Tàu chiến Trung Quốc sang Úc thu gom... sữa

10/06/2019 - 08:10

PNO - Từ bê bối sữa nhiễm bẩn ở Trung Quốc đến nay, các nhà sản xuất sữa công thức nước này mất hẳn thế chủ động, vì hầu hết người dân chỉ tin vào sản phẩm sữa ngoại nhập.

Khi ba tàu chiến của Trung Quốc, gồm tàu đổ bộ hạng nặng Kunlun Shan, tàu tiếp vận hậu cần Louma Hu và tàu hộ vệ tên lửa Xuchang tiến vào cảng Sydney của Úc, chẳng ai, kể cả thủ hiến bang New South Wales - Gladys Berejiklian biết chuyện gì đang xảy ra. Sự thật là, họ đến để… thu gom sữa. 

Tau chien Trung Quoc sang Uc thu gom... sua
Các sản phẩm sữa từ Úc được chuyển lên tàu chiến, mang về của Trung Quốc

Ngoài các mặt hàng nhu yếu phẩm, phần lớn sản phẩm chất lên các tàu chiến là sữa công thức như A2 Platinum và Aptamil. Nhiệm vụ đặc biệt này khiến nhiều người bất ngờ. Từ bê bối sữa nhiễm bẩn ở Trung Quốc đến nay, các nhà sản xuất sữa công thức nước này mất hẳn thế chủ động, vì hầu hết người dân chỉ tin vào sản phẩm sữa ngoại nhập; nguồn chính từ Úc hoặc New Zealand.

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang đã ảnh hưởng đến lượng sữa Trung Quốc nhập từ Úc và New Zealand. Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực cơ cấu lại quy trình sản xuất các mặt hàng trong nước, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, để người dân không phải tìm kiếm nguồn hàng bên ngoài.

Đầu tháng Sáu này, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc có kế hoạch đẩy mạnh thị phần sữa công thức trong nước, do các công ty sữa nội địa sản xuất, lên 60%, trong nỗ lực cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có giành được niềm tin của khách hàng trong bối cảnh hơn 10 năm nay, người tiêu dùng đã hình thành thói quen dùng sữa ngoại?

Sữa từ Úc và New Zealand luôn trong tình trạng khan hiếm. Lực lượng buôn hàng xách tay vẫn hoạt động vô cùng sôi nổi ở Trung Quốc. Ám ảnh về vụ sữa nhiễm melamine khiến 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ bị ảnh hưởng đã ghim sâu vào ý thức của người tiêu dùng Trung Quốc về rủi ro sức khỏe mà họ không thể lường trước được.

Tháng 6/2008, bác sĩ tiết niệu Zhang Wei, chỉ trong 10 ngày, đã nhận đến 4 trường hợp trẻ gặp tổn hại về thận, thậm chí có bé chỉ mới 10 tháng tuổi. Tình trạng này cực kỳ hiếm gặp ở những đứa trẻ. Bác sĩ Zhang mơ hồ nhận ra điều bất thường và con số bệnh nhi sẽ không dừng lại ở đó.

Quả đúng như vậy, thảm họa kinh hoàng đã ập xuống với hàng trăm ngàn trẻ khác và có 6 trẻ đã không qua khỏi. Trong số 109 công ty bị điều tra, cơ quan chức năng kết luận, 22 công ty có liên quan đến vụ bê bối, trong đó có cả Yili, Sanlu - các công ty sữa quốc doanh của Trung Quốc. Yili cũng là đơn vị cung cấp sữa chính thức cho sự kiện Olympic Bắc Kinh.

Hơn 100 luật sư đã tình nguyện đứng ra giúp thân chủ là người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi sử dụng sữa nhiễm độc, nhưng chính quyền Trung Quốc từ chối xem xét từng trường hợp cụ thể.

Chủ tịch Sanlu đã bị tuyên án tù chung thân vì hành vi vô trách nhiệm, không ngăn chặn việc sản xuất và bán sản phẩm sữa nhiễm độc ra thị trường, dù bản thân đã biết sữa có chất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều cá nhân khác bị phạt từ 5-15 năm tù. Cuối năm 2009, hai cá nhân liên quan đến vụ bê bối này đã bị tử hình và đây cũng chính là thời điểm Sanlu tuyên bố phá sản.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI