Tất bật "cày" Tết khi Thành phố xanh

16/01/2022 - 14:55

PNO - TPHCM đã xanh, nhiều người bắt đầu lao vào “cày” Tết. Đối với họ, lúc này có nhiều việc là vui dù xen lẫn trong đó là nỗi buồn đón Tết xa quê.

Cuối năm vui vì có… nhiều việc

Trong ngày cuối cùng của năm 2021, tôi len lỏi đến nhiều khu xóm trọ có đông lao động, công nhân… ở TPHCM, khái niệm “vui Tết, sắm Tết” như một điều gì đó rất xa xỉ với họ.

Sâu vào con hẻm 187 An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM), chúng tôi gặp bà Lê Thị Lệ Thoa (66 tuổi) đang cặm cụi lựa từng tép tỏi. Chỉ vào những bao tỏi, bà nói: “Tôi mới nhận được công việc này tầm một tháng nay. Cứ một bao 10kg tỏi sau khi lựa sẽ được trả công 30.000 đồng”.

Xóm trọ nghèo bên cạnh con kênh nước đen trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) những ngày giáp Tết
Xóm trọ nghèo bên cạnh con kênh nước đen trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) những ngày giáp Tết

Nơi ở chưa tới 5m2, vừa đủ đặt được tấm nệm nhỏ phủ đầy bụi đất của tỏi, bà Thoa ái ngại khi mời khách ngồi trước hiên nhà cho đỡ bụi. Căn phòng trọ tuềnh toàng này có giá thuê gần 2 triệu đồng/tháng, đã bao điện, nước chẳng thể trông mong vào những tép tỏi.

Những củ tỏi được đổ tung ra, bà Thoa nhanh tay lột bớt vỏ, nhặt những tép chắc và loại những tép hư. Công việc tưởng chừng “ngon ăn”, thực tế không phải vậy. Bụi đất bay khắp căn phòng trọ, mùi tỏi xộc vào mũi làm bà Thoa nhiều lần sặc sụa.

Để có thêm thu nhập, bà Thoa nhận hàng may ga giường, áo gối, sửa quần áo… Đấm nhẹ vào đôi vai gầy đang đau nhức, bà ứa nước mắt khi nhắc đến người con đau ốm vẫn sống phụ thuộc vào mẹ. “Trước dịch, tôi còn được nhận vào phụ việc ở quán ăn, giờ không ai thuê nữa vì lớn tuổi, làm chậm chạp…”, bà Thoa bỏ lửng câu nói, nheo mắt xỏ lại sợi chỉ vào bàn máy may.

Mắt kém nhưng bà Lệ Thoa vẫn cố may ga, áo gối, lựa tỏi… để mưu sinh
Mắt kém nhưng bà Lệ Thoa vẫn cố may ga, áo gối, lựa tỏi… để mưu sinh

Xóm trọ này đa số là dân tứ xứ đến làm thuê làm mướn từ nhiều năm nay, tất cả đều chung hoàn cảnh nghèo khó. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (56 tuổi, quê Rạch Giá) cũng miệt mài cột từng bó kẹp tăm (3.000 đồng/kg). Bà Hồng bảo, có bệnh đau nhức quanh năm, bác sĩ đề nghị mổ nhưng bà không có tiền, đành chịu.

Trong nhà bà Hồng, có lẽ chiếc tủ lạnh cũ được một người tốt bụng cho là đáng giá nhất.

Bà Thanh Hồng cột từng bó kẹp để có thêm tiền
Bà Thanh Hồng cột từng bó kẹp để có thêm tiền

“Tôi còn mẹ hơn 90 tuổi phải chăm sóc, chồng làm bảo vệ, lương chỉ vài triệu đồng. Mình nhận làm thêm ở nhà, mỗi ngày có thêm 50.000 đồng đủ tiền cơm nước”, bà Hồng tâm sự.

Hỏi chuyện sắm tết, những người như bà Thoa, bà Hồng ở cái xóm trọ này đều lắc đầu: “Lo có cơm ăn no, có tiền trả thuê trọ là mừng rồi, đâu nghĩ đến việc sắm tết. Năm mới đến ai cũng vui, chúng tôi cũng vậy; nhưng có lẽ sẽ còn vui hơn nếu có thêm việc làm…”.

Đón Tết xa quê

Vợ chồng chị Thủy lắp tắc kê được 1.000 con sẽ nhận 12.000 đồng tiền công
Vợ chồng chị Thủy lắp tắc kê được 1.000 con sẽ nhận 12.000 đồng tiền công

Gia đình chị Lê Thị Thủy (56 tuổi, quê Vĩnh Long) cặm cụi lắp từng con tắc kê để kiếm tiền. “Lắp được 1.000 con, chúng tôi nhận được 12.000 đồng. Có khi ngồi còng lưng cả ngày cũng chưa kiếm được 20.000 đồng”, chị Thủy thở dài.

Chị Thủy có mái tóc đen mượt, khuôn mặt vẫn thấp thoáng những nét đẹp thời xuân sắc. Chị kể, hai vợ chồng đến Sài Gòn mưu sinh nhiều năm, chồng làm phụ hồ, con trai lớn vừa tròn 18 tuổi nhưng đã làm thuê được hai năm, hai con nhỏ vẫn đang đi học.

“Tết này chị có về quê?”, tôi hỏi. Chị nói mà mắt đỏ hoe: “Năm nào đến Tết, tôi cũng về thăm hàng xóm, thắp nén hương cho ông bà; nhưng năm nay tiền đâu mà về. Trận dịch vừa qua nhà tôi kiệt quệ, giờ lo ăn từng bữa, tiền nhà trọ còn không đủ nên chẳng dám nghĩ đến chuyện về quê đón Tết”.

“Tết này em sẽ ở lại thành phố tìm việc làm thêm” - Ngô Thị My (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói với chúng tôi. My đến TPHCM đúng lúc dịch COVID-19 ập đến khiến cuộc sống khó khăn trăm bề. My xin được chân công nhân tại một công ty ở huyện Hóc Môn (TPHCM) với mức lương tầm 6 triệu đồng/tháng. Số tiền đó sau khi gửi về quê 2 triệu đồng phụ mẹ nuôi các em, phần còn lại vừa đủ để cô gái trẻ trả tiền phòng trọ, ăn uống.

“Có thời điểm công ty phải đóng cửa khá lâu để phòng dịch, dù có nhận lương hỗ trợ nhưng rất ít. Do đó, em nhận thêm nhiều việc như phụ bán rau, nhận may khẩu trang gia công… Nhờ vậy, em vẫn có đủ tiền để gửi về cho mẹ và sống qua dịch”, My nói.

Hiện công ty có nhiều đơn hàng, công nhân được tăng ca nên My không làm thêm nữa, nhưng cô nhận bán thêm đặc sản tết. Ước mong của cô là nếu có thêm chút tiền, sẽ đăng ký học thêm lớp bổ túc cấp 3 để có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đã 3 năm đón tết xa quê, chị Trần Thị Hằng (làm việc tại Công ty Hưng Phát, quận 12, TPHCM) cho biết: “Năm nay tôi sẽ không về quê sum họp với gia đình mà sẽ ở lại TPHCM cày tết”.

Mơ một tương lai ấm

Anh Võ Tài nhận nhiều việc để kiếm thêm thu nhập ngày Tết
Anh Võ Tài nhận nhiều việc để kiếm thêm thu nhập ngày Tết

Ảnh hưởng dịch bệnh nên năm nay, nhiều công nhân, người lao động đã chọn ở lại TPHCM tìm việc làm thêm để mua thêm món quà, gửi thêm chút tiền cho người thân ở quê.

Vuốt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt đỏ bừng do mới giao hàng xa giữa trời nắng nóng, anh Võ Tài (34 tuổi, quận Gò Vấp) khoe: “Sáng giờ tôi giao được 3 đơn hàng, có thêm gần 500.000 đồng rồi. Giờ còn 2 đơn hàng cần giao đến Bình Dương, Củ Chi. Dù việc nhiều nhưng có thu nhập khá nên tôi không thấy mệt”.

Đó là lịch trình những cuốc xe trong ngày hôm nay của người bố trẻ hai con, quê tận Gia Lai. Cuối tháng 6/2021, anh phát hiện mắc COVID-19. Sau thời gian cách ly và điều trị bệnh gần hai tháng, anh trở về xóm trọ khi trong túi không còn tiền nên phải dọn ra ngoài. May mắn, Tài được một người tốt bụng cho ở tại ATM nhà trọ không đồng (quận 12) đến khi hết giãn cách.

Tự nhận mình là “thợ đụng” bởi ai thuê gì cũng nhận, Tài tâm sự, mỗi tháng anh phải kiếm được tầm 10 triệu đồng để gửi về Gia Lai cho vợ con. Trước đây, vài ba tháng anh về thăm con một lần, nhưng hai năm qua dịch nhiều, đi lại sợ lây bệnh cho vợ con nên mỗi ngày Tài đều gặp vợ con qua Zalo.

Mỗi ngày, anh Võ Tài đều hôn con qua điện thoại cho đỡ nhớ
Mỗi ngày, anh Võ Tài đều hôn con qua điện thoại cho đỡ nhớ

Nói rồi Tài mở điện thoại khoe hình hai con trai kháu khỉnh. “Bố ơi, sao lâu rồi bố chưa về thăm con? Con nhớ bố lắm, mẹ cũng nhớ bố!”, hai đứa con của anh tranh nhau gọi bố. “Mai mốt bố về sẽ có quà cho mẹ và con… Hôn chào bố nào!”, Tài nói rồi vội tắt điện thoại, mắt đỏ hoe. Những nụ hôn xa như thế càng tiếp thêm sức lực cho Tài.

Tôi hỏi, nhớ vợ con, cha mẹ vậy sao Tết này Tài không về? Chỉ vào chiếc xe máy được lắp thêm khung sắt để chở được nhiều hàng, Tài nói: “Tôi muốn về lắm lắm nhưng lúc này nhiều việc. Tôi cố “cày” sẽ có thu nhập tốt hơn lo cho gia đình. Sang năm, các con tôi đi học rồi, sẽ có thêm nhiều khoản để lo…”, ông bố trẻ trải lòng.

Tại khu lưu trú công nhân Tân Thuận (quận 7), chị Nguyễn Kim Lắm (28 tuổi, quê Cà Mau) nhanh tay vừa lo bữa cơm trưa vừa tâm sự: “20 tuổi, tôi đã rời quê lên thành phố làm công nhân với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mỗi lần mua sắm, ăn uống… tôi luôn tằn tiện để không vượt định mức”.

Ngoài làm công nhân, Lắm còn nhận bao tay vải về nhà bán kiếm thêm thu nhập.

Nữ công nhân Nguyễn Kim Lắm cảm thấy may mắn vì người thân vẫn khỏe mạnh sau dịch
Nữ công nhân Nguyễn Kim Lắm cảm thấy may mắn vì người thân vẫn khỏe mạnh sau dịch

Động lực để chị quyết tâm bám phố chính là các con. Bé lớn của Lắm đã hơn 9 tuổi, bé nhỏ chỉ vừa lên 4 và đều đang gửi ở quê. Hai vợ chồng làm công nhân, các con nghỉ học không ai trông. Nữ công nhân dự tính, nếu địa phương cho người ở TPHCM về Tết mà không phải cách ly, chị sẽ về quê thăm con.

“Mình cố gắng làm việc để có điều kiện lo thật tốt cho con được ăn học tới nơi tới chốn. Đợt dịch vừa qua, ngẫm lại mình thấy vẫn còn may mắn vì mọi người trong gia đình đều mạnh khỏe, mình vẫn có việc làm nên bây giờ càng cố gắng hơn. Hy vọng năm sau sẽ có nhiều tin tốt”,  Lắm trải lòng.

Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm cho biết, Thành phố dành 700 tỷ đồng chăm lo người lao động đón Tết. Sẽ có khoảng 10 chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, người lao động.

Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM còn tổ chức họp mặt, tặng quà cho 1.000 đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người); hỗ trợ 2 triệu đồng/nghiệp đoàn; chăm lo 600 người lao động khó khăn trong các ngành, lĩnh vực có môi trường làm việc khó khăn như y tế, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vùng sâu, vùng xa…

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI