edf40wrjww2tblPage:Content
Buổi tối, người dân mặc “áo mưa” cho ngựa thồ đỡ lạnh
Người dân xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đua nhau sắm ngựa thồ với tổng đàn ngựa hiện gần 100 con. Ngựa thồ góp phần trải dài màu xanh dự án.
Thồ cây phủ màu xanh lên núi trọc
Trời mưa nặng hạt, nhưng mờ sáng, anh Nguyễn Tấn Long đã ra chỗ đám đất trống trước Chi nhánh Tông ty xây dựng 3/2, ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) tháo tấm bạt quấn trên lưng ngựa rồi cho 3 con ngựa thồ “xuất bến”. Anh Long giải thích: “Nay là mùa mưa nên buổi tối, phải mặc áo mưa cho ngựa đỡ lạnh”.
Tại vườn ươm xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, người trồng rừng chất cây giống lên lưng cho ngựa thồ lên núi
Trên đường đi, anh Long cho hay, quê ở xã Xuân Lãnh, anh dắt ngựa qua đây thồ mướn cây keo giống. Đường từ đây về nhà xa nên tối anh ngủ ké nhà người quen trong xóm, dùng sợi dây dài buộc ngựa vào cọc trên đám cỏ. Ban đêm, lúc thức giấc, ngựa tranh thủ ăn cỏ.
Anh ghé vào vườn ươm chất cây giống lên giỏ cần xé đeo hai bên hông ngựa. Con ngựa thồ đi qua vùng gò đồi rộng lớn, tiếp tục leo lên dốc Sương Trắng rồi chuồi xuống Lỗ Chảo, qua đến vùng 13, giáp ranh xã An Nghiệp (huyện Tuy An). Tại đây, một tốp người dàn hàng ngang đang hì hục trồng rừng.
Nhẹ tay bưng cây giống trên lưng ngựa xuống, sắp lớp lang bên gốc cây to, anh Long cười nói: “Ở đây, nhiều hộ gia đình tham gia trồng rừng Flitch. Chỗ đất triền và gần phía ngoài dốc, người dân quanh vùng dùng xe gắn máy vận chuyển “ăn” hết rồi, còn lại chỗ xa trong này vượt lên dốc dựng đứng mới “để phần” lại cho hộ có ngựa”.
Cho ngựa "xuất bến", thồ cây giống vào rừng
Buổi chiều, tại một vườn ươm cây giống ở thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, ngựa thồ lớp ra lớp vào. Ông Nguyễn Văn Phúc, một nài ngựa đang chất cây keo giống lên giỏ cần xé cho hay, thồ một cây giống lên đến nơi là 1.500 đồng, sức ngựa một chuyến thồ cỡ 100 cây, trong đó có kèm theo “nồi đất” (túi ni lon chứa đất ươm cây giống), một ngày đi 2 chuyến là cùng. Công thồ phân 10.000 đồng/bao.
“Ban đầu, ham tiền, tui cho ngựa thồ thiếu điều cong lưng, tối đó ngựa chỉ ăn lẻm thẻm, nghỉ 2 ngày, ngựa mới lại sức. Về sau, tuỳ theo đường đèo dốc, tui cho ngựa thồ đúng tải để còn làm ăn lâu dài”- ông Phúc kể.
Điểm tập kết cây giống để lên làng Đồng, xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân)
Chiều, mặt trời còn ló cây sào, ông Võ Văn Tiên dắt cùng lúc 3 con ngựa về chuồng bỏ cỏ cho ngựa ăn. Ông Tiên cho biết, ngựa ông gần tháng nay “nằm rừng” thồ cây ở xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), cách nhà (xã Xuân Lãnh) 40 cây số.
Đi làm ăn xa nên phải mang theo thức ăn cho ngựa. Ngày thường cắt cỏ bỏ trong cái xô nước, ngựa vừa ăn cỏ vừa uống; còn lúc ngựa thồ thì cho ăn “sang” hơn, mỗi lần ăn bỏ thêm đường đen (đường trầm) và ít muối vào xô nước. Muối giúp ngựa giữ nước trong cơ thể, còn đường đen “tăng lực”, ngựa nó “hảo” nước đường lắm!
“Sáng nào cũng vậy, cơm nước xong, tôi chất cây giống, phân lên giỏ cần xé trên lưng ngựa đâu vào đó rồi nối dây dắt 3 con ngựa trườn lên dốc tập kết trên rẫy, lại chuồi xuống, cứ thế một ngày trung bình kiếm gần 1 triệu đồng cả sức người, sức ngựa”- ông Tiên nói.
Vợ chồng chị La Mô Thị Xinh trồng rừng Flitch
Một con ngựa thồ hiện nay được mua với giá 20 triệu đồng (ngựa đực), 22 triệu (ngựa cái). Ngựa cái thồ yếu nhưng nhiều người thích sắm vì “dễ dạy” hơn; ngựa đực thồ mạnh nhưng khi ra đường, thấy ngựa cái thì lao đến, chủ ghì cương lại thì nó “hung hăng” với chủ.
Ông Trịnh Minh Thái, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh kể về “lịch sử” đàn ngựa thồ của xã: khi dự án Flitch triển khai, ban đầu chỉ một hộ sắm cặp ngựa thồ phục vụ việc trồng rừng của gia đình, sau đó đi thồ mướn cho nhiều người quanh vùng. Thấy làm ăn có tiền nên nhiều người đua nhau sắm ngựa. Trai gái mới lập gia đình ra ăn riêng, sắm tài sản trong nhà là ngựa, có nhà sắm đến 4 con ngựa thồ. Nhiều người “tiếp thị” ngựa thồ cho số điện thoại khắp nơi, ai cần gọi là đi thồ.
Chiều tối, người dân dắt ngựa thồ về
Trồng rừng đếm đô-la
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống người dân vùng Tây Nguyên (Flitch) do Bộ NN- PTNT quản lý, được triển khai trực tiếp trên 60 xã của 22 huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên, với tổng diện tích hơn 1 triệu ha. Tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD (phần lớn từ nguồn vốn vay của ADB). Dự án bao gồm 4 hợp phần: đầu tư phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; cải thiện sinh kế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng; xây dựng năng lực và công tác quản lý dự án. Triển khai từ năm 2009, dự án kết thúc tháng 12/2014. |
Ông Huỳnh Pô Pin, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Flitch huyện Đồng Xuân cho biết, người dân tham gia trồng rừng được dự án hỗ trợ 500 USD/ha (tương đương 10,5 triệu đồng). Số tiền trên dùng đầu tư mua cây giống, phân bón, còn lại là công chăm sóc. Theo quy trình, mỗi héc ta trồng 2.000 cây và rải 1 tấn phân vi sinh.
Cũng theo ông Pin, chỉ tính riêng mùa mưa năm 2014, toàn huyện Đồng Xuân trồng 1.733ha rừng. Trong đó, các xã Xuân Lãnh “thủ phủ” ngựa thồ trồng cao nhất: 708ha; tiếp đến là xã Xuân Quang 1 trồng trên 600ha, Xuân Quang 2 trồng gần 132ha, Phú Mỡ trồng trên 104ha, Xuân Quang 3 trồng trên 97,6ha, Xuân Phước trồng 90,6ha…
Từ khi triển khai (năm 2009) đến nay, dự án Flitch đã đầu tư cho việc trồng rừng sản xuất, cải tạo vườn hộ, quản lý bảo vệ trên 3.200ha rừng.
“Từ trước đến nay, người dân trồng rừng thuộc dự án Flitch chủ yếu nhờ sức ngựa”- ông Pin khẳng định.
Năm 2009, anh Ka Pa Út - dân tộc Chăm H’ Roi ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 - trồng 1,2ha keo lai, sau khi bỏ túi số đô-la từ dự án hỗ trợ, đến nay rừng cây anh trồng phát triển tốt, có người hỏi mua 85 triệu đồng nhưng anh không bán. “Tôi tính để ráng 2 năm nữa bán kiếm 100 triệu đồng luôn thể”- anh Út nói.
Nếu như trước đây, chiều tối, nhiều người đàn ông trong xóm rủ nhau ngồi uống nước trà trước hiên nhà bàn chuyện đồng áng thì nay tập trung bàn chuyện trồng rừng kinh tế. Ngồi bên hiên, ông Nguyễn Phi Long, ở xã Xuân Quang 3 chỉ cái nón còn để ngửa trước thềm nói: “Tôi mới đi trồng rừng về. Mùa mưa tận dụng công nhàn rỗi trong gia đình dỡ cơm lên rẫy ở lại luôn trên núi trồng rừng. Cây giống thuê ngựa vận chuyển. Lấy đó đắp đó, nhận tiền đô trả công cho ngựa thồ”.
Màu xanh trải dài cùng dấu chân ngựa thồ.
Từ xã Xuân Quang 3, chúng tôi vượt qua 60 cây số lên trên một rẫy cao trên đỉnh làng Đồng, xã Phú Mỡ. Vợ chồng chị La Mô Thi Xinh đang trồng cây giống khoe: “Năm nay tôi trồng 3ha rừng Flitch. Trước đây vùng đồi núi này là rẫy sắn bắp, ăn mấy mùa rồi giờ trồng lại rừng”.
Ông Huỳnh Pô Pin, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Flitch huyện Đồng Xuân: “Năm nay, sau khi trồng rừng một tháng, Ban quản lý dự án nghiệm thu số lượng cây sống đạt theo yêu cầu thì tạm ứng 50%, rồi đến mùa mưa năm sau (2015), nghiệm thu lần nữa, cây phát triển tốt, người trồng nhận đủ. Còn thời gian trước, 1 năm trồng 3 năm chăm sóc, khi cán bộ dự án nghiệm thu đạt thì mới rót vốn. Rừng Flitch ở đây chủ yếu trồng trên rẫy cũ”. |
Trên đường “xuống núi”, chúng tôi ghé UBND xã Xuân Quang 1. Tại đây nhiều người dân đến hội trường UBND xã nhận tiền từ dự án Flitch.
Ngồi đếm số tiền được nhận 10 triệu đồng ông Nguyễn Thanh Bầu - một người tham gia dự án khoe: “Tôi trồng cây đầu mùa mưa, qua một tháng, lứa cây sống 100%, được cán bộ kỹ thuật của dự án đến hiện trường nghiệm thu đạt theo yêu cầu. Hôm na,y dự án thông báo giải ngân, tôi đến nhận tiền”.
Phía dưới hội trường và ngoài tiền sảnh, nhiều người trồng rừng Flitch nét mặt rạng ngời, chạo rạo chờ đến lượt nhận tiền.
Từ xã Xuân Quang 1 về lại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhìn lên phía trên núi cao, màu xanh rừng Flitch trải dài tới đỉnh.
LA HAI