Tắt lửa lòng

26/05/2018 - 13:40

PNO - Tôi 51 tuổi, chồng tôi 53. Gần một năm nay tôi thấy mình “tắt lửa”, tỉnh bơ chuyện gối chăn, không còn chút quan tâm nào.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi 51 tuổi, chồng tôi 53. Gần một năm nay tôi thấy mình “tắt lửa”, tỉnh bơ chuyện gối chăn, không còn chút quan tâm nào. Tình cảm của tôi với chồng thì vẫn còn, vợ chồng cùng nhau đi tập thể dục, đi chơi với bạn bè chung, du lịch cùng nhau, nhưng tuyệt nhiên không nghĩ đến những chuyện kia nữa. Mới đây, chị bạn tôi cũng than hoàn cảnh y như vậy, vợ chồng chị ấy nguội lạnh chuyện gối chăn, chồng chị không biết có ai không mà đi sớm về khuya, tiền bạc thất thường, ít quan tâm chuyện gia đình. Tôi giật mình nghĩ lại, đàn ông ở tuổi này chưa “mãn” mà mình quay lưng lại với các ông ấy quá lâu, có khi nào sinh chuyện? 

Tat lua long
 


Tôi nói chuyện với chồng, xem ý anh ấy có muốn vợ ăn uống, thuốc thang, bổ sung nội tiết tố hay cải thiện gì không. Chồng tôi bảo, sợ nhất là mình có nhu cầu mà bạn đời không đáp ứng. Còn nếu trong lòng đã yên tĩnh, không tham chuyện này chuyện khác thì việc gì em phải lo? Người ta đi tập yoga, học khóa thiền này khóa thiền khác chỉ mong tìm được sự bình an trong tâm hồn, mình đã có sự bình an ấy sao lại muốn mất đi? Nhìn từ phía khác, ngọn lửa dục vọng trong lòng sớm tắt là mình sớm hưởng được sự bình yên, hạnh phúc. Tôi nghe chồng nói cũng mừng, nhưng chị bạn lại bảo coi chừng đó. Đàn ông trăm người như một, lòng vả cũng như lòng sung, sao tắt lửa dễ dàng vậy. Hay là ổng muốn đốt lửa với người khác, còn vợ nhà thì để tàn lạnh, cho yên?

Kim Phượng (TP.HCM)

Chị Kim Phượng thân mến,

Chị đang sở hữu một điều quý giá: sự bình yên. Nhưng cái gì cũng vậy, nhiều quá thì thừa, ít quá thì thiếu. Xét sự bình an yên tĩnh trong lòng mình cũng vậy: bình lặng quá thì thừa yên tĩnh mà thiếu chút đam mê để cuộc đời vui vẻ hơn; lửa cháy đùng đùng thì có khi lại quá “nóng”, thiếu lý trí, thiếu khoảng yên bình để tĩnh tâm, có khi có người hụt hơi không “nổi lửa” cho kịp… Vậy nên, có nóng có lạnh, có tắt có cháy, có lửa có nước thì mới là cuộc đời.

Chị đừng quá lo lắng về việc tự nhiên cả vợ chồng tắt lửa, nhưng cũng đừng cố sức duy trì tình trạng này, bỏ hẳn cơ hội nhóm lửa lại vào một lúc nào đó. Mình cũng đã trải qua một đoạn đời dài, đủ để thấu hiểu bản thân, con người và cuộc sống này, để có thể tận hưởng sự bình lặng, đồng thời nhặt lấy những cọng củi khô, mớ bùi nhùi dễ bắt lửa, để dành cho những lần nhóm lửa khác được nồng đượm hơn.

Sự ấm áp trong gia đình bắt nguồn từ hòa thuận vợ chồng, chia sẻ tình cảm, chứ không chỉ bắt nguồn từ ngọn lửa ái ân. Bạn chị lo lắng có thể vì giữa vợ chồng họ đã không còn sự chia sẻ, bắt đầu ngờ vực lẫn nhau. Khi mất lòng tin, lửa càng nồng chỉ càng dễ gây thêm tai họa: gây gổ cắn đắn nhau, ghen tuông lồng lộn, người này làm tổn thương sâu sắc người kia… Vì vậy, gia đình chị ấy có thể giống gia đình chị về hiện tượng nhưng khác về bản chất, cần một cách giải quyết khác. 

Sau cùng, ở tuổi này, phụ nữ cần những quan tâm chăm sóc theo cách phù hợp với mình. Không chỉ cần thuốc thang bổ sung nội tiết tố để dành cho chuyện chiều chồng, mà bản thân chị cũng cần nó, để sống vui sống khỏe hơn, vì mình còn cần cho nhiều người thân yêu khác nữa. Thỉnh thoảng chị cũng nên đi khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát, các chuyên gia y tế sẽ cho chị lời khuyên cần thiết để cải thiện cuộc sống của mình. Có thể sau giai đoạn tĩnh lặng này sẽ có giai đoạn sôi nổi khác, chị cũng nên chuẩn bị để đón nhận nó một cách bình thường vui vẻ. Sông có khúc người có lúc, hãy sống thuận theo tự nhiên và lắng nghe, cảm nhận cuộc sống của mình. Chúc chị vui và hạnh phúc. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI