Tất niên có nên ăn 'bộ đồ lòng'?

11/02/2018 - 16:30

PNO - Cuối năm, nhiều gia đình thường chế biến bộ đồ lòng gà, heo... thành các món ăn hấp dẫn để thờ cúng và đãi khách. Tuy vậy, những ai sẽ không thích hợp để dùng món này?

Đồ lòng của gà, vịt, heo...  được nhiều gia đình mua về luộc để cúng đất đai, tiễn đưa năm cũ và sử dụng chế biến món ngon lạ miệng đãi khách cuối năm như: lòng gà xào sả ớt, mề gà xào hành tây, lòng mề gà xào thập cẩm, lòng gà kho, lòng heo xào giá, gan heo xào hẹ...

Tat nien co nen an 'bo do long'?
 

Tim và gan gà, vịt, heo chứa nhiều chất sắt và vitamin A; nhưng nhìn chung bộ đồ lòng của các loài này chứa nhiều chất đạm, chất béo, nhất là lượng cholesterol xấu rất cao.

Do đó, với người lớn tuổi không mắc bệnh mạn tính có thể ăn hạn chế với số lượng rất ít tim và gan động vật để bổ sung thị lực do tuổi già.

Còn người mắc bệnh gout, xơ vữa động mạch, từng bị đột quỵ, thừa cân, tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ máu xấu, suy thận... không nên ăn nội tạng động vật.

Với trẻ em và người thiếu máu có thể ăn huyết trong bộ đồ lòng để bổ sung việc thiếu hụt chất sắt. Còn thai phụ nên bổ sung chất sắt bằng các thực phẩm khác an toàn hơn. Ngay với trẻ nhỏ, dù đồ lòng có nhiều chất đạm nhưng cũng không ăn quá nhiều vì chất béo dư thừa gây béo phì.

Tóm lại, với người được ăn nội tạng động vật thì cần ăn khoảng mỗi tuần 1 -2 lần nhưng mỗi lần ăn từ 30 - 50 gram.

Tat nien co nen an 'bo do long'?
 

Riêng các bà nội trợ, nếu mua bộ đồ lòng về cúng tất niên hoặc chế biến món ngon lạ miệng đãi khách cuối năm nên chọn đồ tươi, tốt nhất là bộ đồ lòng khi con gà còn sống. Với đồ lòng heo phải tươi, còn gan heo có màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, ấn vào mặt gan, tim còn đàn hồi tốt, rửa sạch máu trong gan khi luộc để loại bỏ chất độc.  

PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai

Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI