Tạt a-xít vợ gây thương tật 86%, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

23/05/2018 - 09:03

PNO - Là nghi can số một trong vụ tạt a-xít, nhưng đến nay, sau bảy tháng kể từ ngày xảy ra vụ việc, ông Trần Văn Bảo Nhơn - 69 tuổi, trú tại P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Tat a-xit vo gay thuong tat 86%, van nhon nho ngoai vong phap luat
Bà Dân bị phỏng a-xít với tỷ lệ thương tật 86%

Bà Lê Tuyết Dân (49 tuổi, quê ở H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, vợ ông Nhơn) còn cho rằng, chồng mình chính là tác giả của hàng loạt tin nhắn, tờ rơi khủng bố, đe dọa cuộc sống của bà suốt thời gian qua. Bà Dân đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng nhưng không nhận được hỗ trợ.

Ghen tuông mù quáng

Đều từng đổ vỡ hôn nhân, năm 1997, bà Dân và ông Nhơn gặp gỡ, yêu thương rồi chung sống như vợ chồng. Sau nhiều lần “di trú” làm ăn thất bại, họ về sinh sống tại xã Mỹ Yên, H.Bến Lức, tỉnh Long An. Bà Dân làm công nhân, ông Nhơn không có việc làm ổn định nên phần lớn thời gian ở nhà lo cơm nước. 

Nhiều lần nghi vợ ngoại tình, ông Nhơn muốn vợ nghỉ việc, đi bán vé số mưu sinh nhưng bà Dân không chấp nhận. Tháng 8/2017, ông Nhơn đọc trộm tin nhắn trong điện thoại vợ, thấy  có ai đó gọi bà Dân bằng “em yêu”, rủ đi sinh nhật nên nổi máu ghen tuông.

Tra hỏi vợ không thành, ông đập chiếc xe máy rồi bỏ nhà ra đi. Một tuần sau, được bà Dân thuyết phục, ông Nhơn quay về nhưng vẫn ấm ức trong lòng. Về hôm trước, hôm sau, nhân lúc vợ lơ đễnh, ông mang ca a-xít chuẩn bị sẵn tạt lên người vợ rồi phóng xe bỏ chạy, mang theo chiếc điện thoại của bà Dân. May mắn, bà Dân tránh được ca a-xít nên chỉ phỏng nhẹ ở chân. 

Trong hai tháng bỏ trốn, ông Nhơn không ngừng dùng điện thoại của vợ nhắn tin cho tất cả những người có tên trong danh bạ, phao tin bà Dân ngoại tình, trộm tiền người khác. Sáng 18/10/2017, trên đường đi làm, bà Dân bất ngờ gặp lại chồng. Trong tích tắc, ông Nhơn lao đến hắt trọn ca a-xít đậm đặc vào vợ rồi rồ ga bỏ chạy trước sự chứng kiến của nhiều người.

Bà Dân nhập viện trong tình trạng phỏng giác mạc, phỏng toàn bộ vùng mặt, lan xuống cổ và toàn thân. Đến nay, trải qua tám ca phẫu thuật cắt ghép da, thông khoang mũi, mở rộng miệng để có thể ăn uống được, di chứng phỏng a-xít vẫn khiến tay chân bà Dân co rút, khó cử động, gương mặt luôn phải cúi gằm do gân cổ rút dính đến ngực. 

Nạn nhân bị bỏ mặc?

Theo bà Dân, dù ông Nhơn trốn thoát, nhưng bà nghi ngờ ông chính là người liên tục quấy phá, khủng bố, đe dọa bà. “Ông Nhơn cầm điện thoại của tôi, tôi mua điện thoại mới nhưng hễ tôi dùng số điện thoại nào, ổng cũng đều biết. Sau đó, ổng lấy chính điện thoại cũ của tôi nhắn tin đe dọa” - bà Dân khẳng định. 

Cụ thể, ngày 29/3, ông Nhơn gửi tin nhắn cho vợ: “Cô có muốn con gái của cô gặp cảnh như cô không”? “Người thân của cô sẽ trả nợ thay cô”. “Cô sẽ không sống được yên, trừ phi tôi chết mới thôi”. Ngày 10/4, ông Nhơn tiếp tục nhắn: “Cô đừng ngạc nhiên khi thấy con cô hay ai đó gặp cảnh như cô”.

Bà Dân còn tin rằng, cũng chính ông Nhơn là người rải tờ rơi ở tất cả những nơi bà có mặt, từ bệnh viện cho đến nhà riêng, công ty cũ của bà. Nội dung tờ rơi không chỉ nói xấu, đe dọa tính mạng bà mà còn nhiều người thân khác của bà. Tờ rơi ngày 1/5/2018 viết: “Tôi chấp nhận lấy cái chết, đánh đổi mạng sống để làm tất cả mọi việc tôi muốn làm, kể cả phải giết người. Tôi sẽ gặp lại cô”. 

Trước đó, một tờ rơi khác cho biết sẽ xô bà Dân vào xe tải. Bà Dân hoang mang: “Mỗi lần bị khủng bố như vậy, tôi đều đến Công an H.Bến Lức (nơi đang thụ lý vụ việc) yêu cầu giúp đỡ nhưng họ cứ bảo tôi về nghỉ ngơi, an dưỡng cho khỏe”. 

Mới đây, ngày 2/5, bà Dân tiếp tục mang tin nhắn và tờ rơi đến Công an H.Bến Lức trình báo. Thế nhưng, bà Dân kể, một cán bộ hỏi lại bà: “Chị nghĩ ổng lớn tuổi vậy thì làm gì được chị?". Bà Dân hỏi, nếu chưa bắt được ông Nhơn thì có phát lệnh truy nã không, nhưng cán bộ này trả lời: “Ổng tạt (a-xít) chị, tôi có thấy đâu mà truy nã ổng”. 

Bà Dân cũng đã nhiều lần đến Công an P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - nơi ông Nhơn đăng ký hộ khẩu thường trú - để hỏi thăm tung tích chồng, nhưng ông Nhơn đã không còn ở địa phương này. 

Thiếu tá Võ Văn Hết - Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an H.Bến Lức - thông tin: “Vụ tạt a-xít khiến bà Dân chịu tỷ lệ thương tật 86%. Chúng tôi đã xác minh tại nhiều địa phương nhưng vẫn chưa tìm được tung tích ông Nhơn. Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình điều tra”. 

Hỏi về các biện pháp hỗ trợ bà Dân trước sự đe dọa, rình rập của người được cho là ông Nhơn, ông Hết nói: “Bà Dân cần giữ lại chứng cứ, sau đó mang đến cung cấp, trình bày với chúng tôi”. 

Ông Nguyễn Minh Sáng - Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Long An - cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, hiện đang thu thập, đánh giá chứng cứ để xem xét khởi tố bị can. 

Bà Dân cám cảnh: “Ông Nhơn vẫn nhởn nhơ đâu đó gần tôi, trong khi cơ quan chức năng chưa tìm được ổng, cũng không có biện pháp nào bảo vệ tôi khiến tôi và người thân luôn sống trong sợ hãi, hoang mang”. 

Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”. Đây là khung hình phạt dành cho “tội phạm rất nghiêm trọng” theo điều 8 luật này.

Theo quy định tại điều 100 và điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra (CQĐT) phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. 

Nếu vụ án có tính chất phức tạp, đối với tội rất nghiêm trọng, có thể được gia hạn điều tra không quá hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng (khoản 1, 2, điều 119). Để được gia hạn điều tra, CQĐT phải có văn bản đề nghị gửi viện kiểm sát cùng cấp gia hạn theo thẩm quyền. Sau khi khởi tố vụ án, nếu có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can. 

Việc có khởi tố bị can hay không phụ thuộc vào quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ của CQĐT và phải được sự phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp (điều 126). Nếu hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra (điều 160). Trong trường hợp CQĐT đã xác định và ra quyết định khởi tố bị can mà bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu thì CQĐT sẽ ra quyết định truy nã bị can (điều 161).

Với tình huống nêu trên, sau khi bị tạt a-xít, nạn nhân vẫn liên tục bị đe dọa qua điện thoại, tin nhắn, tờ rơi thì nạn nhân cần lưu tất cả thông tin nêu trên và viết đơn tường trình tố cáo sự việc gửi CQĐT, viện kiểm sát để các cơ quan này tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy tìm thủ phạm và bảo vệ nạn nhân. 

Luật sư Trần Hoài Nhân 
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI