Tàu rút đi, nhưng còn gì ở lại?

09/08/2019 - 06:45

PNO - Trung Quốc đã rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 khỏi thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta đang tiếp tục theo dõi. Và sẽ không ngừng theo dõi...

Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi” - lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều 8/8. 

Họ đã rút. Chúng ta đang tiếp tục theo dõi. Và sẽ không ngừng theo dõi, trong tâm thế “Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp… Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”. 

Cũng vào ngày này, cách nay một tháng, 8/7, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới được tổ chức ở Bắc Kinh: “Các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm của mình và nêu gương cho nước khác, đóng góp nhiều hơn vào hòa bình và ổn định của thế giới”. Cũng theo ông Vương, thế giới cần Trung Quốc như Trung Quốc cần thế giới. 

Mà một trong những trách nhiệm cần “nêu gương cho nước khác” của một quốc gia, tôi nghĩ là phải thật sự tôn trọng, tôn trọng thực chất chủ quyền của quốc gia khác; là không xâm phạm chủ quyền của nước khác. Hòa bình và ổn định của thế giới sẽ chỉ được thiết lập, duy trì trên nền tảng sự ổn định, hòa bình của chính từng quốc gia, khu vực cho đến toàn cầu, từ thực địa đến phát ngôn chính trị - ngoại giao phải thống nhất, bất biến. 

Hơn nữa, cái “cần nhau” của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phải được xác lập, tuân thủ, bảo vệ trong thế cân bằng (giữa hai quốc gia) và công bằng (trước pháp luật quốc tế), chứ không thể xoay trục theo thứ chủ nghĩa ngạo mạn “dĩ Hoa vi trung” (lấy Trung Quốc làm trung tâm - Sinocentrisme) để tiến tới, đạt bằng được cái chủ nghĩa “bình thiên hạ” (universalisme). 

Cũng chiều 8/8, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm về việc Trung Quốc sắp phát hành bộ sách giáo khoa dành cho bậc phổ thông, trong đó có chứa những thông tin sai lệch về chủ quyền của nước này trên Biển Đông, cho rằng các khu vực như quần đảo Điếu Ngư, biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại. 

Thế đấy, tôi không biết họ sẽ trích lục từ đâu, trên căn cứ khoa học nào cái gọi là “lịch sử chủ quyền cổ đại”, sẽ dạy điều gì cho trẻ con Trung Quốc hiện nay, là người lớn Trung Quốc sau này về cái nằm ngoài vĩ tuyến 18 độ phía Bắc, nơi giới hạn cương vực phía đông nam Trung Quốc do chính tổ tiên họ xác lập là chấm dứt tại vùng đảo Hải Nam. 

Khổng Tử đã chẳng dạy rằng “nếu không thể học tập hành vi và việc làm của người quân tử thì cho dù là người ngay bên cạnh cũng không thể ở cùng”, sách vở không dựa trên căn bản sự thật, lịch sử, khoa học, pháp lý thì cái sở học ấy, ai đủ tư cách để truyền thụ, giáo huấn cho ai. 

Trong châu bản đề ngày 22 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), có thuật lại việc dân phu Phạm Văn Sênh vâng mệnh triều đình đi công vụ ở Hoàng Sa cùng 19 thuyền viên khác. Công việc khảo sát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa thì thành nhưng do kê khai thừa ra một người, dẫn tới số tiền ban thưởng dư ra một ít bạc. Dân phu họ Phạm trình tấu lên bộ Binh, Nội vụ kiểm tra thì quả đúng, có sơ suất kê khai thừa một người nhưng số bạc dư vẫn còn nguyên, không ai tư tệ. Ấy vậy mà vẫn bị phạt tội. 
Để thấy, sách vở xứ này chưa kịp ấn loát, khảo dạy cho con trẻ. Nhưng cái thực tâm và công chính để làm công việc chính nghĩa thì rõ tự ngàn xưa, chứ nào đợi đến 200 năm trong bút mực châu bản ghi lại ấy. 

Tàu rút đi, nhưng còn gì ở lại? 
Câu hỏi từ biển, nhưng vọng về đất liền… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI