"Nỗi đau axit" đối với phụ nữ được xem là "hơn cả cái chết". Ngoài hủy hoại nhan sắc, sức khỏe, đa số chị em không thể sống một cuộc sống bình thường sau đó.
Kết quả giám định cho biết, tỉ lệ thương tích của cô gái trẻ L.T.L.V ( 24 tuổi, (ngụ P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) là 46%. Từ tháng 1/2019 tới nay, cô đã trải qua chín cuộc phẫu thuật trước khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Hiện đối tượng Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi, thiếu úy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an Đà Nẵng) đã bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.
|
Cô gái xinh xắn bị tàn phá nhan sắc và sức khỏe do kiên quyết chia tay chồng sắp cưới ghen tuông và bạo lực |
Hứng trọn can axit từ khoảng cách rất gần, chị Đặng Thị Huyền (33 tuổi, trú thôn Yên Viên, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) có tỷ lệ bỏng gần 70%. Đối tượng Phạm Văn Thông (35 tuổi, quê huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là chồng cũ của chị Huyền đã khai nhận nguyên nhân tạt axit vợ là do ghen tuông, dù họ đã ly hôn và tái hợp ít ngày.
|
Tái hợp với người chồng hay ghen, chị Huyền không tránh được kết cục bi kịch |
Mở báo chí, chúng ta gặp liên tục các vụ việc giết người yêu rồi tự sát ở các tỉnh Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Nguyên... không phân biệt vùng miền, giới trí thức hay không trí thức. Nào là "Nghi vợ ngoại tình, chồng đâm chết vợ rồi tự sát", “Sinh viên sư phạm giết người yêu bằng búa rồi tự tử”, “Thanh niên Bắc Giang đâm chết bạn gái vì níu kéo tình cảm bất thành”… Tình tiết các vụ trả thù, ghen tuông của đàn ông, vụ nào cũng kinh dị với những tình tiết như chỉ có trên phim ảnh.
Tại sao cuối một cuộc tình, người ta lại ác độc đến thế? Là vì, với nhiều người, tình yêu thương bị lầm lẫn sang sự sở hữu. Khi cảm giác người đàn bà của mình không còn là “của mình”, họ trở nên điên dại, mất lý trí, họ tìm mọi cách lấy lại, hoặc trả thù hèn hạ, bất chấp đạo đức và luật pháp.
|
Chân tay của cô gái L.V ở Đà Nẵng đã liền sẹo sau nhiều ngày chữa trị. |
Khi chồng xem vợ như món đồ sở hữu, người phụ nữ sẽ rất khó tránh khỏi tình huống bị bắt ghen, chỉ là ngắn (tính bằng giờ phút) hay dài (là cả cuộc đời). Nó, cái cảm giác ghen vật ghen vã, ghen tới mờ mắt, mất lý trí ấy làm đối phương tưởng tượng đủ thứ nguy rình rập quanh người phụ nữ của mình và đứng ngồi nhấp nhổm.Đôi khi chị em phụ nữ chúng tôi ngồi với nhau và thử đặt tình huống phải chọn lựa giữa hai hoàn cảnh: 1, bị chồng bỏ lơ, không thèm ghen tuông gì; và 2: bị chồng theo dõi chặt và nghi kỵ mọi điều. Đàn bà thích kiểu chồng nào? Câu trả lời là cả hai dạng chồng như thế đều đáng ngán, đáng sợ, nhưng giữa “tay chồng” sẵn trong mình dòng máu “phát xít” và cuồng ghen thì thà chọn “chồng thờ ơ, thậm chí có bồ bịch còn dễ thở hơn”.
"Nó là thằng nào?", sau câu hỏi ấy, không phải là thái độ sẵn sàng nghe giải thích, mà sẽ là gào thét, dọa dẫm, thậm chí là nắm đấm... "Thằng nào" ấy tự nhiên tượng hình trong đầu óc chồng khi thấy vợ vừa ôm điện thoại vừa cười tủm tỉm. Trong khi nụ cười của vợ có thể tới từ một một đoạn hội thoại vui, một hình ảnh gây cười, một phút ngẫu hứng trong diễn đàn mạng. Từ nghi kị, kẻ ghen tuông sẵn sàng gán ghép, lúc này, một câu bông lơn từ cái "còm" trên facebook, một cái hình avatar tự nhiên cũng thành… tình địch.
“Thằng nào” có thể là một ông hàng xóm tốt bụng, một ông sếp quan tâm tới nhân viên, một anh đồng nghiệp buộc phải đi công tác chung, nhưng cũng có thể chẳng là ai cả. Tôi từng thấy anh trưởng ban ghen khốn ghen khổ với anh nhân viên, trù dập bằng tơi tả cậu trai trẻ. Mà thật tình, vợ anh trưởng ban chưa hề quen thân hay nói chuyện với cậu nhân viên đó. Chỉ là, trong buổi họp mặt các gia đình cuối năm, anh dẫn vợ đi dự tiệc đúng hôm cậu nhân viên được giao làm MC trên sân khấu.
Tuy ở bên người yêu cuồng ghen cuộc sống chẳng khác gì ngục tù, nhưng từ thực tế phòng tư vấn hôn nhân gia đình của Báo Phụ Nữ, chúng tôi thấy, các cô gái trẻ hiếm khi nào dám rời bỏ người yêu ghen tuông. Vì sợ anh ta trả thù. Thậm chí trả thủ cả những người liên quan như cha mẹ, anh chị...
|
Khi mới yêu ai cũng "hiền lành, dễ thương", nhưng cuối cuộc tình nhiều người trở nên tàn độc. Hình minh họa |
Cũng có cô mang quan điểm “có ghen là có yêu”, do không lường hết được sự phức tạp khi sống chung cùng kể cuồng ghen. Cũng không thiếu trường hợp, các cô nghĩ khả năng chịu đựng của mình bền bỉ, nghĩ rằng khi con cái ra đời, người chồng sẽ phân tán tình cảm mà bớt tập trung vào vợ nên gật đầu tiếp tục chung đường.
Khoa học tâm lý xác nhận ghen tuông là bệnh lý. Nếu đã chấp nhận yêu hoặc kết hôn với người đàn ông có bệnh này, buộc phải nằm lòng các kỹ năng chung sống với người cuồng ghen. Công khai mọi chuyện xảy ra trong sinh hoạt, tránh những mối nghi ngờ không đáng. Cố gắng đặt mình vào vị trí và cảm xúc của kẻ hay ghen và tuyệt đối không “à ơi”. Không quan hệ lén lút, thiếu trong sáng với người khác giới. Càng không được thách thức hay sử dụng trò “kệ cho ổng ghen cho biết mình có giá”.
|
Chia tay là một kỹ năng nhiều chị em chưa kịp học đã phải mang thương tật . Hình minh họa |
Khi thấy cuộc sống tù ngục và thiếu an toàn, nên chủ động trao đổi một cách văn minh và tinh tế để hướng đối phương tới cuộc chia tay êm đẹp. Cần giúp mình và giúp người có sự chuẩn bị. Nếu đối phương chưa sẵn sàng nên chờ cơ hội khác hợp lý hơn. Tuyệt đối không ngừng đột ngột việc hẹn hò, nhắn gọi… Vì điều ấy khiến kẻ cuồng ghen phát điên và có khi người đàn bà tội nghiệp phải trả giá bằng tính mạng.
Hoàng Hương