Ngày 19/7, ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay trong hôm nay, chuyến hàng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang là thực phẩm, rau củ quả sẽ được chuyển đến TPHCM bằng tàu cao tốc.
“Việc dùng tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu là do Sở GT-VT TPHCM đề xuất và được sự thống nhất của Bộ GT-VT và UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long”, ông Bon nói.
Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh đường thủy) từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức được triển khai. Hàng hóa thiết yếu sẽ được vận chuyển từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại bằng tàu cao tốc, với sức chở trung bình khoảng 20 tấn/chuyến.
|
Khẩn trương vận chuyển hàng rau củ quả lên tàu cao tốc trưa 19/7 để kịp thời chuyển đến TPHCM |
Theo ông Bon, việc vận chuyển theo phương án trên trước mắt chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu tính toán lại, việc vận chuyển này có hiệu quả thì các tỉnh sẽ xem xét tổ chức lại.
Theo phương án dự thảo trước đó, tàu cao tốc sẽ vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư thiết bị y tế từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến TPHCM và ngược lại.
Cụ thể, tàu cao tốc sẽ vận chuyển hàng hóa đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng - TPHCM và ngược lại. Thời gian tàu hoạt động từ 6g đến 19g hằng ngày.
Về chi phí vận chuyển, Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP sẽ thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa, với chi phí phù hợp (đảm bảo bình ổn giá).
Sau thời gian hoạt động ổn định, đơn vị sẽ xem xét điều chỉnh thời gian hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả khai thác.
|
Khoảng 20 tấn rau củ quả đầu tiên từ miền Tây đã lên đường đến TPHCM bằng tàu cao tốc |
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện sẽ từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh miền Tây đi thẳng về bến Bạch Đằng - TPHCM, không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa, phương tiện sẽ được phun khử khuẩn.
Trước đó, trưa ngày 18/7, các sở, ngành của TPHCM và các tỉnh miền Tây đã có cuộc họp trực tuyến, bàn bạc về phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Theo đó, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… tại Tiền Giang sẽ đặt ở bến phà Rạch Miễu tạm (xã Song Thuận, huyện Châu Thành).
Đại diện Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP cho biết, hiện đơn vị đã chuẩn bị 5 tàu cao tốc để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Tây đi TPHCM và ngược lại. Hiện công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng đi vào hoạt động. Tùy theo nhu cầu thực tế, công ty sẽ điều các tàu cao tốc từ TPHCM xuống các tỉnh miền Tây để vận chuyển hàng hóa.
Trưa 19/7, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM về những vấn đề có liên quan, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quang Khải cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi Sở Công thương và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng phối hợp triển khai việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu cao tốc.
"Cái chính yếu là do Sở Công thương hai địa phương TPHCM và Vĩnh Long chủ động, liên hệ các đầu mối, nguồn hàng, số lượng cung - cầu… và khả năng đáp ứng được bao nhiêu. Ngay khi có số lượng cụ thể, chúng tôi sẽ liên hệ Sở GT-VT TPHCM cung cấp vị trí, địa điểm, thời gian vận chuyển…", ông Khải nói.
Cùng thời điểm, ông Phạm Tứ Phương - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long thông tin, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Công thương 19 tỉnh thành phía Nam đã có nhóm thông tin chỉ huy chung, kịp thời thông tin hàng giờ. Địa phương, xã phường nào, nơi nào thiếu mặt hàng gì, nơi nào thừa mặt hàng gì sẽ được thông báo kịp thời trên nhóm để kết nối.
Theo đó, Sở Công thương triển khai một bộ phận, phân công một phó giám đốc chịu trách nhiệm cung ứng, nắm tình hình chung của các địa phương, liên hệ với các hợp tác xã, nơi nào cần đặt hàng gì trên group chỉ huy chung thì mình cung ứng.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, có thể nói sau khi công bố luồng xanh, các mặt hàng rau củ quả vận chuyển bằng xe tải 5 - 7 tấn đi rất nhanh, thuận tiện. Hiện các chợ đầu mối - kênh phân phối cho tỉnh hay thành phố - hoạt động chưa ổn định.
“Chợ đầu mối mà chưa hoạt động thì rất khó khăn cho việc cung ứng hàng hóa. Cũng vừa có yêu cầu TPHCM mở cửa các chợ đầu mối, chứ đóng cửa thì tê liệt không thể nào đáp ứng được. Ví dụ, chợ đầu mối Vĩnh Long hàng đêm đều có phiên trao đổi để cung ứng hàng hóa cho các huyện, thị. Các bạn hàng bán sỉ với nhau cung ứng rất là nhanh. Nếu có một chợ bị đóng cửa để phòng dịch thì nguồn hàng biết đâu mà tìm, nếu có cũng nhỏ lẻ. Thông qua chợ đầu mối, nguồn hàng dồi dào mới đáp ứng được”, ông Phương nhấn mạnh.
"Hiện Sở Công thương cũng đã xin phép mấy chục xe tải vận chuyển, hàng hóa cần là đáp ứng liền. Vận chuyển đường thủy thì cũng đã triển khai hoạt động rồi, chủ yếu là các hàng hóa kích thước lớn, hàng cồng kềnh, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là đường bộ", ông Phương cho biết thêm.
Đông Phong