Tất cả đều vì một chữ thương

30/12/2023 - 06:07

PNO - Nhà văn Phùng Quang Thuận vừa trình làng tiểu thuyết Miền đất mặn. Đây là tác phẩm văn xuôi thứ hai được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành, nối tiếp Bạc Liêu truyện (2022).

“Tiểu thuyết Miền đất mặn là tác phẩm tiếp nối hoài vọng của Phùng Quang Thuận trên con đường trở về văn hóa xứ sở. Ở tiểu thuyết này, nhà văn đã phát triển cả về dung lượng trang viết, trữ lượng hiện thực được phản ánh và độ chín muồi về nghệ thuật trần thuật”.

Như lời giới thiệu của nhà xuất bản, Miền đất mặn vừa biểu hiện nghĩa tình của nhà văn đối với quê hương Bạc Liêu nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung, vừa cho thấy bước tiến đáng kể trong sự nghiệp văn chương của ông. 

Qua Miền đất mặn, ta nhận ra: đó là nền đạo đức vì người khác mà nhận thức cốt lõi là hiểu người như hiểu mình. “Ai cũng vì chiến tranh vì thời cuộc mà bỏ xứ tới xứ này. Sao lại không thương nhau khi buồn, khi trôi giạt trên sông nước hoang vu này”. Chính vì vậy, người Tây Nam Bộ hào phóng chia sẻ, “tình thương mến thương”. Sự cho vì người chứ không phải vì mình, dù mình cũng thân sơ thất sở. Dễ hiểu vì sao đất Nam Bộ rộng lòng đón bước mọi thân phận lạc loài, túng thế. 

Ông Năm Quới và Hai Tín biết lắng nghe từng nhịp thở sông Cửa Lớn để sống với đất Mũi. Thương đời hạ bạc, họ kết nghĩa vong niên. Vợ Hai Tín lại càng biết lễ nghĩa và cách ứng xử tinh tế. Và tình thương luôn được biểu hiện thành hành động cụ thể. Bạn sẽ nhận ra thương biến thành nhân, thương biến thành nghĩa, thương biến thành lễ, thương biến thành tín, thương biến thành trí. Tất cả đều vì một chữ thương mà đan dệt thành cả nền đạo đức dân gian sống động. 

Ông Năm Quới với con Mực, bầy dòng dọc với tổ ong lá, bà cô Ba với Quế Lan gợi ra “hệ sinh thái nhân văn” hòa hợp giữa con người với tự nhiên. Người thuận theo tự nhiên để hòa hợp, linh hoạt thích nghi, tùy cơ ứng biến. 

Mối quan hệ tộc người càng cho thấy sự xuyên vượt văn hóa để thích nghi và chung sống. Sự bao dung, thâu chứa khiến văn hóa Tây Nam Bộ (và cả vùng Nam Bộ nói chung) có khả năng liên kết, tích hợp những yếu tố cơ hồ đối nghịch cùng tạo thành chỉnh thể hài hòa.

Thầy võ Minh Hương dạy Vịnh Xuân quyền cho ông Năm Quới. Cháu nội ông - Quế Lan - lại học thêm môn võ này với bà cô Ba. Sự xuyên văn hóa Hoa - Việt tạo không khí “Kim Dung” ở cuối nẻo Năm Căn. Chạy loạn, nhóm đàn bà con nít ở lại Bạc Liêu, nương tựa xóm làng Khơ Me, tránh sự truy sát sau biến loạn Lê Văn Khôi. Các thực hành văn hóa Tây Nam Bộ, do đó, nên được hiểu là sự thực hành xuyên văn hóa (chí ít giữa Việt, Hoa, Khơ Me, Chăm).

Kết bạn vong niên, Hai Tín và Năm Quới cùng thuật lại chuyện xưa liên quan đến lưu dân Trung Kỳ; chuyện Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trung Trực; chuyện họ Mạc ở Hà Tiên; người Minh Hương ở Cà Mau… Ta nhận ra cách con người nơi đây vượt qua đau thương quá khứ để sống với thực tại và bồi đắp tương lai. Dù thiện ác, chính tà, đúng sai…, nếu đã là quá khứ thì khép lại để tiếp tục sống. Người Tây Nam Bộ chữa lành “chấn thương” thời thế bằng cách đó. 

Tiểu thuyết Miền đất mặn không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị văn hóa, nhất là trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa hỗn dung của người Tây Nam Bộ và trong việc giữ gìn lối sống văn hóa nghĩa tình của con người vùng đất này. Qua Miền đất mặn, ta bỗng nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc sưu tầm và kết tinh thuật xử thế của người bình dân Nam Bộ trong các thực hành văn hóa sống động ở quá khứ cũng như hiện tại. 

Võ Quốc Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI