Tất cả chúng ta đều căng thẳng, mất ngủ và... não cá vàng

25/11/2019 - 09:58

PNO - Có thắc mắc, vào Google. Quên một cái tên, tìm trên điện thoại thông minh. Khi mọi thông tin đều được đáp ứng quá nhanh, dễ dàng, não chúng ta bị yếu dần.

Hầu như ai trong chúng ta cũng gặp phải tai nạn như thế này. Đang nói chuyện bỗng dưng quên mình đang nói gì, rồi buột miệng nói ra suy nghĩ đang có trong đầu và ước gì mình đã không nói ra điều đó. Với người thường, có thể đó chỉ là những khoảnh khắc “dễ quê” nho nhỏ. 

Tat ca chung ta deu cang thang, mat ngu va... nao ca vang
Ảnh minh hoạ

Với Joe Biden, “tai nạn” xảy ra khi ông đang tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ với ứng viên đồng đảng Julián Castro, nó đã trở thành tin nóng lan truyền khắp nơi. Cựu phó tổng thống bị cáo buộc đã quên quan điểm của mình về nền y tế nước nhà - gần một tháng sau, ông lại quên tên của cựu tổng thống (cũng là bạn thân của ông) Barack Obama.

Biden không phải là nhân vật công chúng duy nhất gặp phải “tai nạn” này. Khi còn là Thủ tướng Anh, David Cameron đã trở nên nổi tiếng vì quên tên đội bóng yêu thích của ông. Gần đây, diễn viên Gwyneth Paltrow đã quên mình có mặt trong phim , và một nhà chính trị ở Virginia đã suýt mất cơ hội trúng cử vì quên ghi tên mình vào phiếu bầu.

Nancy Franklin, giáo sư tâm lý học Trường đại học Stony Brook New York cho biết: “Trí nhớ không bao giờ hoàn hảo. Ai cũng có vấn đề trong việc ráng nhớ tên hay tìm từ để diễn tả”. Tuy nhiên, trong thời đại mà thế giới bị bao phủ bởi những phương tiện tìm kiếm thông tin, số người bị căng thẳng, mất ngủ ngày càng tăng, liệu trí nhớ của con người có bị giảm sút?

Giáo sư Khoa Tâm lý Trường đại học UCLA Robert Bjork cho là có: “Khả năng nhớ số điện thoại của chúng ta tệ hơn rất nhiều so với trước khi thiết bị thông minh ra đời”. Giáo sư yêu cầu sinh viên của mình viết ra số điện thoại mà họ có thể nhớ: “Số điện thoại họ viết ra thật ít ỏi so với số lượng mà thế hệ của chúng tôi có thể nhớ khi bằng tuổi họ”.

Tat ca chung ta deu cang thang, mat ngu va... nao ca vang
Ảnh: Internet

Một khảo sát gần đây thực hiện bởi các học giả của các trường đại học Oxford, King’s College London, Harvard và Western Sydney cho thấy, bộ não của chúng ta đã thay đổi rất nhiều từ khi internet xuất hiện. Khảo sát cho thấy, điện thoại thông minh đã thay thế khả năng nhớ sự kiện của con người. Tiến sĩ Joseph Firth của Trường đại học Western Sydney giải thích: “Không như các thế hệ trước, họ phải tìm thông tin ở các nơi khác như bách khoa toàn thư hay thư viện - ngày nay mọi thông tin đều chứa gọn trong điện thoại thông minh. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không sử dụng hết bộ não để ghi nhớ”.

Một vấn đề khác là khi kết nối liên tục, chúng ta rất dễ bị chi phối. Nghiên cứu cho thấy, người ta sử dụng trung bình 19 giây xem gì đó trên mạng trước khi nhấn vào chủ đề kế tiếp, với khoảng 75% tất cả các nội dung trên mạng được thu nạp trong thời gian ít hơn một phút. Thời lượng đó không đủ hiệu quả để làm gì cả ngoài việc chỉ nhớ các tiêu đề.

Khi đầu óc bị chi phối, nó sẽ không thu nạp và phân tích thông tin một cách sâu sắc. Sự liên kết nhanh nhạy giữa các trang mạng cũng làm giảm khả năng xử lý thông tin, bởi chúng ta bận suy nghĩ xem những trang mạng kia có những thông tin gì.

Giáo sư Franklin khẳng định: “Không phải trí nhớ của con người trở nên tệ hơn - chúng ta vẫn được trang bị bộ não như các thế hệ trước, nhưng kỹ năng nhớ của chúng ta bị chi phối do chúng ta ngày càng phụ thuộc các thiết bị hiện đại”.

Với những người lớn lên cùng Google, Wikipedia, Alexa và Siri, mối lo ngại càng đáng kể. Thế hệ này bị chi phối ngày một nặng nề, họ phụ thuộc kỹ năng cắt dán trong các bài viết thay vì suy nghĩ thấu đáo về chủ đề. Franklin không đổ lỗi cho internet làm hỏng bộ não, nhưng việc lạm dụng chúng trong giai đoạn thiết yếu để phát triển bộ não, việc học cách ghi nhớ, loại trừ khả năng bị chi phối là rất quan trọng.

Tat ca chung ta deu cang thang, mat ngu va... nao ca vang
Ảnh: Internet

Nhưng thiết bị hiện đại không phải lý do duy nhất góp phần vào việc giảm trí nhớ. Các yếu tố khác như căng thẳng, thiếu ngủ và cách sống thụ động cũng có lỗi trong việc này. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thần kinh học tại Mỹ năm 2018 cho thấy, những người ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi có mức độ căng thẳng cao trí nhớ sẽ kém hơn những người có mức độ căng thẳng trung bình.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Science lại đề cập đến sự quan trọng của giấc ngủ, vì nó giúp chúng ta quên những thông tin không cần thiết, làm sạch não bộ và tăng cường trí nhớ.

Tiến sĩ Firth nhấn mạnh: “Nếu muốn tăng cường bộ nhớ, việc cần thiết là nâng cao sức khỏe bản thân. Một cơ thể không khỏe mạnh đồng nghĩa với bộ óc không minh mẫn. Sự béo phì và ít vận động cũng có mối liên hệ đến bệnh mất trí nhớ về già. Franklin khuyên những người cảm thấy trí nhớ của mình đang giảm sút, nên giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại thông minh, cố gắng ghi nhớ thay vì dựa vào các thiết bị ứng dụng, hay đơn giản là tập trung hơn vào các cuộc trò chuyện.

Tuy nhiên, các giáo sư, tiến sĩ tham gia nghiên cứu trên cũng kêu gọi mọi người không chối bỏ mặt tích cực của thiết bị thông minh. Giải pháp hiện nay là tận dụng sự hữu ích của thế giới hiện đại, nhưng không cho phép chúng khiến bộ não của chúng ta trở nên lười biếng - không chỉ cho chính sự tiến bộ của việc ghi nhớ trong bộ não của mỗi người, mà còn cho cả một thế hệ đang ngập chìm trong thiết bị thông minh - những người thậm chí đang có nguy cơ quên tên của chính họ. 

Phan Quỳnh Dao 
(theo Telegrap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI