Theo thông cáo đăng trên website, lực lượng hải quân Mỹ thừa nhận hoạt động của hai tàu trên gần khu vực khoan thăm dò đáy biển của tàu West Capella, do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) thuê vận hành.
Trước đó vào ngày 21/4, Hải quân Mỹ đã cho tàu tấn công đổ bộ USS America và tuần dương hạm USS Bunker Hill hoạt động ở Biển Đông sau khi có thông tin nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia, gần khu vực thăm dò của tàu West Capella.
Trong thông cáo, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương John Aquilino nhấn mạnh Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác để "chống lại tình trạng bắt nạt và phản đối những yêu sách phi pháp đối với vùng biển và nguồn tài nguyên quốc tế" từ phía Trung Quốc.
Riêng chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm tấn công viễn chinh 7 thuộc hải quân Mỹ, tuyên bố: “Các lực lượng của chúng tôi triển khai máy bay, tàu chiến ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và các quy tắc trên biển, thể hiện khả năng bao quát của hải quân Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
|
Tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery của Mỹ hoạt động tại khu vực tàu khoan West Capella của Malaysia hoạt động - Ảnh: US Navy |
Vấn đề căng thẳng xung quanh West Capella – tàu khoan thăm dò do hãng Seadrill điều hành và ký hợp đồng với NOC Petronas của Malaysia, bắt đầu từ tháng 12/2019. Nhưng tình hình đã leo thang đáng kể khi tàu khảo sát Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống của nó đến quấy rối vào giữa tháng 4/2020.
West Capella tiến hành khoan thăm dò ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia tại hai khu vực Arapaima-1 trong Block ND1 và Lala-1 trong Block ND2. Tàu dường như đã hoàn thành nhiệm vụ tại Arapaima-1 và có mặt tại Lala-1 kể từ ngày 6/3 theo dữ liệu báo cáo từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI).
Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc đã liên tục quấy rối giàn khoan và tàu tiếp tế trong suốt tháng 3 và đầu tháng 4. Đáp lại, các tàu hải quân và thực thi pháp luật của Malaysia thường xuyên tuần tra trong khu vực để bảo vệ hoạt động của giàn khoan.
Tình hình leo thang khi tàu khảo sát nhà nước Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 đến khu vực nơi West Capella đang hoạt động, gần rìa ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Malaysia. Vùng biển ở khu vực này cũng bị Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền thông qua yêu sách "đường chín đoạn".
Thậm chí kể từ giữa tháng 4, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng đoàn hộ tống gồm nhiều tàu bảo vệ bờ biển và dân quân đã tích cực khảo sát một dải của thềm lục địa Malaysia gần West Capella. Đường đi của nó cũng xâm phạm vùng biển Brunei hoặc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Nhưng hoạt động quấy rối chủ yếu nằm trong vùng EEZ 200 hải lý của Malaysia.
Trước tình hình đó, tàu hải quân Mỹ và một tàu hải quân Úc tiếp cận khu vực West Capella vào ngày 18/4. Nhưng phía Malaysia dường như có những cảm xúc lẫn lộn về sự xuất hiện không mong muốn của các tàu hải quân Mỹ và Úc.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammunddin Hussein đã đưa ra tuyên bố của riêng mình, khẳng định cam kết của Malaysia về bảo vệ lợi ích và quyền lợi quốc gia ở Biển Đông.
Có lẽ bởi sự hiện diện của tàu chiến và tàu hải quân các nước ở Biển Đông dễ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Trong vòng vài ngày, khi không có sự cố nào khác, USS America cùng các tàu hộ tống và tàu chiến Úc lặng lẽ rời khỏi khu vực. Các tàu chiến của Trung Quốc cũng rút lui gần như cùng lúc.
|
Tàu khoan thăm dò West Capella của Seadrill đang thực hiện nhiệm vụ do NOC Petronas Malaysia vận hành |
Cuối cùng, không thể nói chính xác thời điểm và cách thức cuộc đối đầu này sẽ kết thúc, nhưng kinh nghiệm Việt Nam với mối đe dọa tương tự năm 2019 đưa ra gợi ý rằng Haiyang Dizhi 8 và đội hộ tống sẽ chỉ ngừng hoạt động khi West Capella rút lui, như cách Bắc Kinh đã làm khi giàn khoan Hakuryu-5 - ký hợp đồng với công ty khai thác dầu Rosneft (Nga) - kết thúc công việc ở Việt Nam vào tháng 10/2019.
Tài liệu từ Seadrill cho thấy Petronas ký hợp đồng thuê West Capella đến tháng 5/2020, điều đó có nghĩa là căng thẳng sẽ lắng xuống trong tháng tới hoặc thời gian gần. Tuy vậy, chừng nào tàu Trung Quốc còn hiện diện trong khu vực, sẽ có những rủi ro đáng kể về một vụ va chạm vô tình làm leo thang xung đột.
Euan Graham, Giám đốc, An ninh quốc tế tại Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), nhận định: “Mục tiêu rõ ràng của Bắc Kinh là đe dọa và phá vỡ hoạt động thăm dò của Malaysia, buộc họ và các quốc gia duyên hải Đông Nam Á khác chấp nhận phát triển chung với Trung Quốc.
Một khi West Capella hoàn thành đợt khoan thăm dò hiện tại, Malaysia hoàn toàn có thể chấp nhận phát triển năng lượng ngoài khơi chung theo các điều khoản của Trung Quốc".
Điều này có thể xảy ra, vì các nhà đầu tư dầu khí ít có khả năng chi trả kinh phí cho công việc thăm dò và phát triển trong tương lai ở vùng biển biến động với rủi ro địa chính trị gia tăng.
Điều quan trọng, một khi Petronas kết thúc việc khoan thăm dò tại khu vực Lala-1, các chính phủ và nhà khai thác thương mại Đông Nam Á sẽ phải nắm bắt thực tế rằng việc khai thác dầu khí mới ở bất cứ đâu trên Biển Đông - mà không có sự cho phép của Bắc Kinh - có thể sẽ phải đối mặt mức độ đe dọa tương tự.
Tấn Vĩ Tổng hợp