Tất cả các dòng sông đều… bẩn

24/11/2019 - 08:42

PNO - Tôi sinh ra ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Gia đình tôi và ông ngoại ở ngay cạnh con suối Đum chảy từ Sa Pa ra, nước trong vắt. Ông tên là Thỉnh.

Trước chiến tranh biên giới năm 1979, người Lào Cai hồi đó có câu: “Muốn ăn cá sỉnh, lên bến ông Thỉnh”.

Cá sỉnh được mệnh danh là đệ nhất cá suối, một thứ đặc sản hiếm hoi của bà con các dân tộc miền núi. Loài cá này hiện nay đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, bởi nó đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tại sao lại có nguy cơ tuyệt chủng? Câu trả lời hầu như hiển nhiên: nạn đánh bắt bừa bãi, và sông suối đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nền văn minh lúa nước của đất Việt gắn liền với những dòng sông. Hàng ngàn năm nay những dòng sông là nguồn sống nuôi dưỡng con người. Và như một chu trình tuần hoàn, suối nguồn và gió mưa lại là nguồn sống nuôi dưỡng những dòng sông.

Lịch sử hình thành nên những đô thị cũng bắt đầu từ những dòng sông. Vua Minh Mạng đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, mang ý nghĩa là một trấn thành phía trong dòng sông.

Ngoài lợi ích về nông ngư nghiệp, giao thương và phòng thủ chiến lược, những dòng sông còn mang ý nghĩa tinh thần, quyết định vận mệnh kinh thành và đất nước. Đất và nước, ý nghĩa nội hàm nằm ngay trong cụm từ này, theo đúng nghĩa đen của nó.  

Tat ca cac dong song deu… ban
 

Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã tuyên bố, Thăng Long “ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi…” - mà những dòng sông thì lại được coi là long mạch, thứ quan trọng nhất trong phép phong thủy của người xưa. 

Điều này, xét về mặt logic khoa học, vẫn luôn đúng. Các dòng sông đảm nhận vai trò điều hòa môi trường, vi khí hậu, giúp thoát nước mưa, bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới tiêu nông nghiệp, phát triển ngư nghiệp, giao thông, giao thương. Trong các đô thị, nó còn là cảnh quan quyết định hình thái, là cơ sở để hoạch định phát triển lâu dài, bền vững.

Các đô thị hiện đại ngày nay lại càng phải chú trọng hơn về vấn đề này. Việc những dòng sông bị ô nhiễm hiện nay đã đến mức độ nguy hiểm, đến giới hạn không thể chịu đựng nổi. Nhưng đây là một vấn đề sinh thái đô thị quá lớn, quá rộng, tôi xin giới hạn lại trong phạm vi vài suy nghĩ và những trải nghiệm cá nhân mà thôi.

Quãng năm 1994-1995, khi đang là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cứ sau những cơn mưa rào đầu hè, tôi lại vác cần câu xuống chân cầu Hà Đông bắc qua sông Nhuệ ngồi câu cá rô đồng. 

Cá nhiều vô kể, nước thì khá trong và rất sạch. Bẵng đi một thời gian, kể từ sau năm 2000, khi tôi quay lại câu cá thì kinh ngạc không còn nhận ra dòng sông này nữa. Sự bùng nổ đô thị hóa đã khiến dòng sông trong lành thuở nào biến thành một thứ nước cống đen sì, hôi thối nồng nặc. 

Sông Nhuệ lấy nước trực tiếp từ sông Hồng (còn khá sạch) ở Cống Chèm, vậy mà chỉ chục cây số chảy qua các khu đô thị, nước thải từ cống rãnh đổ vào sông đã làm nó ô nhiễm đến khủng khiếp. 

Tất nhiên lúc đó, tôi đã chẳng câu được con cá nào. Dòng sông ô nhiễm này chỉ còn những con cá dọn bể (cá lau kính) là sống sót được. 

Đây là một loài cá ngoại lai vốn được du nhập vào Việt Nam để làm cá cảnh, nó ăn tạp, sức đề kháng vượt trội, chủ yếu người ta nuôi để dọn dẹp cho sạch bể cá cảnh. Khi sổng ra ngoài tự nhiên, nó đã sinh sôi, trở thành đại dịch, gây nguy hại cho các loài thủy sản bản địa, không khác gì nạn ốc bươu vàng. 

Nhưng mọi chuyện chưa phải tệ nhất. Những năm gần đây, tôi quay lại sông Nhuệ thì ngay cả cá dọn bể cũng hầu như không còn sống nổi nữa. Nó đã trở thành một dòng sông chết.

Tat ca cac dong song deu… ban
 

Tháng 11/2019 này, thành phố Hà Nội đưa ra dự án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, rồi từ hồ Tây đổ sang sông Tô Lịch, mục đích để giảm ô nhiễm cho cả hồ Tây lẫn sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch từ lâu không chỉ đã chết, mà cái xác chết ấy cứ thối rữa mãi, không chịu phân hủy.

Thoạt tiên, mọi người tưởng cái dự án ấy là tin đáng mừng, nhưng hình như không phải thế. Bởi cứ nhìn vào sông Nhuệ là thấy rõ dùng nước sông Hồng tẩy rửa hồ Tây và sông Tô Lịch là điều bất khả thi. 

Cứ hình dung, ví dụ người ta định lấy 1 gáo nước sạch để hòa loãng 3 gáo nước cống, ta sẽ thấy nó là một điều vô nghĩa. Nếu đảo ngược tỷ lệ trên, may ra có chút tác dụng. 

Với lượng nước thải của cả thành phố đổ vào con sông bé nhỏ này, ta dễ hình dung phải cần một lượng nước khổng lồ như thế nào để có thể pha loãng nó ra được. Với những trận bão lũ mưa rào kỷ lục kéo dài vài ngày, thường mỗi năm chỉ xảy ra đôi lần, người Hà Nội mới thấy sông Tô Lịch lờ đờ chảy, mà thôi.

Còn một chuyện nữa, sông Tô Lịch kéo dài hơn chục cây số, rồi lại chảy vào chính sông Nhuệ, ở khu vực Cầu Bươu. 

Vậy là hai con sông chết nhập vào nhau, mức độ ô nhiễm được tăng theo cấp số nhân từ đó về sau, kéo dài khoảng 80km nữa, khi nó nhập vào sông Đáy ở cống Phủ Lý, Hà Nam. Con sông Đáy lại là một con sông chết nữa, nó ô nhiễm không kém gì Tô Lịch và sông Nhuệ. Tất cả những thứ ô nhiễm ấy, sẽ đi về đâu?

Tệ hơn cả điều tệ nhất, tất nhiên nó sẽ đổ ra biển, và biển phải hứng chịu ô nhiễm. Thảm họa sinh thái là đây chứ đâu. 

Hãy hình dung tất cả những hóa chất, rác thải lẫn trong đó, bao gồm vô số kim loại nặng và độc tố, vi nhựa. Tất cả thứ đó không hề biến mất, chúng sẽ tồn đọng suốt chiều dài con sông, cửa biển, ngấm vào đất. Nó sẽ hủy hoại sự sống rất nhanh chứ không hề từ từ như mọi người vẫn nghĩ. 

Bạn hãy thử đến gần bờ những con sông này thì biết, nếu dừng lại chỉ một lúc thôi, mùi hôi thối khiến ta ngạt thở, thậm chí ngất xỉu. Chúng ta không thể làm sạch dòng sông bằng giải pháp “đánh bùn sang ao” như vậy được.

Cũng quãng thời gian sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, mà cũng có khi là do mải chơi hay đi câu sao đó, chểnh mảng học hành, tôi phải thi lại môn quy hoạch đô thị. 

Có lẽ do phải học đi học lại, tôi cũng biết bài học sơ đẳng trong cách xử lý vấn đề này. Chẳng cần phải có tầm nhìn ghê gớm gì cả, cũng hiểu được rằng chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm của các dòng sông này, theo mô hình các đô thị hiện đại trên thế giới vẫn thường làm. 

Con sông trong sạch là một cảnh quan môi trường đặc biệt quan trọng với mọi thành phố. Các dòng sông nhỏ như sông Nhuệ và Tô Lịch phải cống ngầm hóa, được dẫn về nhà máy xử lý ở ngoại vi thành phố, sau đó sẽ được chảy vào hệ thống sông lớn hơn như sông Đáy. Mô hình này cần được xử lý đồng bộ trên khắp những khu đô thị, tỉnh lỵ, các thành phố lớn, các con sông trên toàn quốc.

Thuở hoa niên thơ mộng ngày xưa, nhiều thế hệ hẳn chưa quên bộ phim truyền hình nhiều tập có tên Tất cả các dòng sông đều chảy. Ẩn dụ đẹp nhất mà bộ phim này chuyển tải, đó là dòng sông mang ý nghĩa nhân sinh, chảy mãi muôn đời, tươi mát, trong lành. 

Dòng sông là nguồn gốc khởi thủy và trình luân hồi muôn đời của sự sống trên trái đất này. Nước để cây đời mãi mãi xanh tươi, và tất nhiên đó phải là nước sạch.

Trịnh Công Sơn từng viết một ca khúc nhan đề Có một dòng sông đã qua đời, kể về nỗi buồn khi một mối tình đã qua đi. Thế nhưng ngày nay, chúng ta đang phải xem một bộ phim còn buồn hơn, nó có tên là: Tất cả các dòng sông đều… bẩn. 

Chẳng có cách nào khác, bây giờ hoặc là không bao giờ, chúng ta phải buộc phải hành động ngay, trước khi quá muộn. 

Kiến trúc sư Đặng Thiều Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI