Tất tả lo cái ăn mùa dịch

08/07/2021 - 09:31

PNO - Trong dòng người chen chúc mua thực phẩm ấy, đa phần phụ nữ. Nội tướng của các căn bếp đang lăn xả vì gia đình.

Chưa bao giờ người Sài Gòn buồn lo nhiều như thời gian này. Có người đang đi làm, hay đơn giản đi giải quyết công việc đâu đó chừng ba mươi phút, hoặc đi mua đồ ăn, về tới ngõ là ngỡ ngàng trước hàng rào giăng dây phong tỏa.

Nơi chị ở, một phường rộng lớn với mấy chục ngàn nhân khẩu, nằm sát khu công nghệ cao (nơi có một công ty bất ngờ nổi tiếng vì 200 ca nhiễm) bị phong tỏa đầu tuần này.

Một người giúp việc nhận cơm từ thiện do mất việc mùa dịch - Ảnh minh họa
Một người giúp việc nhận cơm từ thiện do mất việc mùa dịch - Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet

Công văn thông báo khẩn khiến nhiều người không kịp trở tay. Lý do của việc phong tỏa được hiểu là do có nhiều công nhân trong khu công nghệ cao thuê trọ trong phường. Phường mới cho dân xét nghiệm COVID-19 hôm đầu tháng đây thôi. Những lo âu bắt đầu hiện rõ khi mà cái kết quả của lần “chọc ngoáy” dù âm tính vẫn chẳng nói lên được gì.

Chị chưa chuẩn bị gì, ngoài mấy gói mì, thùng gạo lúc nào cũng đầy và vỉ trứng gà, trứng vịt. Chồng mất, chị đi giúp việc nhà theo giờ, hết nhà này đến nhà kia, hai đứa con lại vụng về nên hầu như mấy mẹ con chỉ mua đồ ăn sẵn. Từ hồi thành phố giãn cách, các quán ăn cũng đóng cửa dần, chị luyện các con thói quen nấu cơm nhà.

Vừa rồi, một vài nhà đã ngưng gọi chị đến làm, họ sợ sự tiếp xúc. Tiền lương giảm hơn một nửa. Trước giờ phong tỏa, chị chỉ kịp dúi vào tay con lớn vài trăm nghìn, để các con “ăn ké” bà nội ít bữa. Rồi chị tất tả xếp vài bộ đồ vào ba lô, chạy sang nhà má ruột ở phường khác cách mấy cây số tá túc.

Xa con, xa nhà lúc này là không đành. Nhưng nếu chị ở lại, không ra ngoài được, đồng nghĩa không đi làm được, mấy mẹ con lấy gì sống những ngày kế tiếp? Chưa kể vài tháng nữa vào năm học mới, bao thứ phải lo...

Sáng nay, tạm gác nỗi nhớ nhà, chị ra đường sớm, đi làm. Con đường buổi sáng bình thường khá vắng, nay mới 6 giờ đã thấy đâu đó vài nhóm người xúm đông.

Này hàng rau, khúc kia hàng thịt, kia nữa là mấy thau cá. Nhóm người tất tả nhưng thậm thò thậm thụt, mua lẹ, bán nhanh, giải tán. Mấy tiệm tạp hóa bị lệnh đóng cửa hôm trước, chỉ hé cửa cuốn. Rồi thùng mì, gói hạt nêm, xấp bánh tráng, bọc nui… tuồn qua cái khe cửa đó. Đi mua thực phẩm thời dịch, cám cảnh tận cùng.

Sáng nay, đứa em gái ấm ức nói, em sợ người đông nên thủng thẳng chờ đến 10 giờ mới ra siêu thị nhỏ gần nhà,  mà có mua được gì đâu. Các kệ trống trơn, từ mì gói, đồ hộp, gia vị, thịt cá đông lạnh đến rau xanh…

Chị nhớ sáng nay đi sau dòng người cố ràng mấy bao gạo, thùng mì gói, rau xanh, bánh kẹo… cho đầy ắp xe, bất chợt thở dài. Dòng người ấy, đa phần phụ nữ. Nội tướng của các căn bếp đang lăn xả vì gia đình.

Dòng người xếp hàng từ 5 giờ sáng mua thực phẩm ngày 8/7/2021 - Ảnh: Phùng Huy
Dòng người xếp hàng từ 5 giờ sáng tại một điểm mua thực phẩm ngày 8/7/2021 - Ảnh: Phùng Huy

Chưa biết con virus nó ra sao, nhưng nếu lỡ nhà mình bị phong tỏa, con cái phải có cái ăn, không lo thiếu thốn. Chưa bao giờ cái từ “phong tỏa” nó nhạy cảm, nặng nề và chua chát như thế. Và cũng chưa bao giờ, cái từ "chạy chợ" lại ám ảnh những người phụ nữ trong thời hiện đại như thế. Bao nhiêu cảm xúc xung quanh việc lo cái ăn cho cả nhà.

Chị nhìn lại mình, có muốn mua đồ trữ cũng phải đắn đo. Tiền lương đã giảm, chị đâu thể nói cái là chạy ào ra siêu thị gom đồ hộp, thịt thà… như người ta.

Sáng nay, cô bán vé số quen gọi chị: "Đi lãnh gạo không? Tui biết chỗ nè. Kệ, được nhiêu hay nhiêu, khổ quá rồi!".

Chị lần theo địa chỉ cô vé số cho, tần ngần đến nhận chục ký gạo, thùng mì gói, chai nước tương, ký đường. Chưa bao giờ chị nghĩ đến ngày này, phải đi nhận gạo mì từ thiện. Trước đây, dù khó khăn nhưng chị vẫn luôn góp của ít lòng nhiều với nhà chùa, mua gạo từ thiện cho người nghèo.

Thật may thành phố vẫn còn những điểm từ thiện, sẻ chia với người nghèo - Ảnh: Sơn Vinh
Thật may thành phố vẫn còn những điểm từ thiện, sẻ chia với người nghèo - Ảnh: Sơn Vinh

Trên đường về, gặp bé trai bán vé số bằng tuổi con chị. 13 tuổi mà như đứa lên 5, người ốm nhom, đen thui. Cậu bé này chị quen, hay đến cái nhà chủ chị giúp việc để bán vé số. Mẹ cậu bệnh gì đó, nằm một chỗ. Bệnh mà không có tiền mua thuốc men. Nó mời chị mua vé số. Chị cười méo xệch: "Lương chưa có, tiền đâu mua vé số hả con". Cậu bé buồn hiu sau lớp khẩu trang: "Con ế quá cô ơi!".

Chục ký gạo, thùng mì, chai nước tương, ký đường của chị lại sang tay qua cậu bé. Chị xoa đầu nó: "Thôi ráng lên!". Chị chạy xe về không, nghĩ đến cảnh mẹ cậu bé bán vé số có khi chưa được ăn bữa cơm trưa mà thắt nghẹn.

Không người phụ nữ nào muốn con mình đói, nhưng chị còn đôi tay, còn sức khỏe. Còn cô ấy… muốn tất tả lo toan cho con trong mùa dịch, cũng có được đâu!

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI