PNO - Tại sao các toa tàu chưa được đưa vào vận hành chính thức lại bị xịt sơn, vẽ bậy khi đáng lẽ ra một công trình trọng điểm quốc gia sẽ được bảo vệ chặt chẽ?
Lúc 4g30 ngày 30/4, toa tàu của đoàn tàu số 3, thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình bị vẽ bậy với các hình sơn dạng graffiti.
Clip: Công an vào cuộc vụ vẽ bậy lên tàu Metro
Hiện, nhà thầu HTC đã dùng dung môi để tẩy rửa và đến sáng sớm ngày 2/5 đã khắc phục hoàn toàn các toa tàu bị vẽ bậy, các đoàn tàu trở lại nguyên trạng ban đầu. Công an TP Thủ Đức cũng đã vào cuộc điều tra.
Đoàn tàu số 3 được phát hiện bị vẽ bậy
Điều mà nhiều người vẫn thắc mắc là, đây không phải lần đầu tiên các toa tàu Metro bị vẽ bậy, vậy tại sao nó lại tiếp tục xảy ra. Trước đó, vào ngày 11/6/2022, tại depot Long Bình, ít nhất 2 toa tàu metro số 1 cũng bị vẽ bậy trên thân tàu và phần đầu toa tàu, các hình vẽ kích thước lớn, màu sắc sặc sỡ.
Mỗi lần các toa tàu bị vẽ bậy, là mỗi lần nhà thầu lại tìm giải pháp tẩy xóa, làm sạch. Chẳng lẽ không có biện pháp nào ngăn chặn, bảo vệ mà cứ phải chạy theo để khắc phục hậu quả sau mỗi lần kẻ xấu “ra tay” phá hoại.
2 toa tàu của đoàn tàu Metro số 1 bị vẽ bậy ngày 11/6/2022
Và, tại sao các toa tàu chưa được đưa vào vận hành chính thức, lại bị xịt sơn, vẽ bậy khi đáng lẽ ra một công trình trọng điểm quốc gia sẽ được bảo vệ chặt chẽ? Trách nhiệm của nhà thầu ở đâu, lực lượng bảo vệ làm gì khi những kẻ xấu “đột nhập”? Ngoài việc vẽ bậy lên công trình, liệu kẻ xấu có thực hiện thêm hành vi phá hoại nào nữa hay không? Những người vẽ graffiti có thể vào đây, thì những kẻ trộm cắp cũng có thể vào được lắm chứ?
Vụ việc vẽ bậy cứ xảy ra, và các đơn vị chịu trách nhiệm lại tốn kém tiền bạc, công sức để xử lý các vết sơn này trong khi việc cần làm là bảo vệ công trình nghiêm ngặt.
Hành vi vẽ bậy có thể coi là hành vi cố ý phá hoại tài sản người khác, vậy, tại sao đến bây giờ, những kẻ vẽ bậy vẫn chưa bị xử lý, chưa phải chịu bất cứ trách nhiệm nào?
Vẽ graffiti trên phương tiện công cộng là vấn nạn tại nhiều nước trên thế giới. Hiện một số nước xem hành vi này là phá hoại môi trường văn hóa và những kẻ phá hoại có thể bị phạt tiền, thậm chí ngồi tù.
Người thực hiện hành vi vẽ bậy ở Anh có thể chịu mức tiền phạt 7.375USD và 6 tháng tù. Ở bang California (Mỹ), người thực hiện hành vi này có thể lãnh án 1 năm tù giam nếu gây thiệt hại trên 50.000 USD. Tại Singapore, người làm bẩn ga tàu có thể bị phạt 1.471 USD, 3 năm tù giam và bị đánh 8 roi.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.