Ấn Độ - cho biết, cuộc đổ bộ là “một cột mốc quan trọng". "Nếu nó từng mang lại lợi ích cho Mỹ, Nga hay Trung Quốc, thì nó cũng sẽ mang lại cho Ấn Độ điều tương tự” - ông nói thêm.

Các dự án ngoài trái đất của Ấn Độ trở nên cấp bách hơn trong những năm gần đây khi Trung Quốc nhanh chóng phát triển chương trình không gian.

Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ lên vùng tối của mặt trăng và năm nay đã đưa 1 dân thường vào quỹ đạo quanh trái đất. Quốc gia này đang chuẩn bị cho sứ mệnh mặt trăng có người lái vào năm 2030.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng kể từ các cuộc đụng độ chết người vào năm 2020 dọc theo biên giới chung trên dãy Himalaya. Các nhà phân tích Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian như một đấu trường quân sự trong tương lai.

Tấn Vĩ (theo Financial Times, AP)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi