Tạt ngang chợ nhỏ

30/10/2023 - 06:30

PNO - Dù cuộc sống có thay đổi thế nào, dường như trong ta ai cũng có phiên chợ để nhớ. Ở đó, có đứa bé níu áo, theo mẹ đi chợ...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chợ nhỏ ven đường nhóm chút buổi sáng rồi tan, phục vụ chủ yếu dân trong khu phố nhỏ, người qua đường, người đang đi làm dừng xe mua nhanh, người nghỉ hưu buổi sáng đi bộ ra biển về tạt ngang, tôi cũng là một trong số họ.

Từ biển về, tôi ghé chợ đã thấy không thiếu gì từ thịt heo bò tươi ngon dính tay, những miếng thịt gà công nghiệp sắp ngay ngắn đến rổ cá tươi xanh mắt còn trong veo; rau trái nhà quê chở xuống đủ loại như nho, táo, đu đủ, cam…

Tôi thích những trái khổ qua nhỏ xíu, méo xẹo đến tội nghiệp hay những trái cam, thanh long… nhìn qua là biết nhà vườn hái đem bán. Thỉnh thoảng, có những hàng quần áo, giày dép, xoong chảo, chén tô… lưu động với tiếng rao có vần, điệu làm không khí chợ vui như… tết. 

Một hình ảnh khá dễ thương ở cái chợ thân thuộc với tôi mỗi ngày đó là những người đàn ông phụ việc cho vợ. Ở hàng rau hành, người vợ vừa buông con dao xắt khổ qua liền bắt qua cân miếng bí, nhanh tay rút chút hành ngò, trả tiền thừa cho khách… Bên cạnh, người chồng đang lặt đậu cô-ve giúp ai đó, thảng hoặc đứng lên, ngồi xuống theo lệnh điều động của vợ. Đôi lúc khách đông mà chồng thì chậm chạp, vợ nổi cáu: “Ông bỏ rổ đậu đó, lấy khoai tây cân cho khách kìa”. Nhìn hình xăm trên cánh tay người chồng, tôi lại nghĩ một thời ngang dọc, coi trời bằng vung, làm khổ vợ không ít. Giờ ông về “đầu quân” cho vợ như một cách chuộc lỗi. Cứ thế, chút buổi sáng của họ nhịp nhàng bản hòa tấu mà người vợ vừa là nhạc công vừa là nhạc trưởng.

Hàng thịt heo cũng vui. Anh chồng trẻ đảm trách khâu “xử lý” giò, xương, da, mỡ… Luôn tay vậy mà đôi lúc còn bị vợ mắng khi chặt miếng thịt không vừa ý. Chẳng thấy anh chàng quạu quọ bao giờ mà luôn nở nụ cười tươi, thỉnh thoảng hào phóng khuyến mãi khách vài câu nói đùa hay cho lời khuyên miếng xương vá nấu thế nào mới ngon. Cô vợ lại có dịp nguýt, háy: “Chỉ được cái giỏi miệng”. Chị khách quen, lên tiếng: “Vợ hơi quá đáng đó nha, chồng vậy mà cứ…”.

Vào những ngày rằm, một góc chợ sáng lên nhờ những bó hoa cúc vàng rực. Những bó hoa nhỏ rụt rè, e ấp, quê mùa với vài cây cúc vàng, thêm cây cúc tím, điểm cành măng là vừa đủ cho bình bông ở trang ông địa hay trang thờ ngoài sân. Tôi hình dung cảnh cả nhà thức suốt đêm để bó hoa hay có thể chỉ mình người mẹ lặng lẽ, cặm cụi lựa, cột để sáng mai kịp chợ sớm. Lại thêm những loại mà chỉ có chợ ngày rằm, mùng Một mới thấy: bó bông điệp cúng, cành bông trang đẹp rực rỡ, mấy cây vạn thọ tươi tắn, vô ưu… 

Còn có những tràng bánh ít lá gai, bánh thuẫn, bánh phu thê, bánh in gói giấy bóng màu mè vui mắt, lại thêm ít hàng mã bày trên cái tràng nhỏ hơn. Trên một miếng ni lông, chuối xanh đã ra nải xếp hàng ngay ngắn chờ tiếng mời chào, trả giá. Chợ ngày rằm, hàng thịt heo quen thường nghỉ bán. Cô bán thịt bò lấy ít hàng hơn. “Người ta ăn chay, sợ ế” - có lần cô nói với tôi như thế.

Rổ cam nhà quê đèo đọt chẳng ai chú ý, chợ gần tan cũng có người hỏi mua. Mấy bình bông cúng mộc mạc cũng nhẹ gánh, chỉ còn lại vài cây hoa dập. Chị hàng hoa hẹn chị hàng bánh nửa tháng sau lại đến phiên chợ mùng Một, rồi quay sang chào tạm biệt chị rau hành, thịt heo. 

“Nhà vườn ăn cau sâu”, các chị đảo một vòng, tìm mua mấy thứ (ế) cho bữa cơm trưa đạm bạc. Có chị ngồi sụp cái nón, lần vuốt thẳng từng tờ giấy bạc, đếm xong cất kỹ vào túi, cài thêm cái ghim băng, lẩm nhẩm tính tiền sách vở cho con hay nghĩ đến cái áo cho chồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dù cuộc sống có thay đổi thế nào, dường như trong ta ai cũng có phiên chợ để nhớ. Ở đó, có đứa bé níu áo, theo mẹ đi chợ; có bà mẹ lượn năm bảy vòng tìm mua cho đủ lệ bộ thắp hương bàn thờ, tìm thêm vài thứ quà bánh cho bọn trẻ con đang náo nức chờ ở bụi tre đầu ngõ.

Riêng tôi, còn có một hôm tôi đi biển về thấy má đang đứng ở hàng hoa. Tôi vội núp vào một nơi khuất, hóng xem má mua gì. Má ra chợ chỉ là cho đỡ nhớ không khí chợ, chứ khi ấy má đã cao tuổi, ở với em gái tôi, má không còn chợ búa bếp núc gì nữa. Tôi thấy má cười thật tươi với cô bán bông, nói câu vui vẻ với cô rau hành… 

Gần đến giỗ má, tôi nhớ mỗi sáng đi bộ về ngang qua cái chợ nhỏ ven đường ấy quá đỗi. 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI